Những lá chắn cuối cùng của chiến hạm

Dương Phạm (TH) |

(Soha.vn) - CIWS (Close-in Weapon System) là vũ khí phòng thủ điểm để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu bay của đối phương đã xâm nhập và vượt qua hệ thống phòng thủ bên ngoài

Hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS - Close-in Weapon System) là một vũ khí phòng thủ điểm để phát hiện và tiêu diệt các tên lửa đang bay tới ở cự ly ngắn hay máy bay của đối phương đã xâm nhập và vượt qua hệ thống phòng thủ bên ngoài. Hệ thống CIWS được coi là lớp phòng thủ cuối cùng của chiến hạm. Một số hệ thống CIWS tiêu biểu hiện nay gồm:

1. Hệ thống Phalanx:

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: 5.700 - 6.200 kg

Chiều dài nòng pháo: 1.520 mm (block 0 &1); 1.981 mm (block 1B)

Loại đạn: 20x102 mm

Tốc độ bắn: 3.000 - 4.500 phát/phút

Sơ tốc đạn: 1.100 m/s

Tầm bắn hiệu quả: 3.600 m

Góc xoay ngang: -1500 - +1500 - Tốc độ: 1000/giây (block 0&1); 1160/giây (block 1B)

Góc nâng hạ: -100/+800 (block 0); -200/+800 (block 1) - Tốc độ 860/giây

-250/+850 (block 1B) - Tốc độ 1150/giây

Hệ thống Phalanx Mark15 là tổ hợp khép kín tích hợp bao gồm pháo, đạn và radar lắp trên 1 bệ duy nhất. Hệ thống được General Dynamics nay là Raytheon Systems phát triển vào cuối những năm 1960, có thể lắp đặt trên bất kỳ tàu mặt nước nào mà không cần có sự sửa đổi lớn, hệ thống Phalanx hiện được trang bị trên hầu hết các tàu chiến mặt nước của Mỹ và tàu chiến của hơn 20 quốc gia khác.

Hệ thống Phalanx gồm pháo 6 nòng bắn nhanh Gatling M61A1 Vulcan có tốc độ bắn 4.500 phát/phút cùng một radar băng Ku được chế tạo theo công nghệ chỉ điểm khép kín, có khả năng tìm kiếm, phát hiện, đánh giá, bám bắt và giao chiến hoàn toàn tự động. Các loại đạn có thể bắn gồm đạn xuyên giáp vỏ tự huỷ (APDS) 20 mm sử dụng đầu xuyên 15 mm bằng kim loại nặng (vonfram hoặc uran nghèo) được bao quanh bằng một guốc đạn plastic và một phần đáy kim loại nhẹ.

Cấu hình ban đầu của hệ thống Phalanx sử dụng cho các tàu của hải quân Mỹ được gọi là Block 0 nhằm tạo ra lớp phòng thủ tầm ngắn chống lại các loại tên lửa đối hạm siêu âm ít vận động bay thấp. Cấu hình nâng cấp Block 1A trang bị một máy tính ngôn ngữ lập trình bậc cao cho tốc độ xử lý tốt hơn; các thuật toán điều khiển hoả lực đã được cải thiện để đối phó với những mục tiêu có tính cơ động cao, tìm kiếm các toạ độ vũ khí để quản lý tác chiến tốt hơn và chức năng kiểm tra toàn bộ (từ đầu đến cuối) để xác định những sai hỏng hệ thống; nâng cấp chế độ mặt biển. Block 1B nâng cấp trên cấu hình hiện có của Block 1A với việc bổ sung các nòng pháo được tối ưu hóa (Optimised Gun Barrels - OGB), có tuổi thọ nòng cao hơn, độ tản mát khi bắn được cải thiện và cự ly tác chiến tăng lên đáng kể

Cấu hình Block 1A và 1B có khả năng bao quát lớn hơn, dung tích thùng chứa đạn tăng từ 989 viên lên tới 1.550 viên, tăng tốc độ bắn lên 4.500 phát/phút so với 3.000 phát/phút đời đầu. Hệ thống Phalanx cũng có thể kết nối với bất kỳ hệ thống chiến đấu nào của tàu để cung cấp khả năng điều khiển khiển hoả lực cũng như có thể chỉ thị mục tiêu cho các vũ khí phòng thủ khác như tên lửa Rim-116 Rolling Airframe.

2. Hệ thống Goalkeeper

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: 9.902 kg

Loại đạn: 30x173 mm

Tốc độ bắn: 4.200 phát/phút

Sơ tốc đạn: 1.109 m/s

Tầm bắn hiệu quả: 350 - 2.000 m

Góc xoay ngang: 3600 - Tốc độ 1000/giây

Góc nâng hạ: -250/+850 - Tốc độ 800/giây

Hệ thống CIWS 30 mm Goalkeeper do hãng Thales Nederland trước đây là Thomson - CSF Signaal phát triển từ năm 1975 và hoàn thành vào năm 1979, là hệ thống vũ khí trên tàu hải quân có chức năng phòng thủ tầm gần chống tên lửa hành trình đối hạm và máy bay bay thấp. Hệ thống có thể hoạt động một cách tự động hoàn toàn từ giám sát, phát hiện đến tiêu diệt mục tiêu kể cả việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên kế tiếp. Khi mục tiêu được phát hiện, hệ thống sẽ đánh giá mối đe doạ và xác định mục tiêu ưu tiên, mục tiêu được chỉ điểm và bám bằng các radar làm việc trên băng tần K/I.

Hệ thống Goalkeeper gồm 1 radar sục sạo công suất cao làm việc trên băng tần I, 1 radar bám bắt mục tiêu làm việc trên băng tần I/K, 1 hệ thống điều khiển vũ khí và 1 pháo 30 mm 7 nòng GAU-8/A của General Electric có tốc độ bắn 4.200 phát/phút được lắp trên một bệ pháo tích hợp. Hệ thống có khả năng nhận dạng mục tiêu và khởi động bám bắt tự động đối với mục tiêu nguy hiểm nhất. Goalkeeper có thể được tích hợp với hệ thống trinh sát, giám sát tình báo và chỉ điểm mục tiêu (IRST) trên tàu để làm việc theo chế độ thụ động, đồng thời dữ liệu radar còn được dùng để bổ sung cho tham số giao chiến và là nguồn dữ liệu đối chiếu thứ hai nhằm giảm xác suất bám phải mục tiêu giả.

Một điều rất đáng lưu ý đó là trong khi các hệ thống CIWS khác thường thử nghiệm khả năng với mục tiêu là bia bay hoặc tên lửa đối hạm đã lạc hậu thì hệ thống Goalkeeper đã chứng tỏ năng lực của mình khi nhiều lần đánh chặn thành công tên lửa Exocet.

Thí nghiệm đánh chặn thành công tên lửa Exocet của hệ thống Goalkeeper

Thí nghiệm đánh chặn thành công tên lửa Exocet của hệ thống Goalkeeper

Với độ tin cậy rất cao, hệ thống Goalkeeper đã được được nhiều nước trong và ngoài châu Âu tin dùng. Hàn Quốc đã mua một số hệ thống Goalkeeper để lắp đặt trên tàu hải quân của mình và Trung Quốc cũng cho ra đời 1 bản copy được định danh là Type 730. Việc các tàu Sigma 9814 của Hải quân Việt Nam sẽ không được trang bị hệ thống Goalkeeper là một điều vô cùng đáng tiếc.

3. Hệ thống Type 730

Thông số cơ bản:

Trọng lượng: khoảng 8.000 kg

Loại đạn: 30x173 mm

Tốc độ bắn: 4.200 - 5.800 phát/phút

Sơ tốc đạn: 1.021 m/s

Tầm bắn hiệu quả: 2.500 m

Hệ thống CIWS Type 730 của Trung Quốc gồm 1 pháo bắn nhanh 30 mm 7 nòng copy nguyên mẫu pháo GAU-8/A của General Electric, 1 radar điều khiển cùng 1 hệ thống bám quang điện tử được lắp trên tháp pháo bọc kín hoàn toàn tự động. Hệ thống chủ yếu được sử dụng để phòng thủ trước tên lửa đối hạm nhưng cũng có thể chống lại máy bay, tàu mặt nước, xuồng nhỏ, các mục tiêu ven bờ và thủy lôi. Mặc dù có hình dáng bên ngoài rất giống với hệ thống Goalkeeper của châu Âu, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng đó là một bản copy nhưng thực tế Type 730 sử dụng radar và hệ thống quang học do Trung Quốc tự chế tạo. Trung Quốc hiện đang phát triển một phiên bản mới của hệ vũ khí này với các tên lửa lắp kèm bên trên nhưng không giống như hệ thống Kashtan hay Palma của Nga, bên cạnh đó Type 730 còn có thêm 2 biến thể là Type 1030 và Type 1130 trang bị pháo 30 mm 10 và 11 nòng.

Pháo của hệ thống Type 730 do Viện nghiên cứu 713 thiết kế với mật danh là “Dự án 850”. Một biến thể của radar băng I/X EFR-1 (NATO gọi là Rice Lamp) cùng hệ thống điều khiển hoả lực quang điện tử OFC-3 do viện nghiên cứu quang điện tử trung ương Trung Quốc thiết kế. Hệ thống OFC-3 gồm các module: 1 máy đo xa laser, 1 camera truyền hình màu và 1 camera hồng ngoại. Máy đo xa laser có thể được thay bằng thiết bị chỉ điểm laser, camera truyền hình có thể được thay bằng camera quan sát ban đêm, và camera hồng ngoại cũng có thể được thay bằng kính khuếch đại ảnh hồng ngoại với giá thành đắt hơn. Radar của hệ thống có thể bám các mục tiêu bay sát mặt biển từ cự ly 8 km với những mục tiêu nhỏ và tới 15 đến 20 km với những tiêu lớn nhưng chỉ có thể tác chiến ở cự ly ngắn hơn nhiều do bị hạn chế bởi tầm bắn hiệu quả của pháo.

Hệ thống Type 730 đã được lắp trên các tàu khu trục Type 051C, 052B, 052C và dự kiến sẽ được trang bị cho một số tàu chiến cũ hơn cũng như được coi là vũ khí tiêu chuẩn cho tất cả các tàu mặt nước thế hệ mới như các tàu hộ vệ Type 054A hay Type 056.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại