"Không biết dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá tàu ngầm Trường Sa"

Tàu ngầm Trường Sa nếu muốn được ứng dụng vào cuộc sống thì cần phải có sự kiểm định, cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Làm thế nào để kiểm định được tàu Trường Sa?

Chiều ngày 1/4/2014, ông Nguyễn Vinh Đạo, trưởng phòng Công nghệ Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thái Bình đã có những trao đổi xung quanh những vấn đề thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa trên biển và tiêu chí kiểm định con tàu này.

Một phương tiện muốn đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ mục đích, nhu cầu của con người thì cần phải có một sự kiểm định, cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý của nhà nước. Và nếu tàu Trường Sa muốn được ứng dụng vào cuộc sống, cũng cần phải có những bước kiểm địhh như vậy.

Về vấn đề kiểm định chất lượng tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Vinh Đạo cho biết:

“Như chúng ta đã biết, tàu ngầm không có trong bất kỳ một quy định, chế tài nào của pháp luật Việt Nam. Vì thế, vấn đề kiểm định hay thử nghiệm loại hình phương tiện này với tất cả các bộ ngành của nước ta còn rất mới, không riêng gì sở Khoa học công nghệ Thái Bình mà ở Việt Nam không có cơ quan nào thụ lý vấn đề ấy. Chúng tôi không biết sử dụng tiêu chuẩn nào để đánh giá hay kiểm định chiếc tàu này.”

Ông Đạo cho biết thêm: “Sở Khoa học chỉ nhận đăng ký các đề tài, dự án chứ không thể nhận thử nghiệm ấy. Nếu có văn bản luật quy định Sở Khoa học phải chịu trách nhiệm về cái việc này thì Sở mới thụ lý hồ sơ. Tuy nhiên hiện nay chưa hề có.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Đạo cũng có sự hướng dẫn thao tác thủ tục cho doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa:

“Trước mắt ông Hòa hãy gửi văn bản, đề nghị cho Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thái Bình, tiếp đó, lãnh đạo tỉnh chỉ thị cho Sở nào thì Sở ấy nhận trách nhiệm. Nếu Sở này chưa đủ thẩm quyền, chức năng thì lại phải liên hệ, kết hợp nhiều Sở để có thể kiểm định được con tàu này.”

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Bình mách nước

Trong bối cảnh sự kiểm định chất lượng cho chiếc tàu ngầm Trường Sa này gần như không có cách nào thực hiện, ông Nguyễn Vinh Đạo vẫn có những tư vấn để tàu được tiếp tục những công đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Về vấn đề xin sự cho phép, đồng ý để tàu có thể chạy ra sông ra biển thử nghiệm, ông Đạo cũng đã có những sự mách nước cho chủ nhân của chiếc tàu ngầm Trường Sa: “Thực ra thì về nguyên tắc cần phải qua UBND tỉnh Thái Bình để xin phép và sau đó chờ chỉ thị từ tỉnh. Nhưng ở đây có một điểm, nếu ông Hòa quyết định thử ngoài biển, thì lúc này sẽ không thuộc sự quản lý của cơ quan công an đường sông nữa mà thuộc vào tầm kiểm soát của bộ đội biên phòng.”

“Tốt nhất là nên gửi đơn đề nghị cho cả hai nơi, cả UBND tỉnh và Bộ đội Biên phòng của tỉnh. Theo tôi, đã có địa chỉ cụ thể là thử nghiệm tại khu vực biển Thái Bình, thì lúc này sẽ do các đơn vị biên phòng quản lý. Nếu chỉ mang tàu ra bơi lặn một lúc vài tiếng đồng hồ thì chỉ cần các đồng chí biên phòng cho phép, tạo điều kiện thì không cần UBND cũng có thể làm được.”

Cũng trong sáng ngày 1/4/2014, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Linh – Viện phó Viện kỹ thuật tàu quân sự, thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng về vấn đề thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa.

Ông Linh cho biết vẫn theo dõi thông tin về tàu Trường Sa trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Còn về vấn đề cấp phép thử nghiệm, ông Linh chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn giúp đỡ anh Hòa, tuy nhiên chỉ có thể giúp đỡ về mặt kỹ thuật, khoa học, còn về quản lý nhà nước, anh Hòa phải nghe theo các cấp quản lý địa phương, chúng tôi khó có thể tham gia được.”

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hòa đã bày tỏ, hiện con tàu đang được sơn sửa tân trang phần vỏ để chuẩn bị cho chuyến ra biển đầu tiên. Tuy nhiên, chuyến đi chưa được định ngày bởi một lý do đơn giản, tàu ngầm Trường Sa chưa được cho phép.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại