Có thật Nga chiến thắng ở Crimea nhờ quân đội thiện chiến?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Tại Crimea chỉ có gần 10.000 quân Nga đối đầu với 16.000 quân Ukraine. Khí tài hạng nặng duy nhất phía Nga sử dụng là xe thiết giáp chở quân BTR-80.

Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly (Anh) có bài viết nhận định sự kiện Crimea đã cho thấy sự mới mẻ trong cách thức quân đội Nga tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, chính xác thì người Nga đã giành một thắng lợi về tâm lý và chính trị, thay vì một chiến thắng quân sự.

Nội dung bài viết như sau:

Chiếc cuối cùng trong số những tàu chiến Ukraine bị phong tỏa ở Crimea đã thuộc về Nga vào ngày 25/03 vừa qua, đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch quân sự kéo dài hơn 3 tuần của Nga để nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea.

Nó đã cho thấy sự mới mẻ trong cách thức quân đội Nga tiến hành chiến tranh. Điểm nổi bật nhất là việc họ nhấn mạnh vào tính hiệu quả. Khác với những cuộc chiến trước đây, như tại Afghanistan, Chechnya hay Gruzia, nơi người Nga dựa vào số lượng áp đảo về thiết giáp và pháo binh, tại Crimea chỉ có gần 10.000 quân Nga đối đầu với 16.000 quân Ukraine. Khí tài hạng nặng duy nhất phía Nga sử dụng là xe thiết giáp chở quân BTR-80.

Binh sĩ Nga tuần hành bên ngoài căn cứ quân sự của Ukraine ở Perevalne, Crimea hôm 30/3

Binh sĩ Nga tuần hành bên ngoài căn cứ quân sự của Ukraine ở Perevalne, Crimea hôm 20/3

Sau khi quân Ukraine đã bị bao vây, cô lập bên trong các căn cứ của mình thì tâm lý chiến, chiến tranh thông tin qua internet và truyền thông... trở thành những vũ khí chính của người Nga để bẻ gãy ý chí kháng cự của đối phương, thay vì hỏa lực áp đảo. Binh lính Nga cũng thể hiện sự kiên nhẫn và kỷ luật cao. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những loại trang thiết bị mới, như quân phục, áo giáp, và xe cơ giới hạng nhẹ.

Phương thức mới mẻ này xuất phát từ yêu cầu của Tổng thống Putin phải bắt đầu chiến dịch quân sự chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi chính quyền thân Nga bị lật đổ ở Kiev hôm 27/02.

Mặc dù chiến dịch này đã được lên kế hoạch trước đó thì vẫn không có đủ thời gian để tập trung một lực lượng lớn. Các tướng lĩnh Nga phải ứng biến bằng cách tận dụng số lính hải quân đánh bộ đang đồn trú tại Crimea, cộng với một vài tiểu đoàn lính dù và đặc nhiệm. Quy mô nhỏ còn phù hợp với thông điệp chính trị mà Moscow sử dụng: đây là một chiến dịch để bảo vệ cộng đồng người gốc Nga ở Crimea chứ không phải một cuộc xâm lược.

Chỉ sau hơn 3 tuần, ý chí của lực lượng Ukraine tại Crimea bị bẻ gãy và tất cả 190 căn cứ đều đầu hàng mà gần như không có sự kháng cự nào. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng phần lớn lực lượng quân đội Ukraine ở Crimea là thuộc hải quân và các đơn vị hành chính, quản lý, không phải lính chiến đấu trực tiếp. Việc tổ chức chiến đấu phòng thủ không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho phìa Ukraine khi đó. Nói một cách khác, người Nga đã giành một thắng lợi về tâm lý và chính trị, thay vì một chiến thắng quân sự.

Diễn biến trong tương lai

Đã có nhiều dự đoán về những bước đi kế tiếp của Tổng thống Putin sau thành công tại Crimea. Trong bài diễn văn ngày 18/03, ông đã bày tỏ góc nhìn của mình về trật tự thế giới. Việc Nga mất vị thế siêu cường sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc là một thất bại tủi hổ trước phương Tây, và là nguồn cơn của mọi nghi kị và thù địch.

Đối với Tổng thống Putin, Ukraine đóng vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng. Đây là gạch nối giữa Đông và Tây. Kiểm soát Ukraine đồng nghĩa với kiểm soát Biển Đen, cùng với con đường tiến vào các nước Trung Âu và vùng Balkan, những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tư tưởng "đại Slav". Những tính toán chiến lược này gần như đã bị giới lãnh đạo ở phương Tây quên lãng.

Ukraine có tầm quan trọng đến mức vào năm 2004, khi mà viễn cảnh về việc Ukraine đi ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga trở nên rõ nét thì lãnh đạo phe đối lập thân phương Tây khi đó là Viktor Yushchenko đã suýt mất mạng vì bị đầu độc bằng dioxin. Điện Kremlin coi cuộc ‘cách mạng màu’ là một mối đe dọa cần bị loại bỏ.

Chiến dịch tại Crimea còn là dịp để Nga thử thách ý chí của NATO và EU. Giới lãnh đạo Nga thường có cái nhìn toàn cục hơn lãnh đạo ở phương Tây, những người thường chỉ xem xét từng quốc gia riêng rẽ thay vì cả một khu vực.

Giới phân tích Nga xem những nước quanh Biển Đen và Biển Baltic như một khu vực chung, và trong lịch sử luôn tìm cách kiểm soát chặt khu vực này, do nó nằm giữa nước Nga và các cường quốc khác. Sự chú ý hiện nay đang hướng về Moldova, nơi vùng tự trị Transnistria của cộng đồng người nói tiếng Nga đã tự tuyên bố là một nước độc lập mặc dù không được Liên Hợp Quốc công nhận. Nga có khoảng 400 binh lính gìn giữ hòa bình tại khu vực này. Việc nước cộng hòa tự phong mong muốn trở thành 1 phần của Nga có thể sẽ lại được sử dụng như là cái cớ để Nga can thiệp quân sự. Ngày 25/03, Nga tuyên bố bắt đầu một đợt tập trận phòng thủ khu vực tại Transnistria, và phía Moldova đã bày tỏ sự lo ngại về động thái này.

Các nước vùng Baltic, mặc dù đều là thành viên của NATO và EU, nằm ở rìa phía bắc của khu vực Biển Đen-Baltic và dễ bị tấn công. Lính dù Nga từ căn cứ Pskov, gần biên giới Latvia và Estonia, có thể cô lập Estonia khỏi phần còn lại của Châu Âu trong vòng 40 phút, theo lời một cựu sĩ quan Nga. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những nước Baltic còn lại. Lực lượng quân sự Nga đang hiện diện trong tư thế sẵn sàng ở đông Ukraine, Transnistria, vùng Baltic và có thể hành động nếu có lệnh từ Tổng thống Putin.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại