"Sứ giả chiến tranh" Tomahawk Mỹ có nguy cơ bị khai tử

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Không chỉ chương trình tên lửa Tomahawk, Tổng thống Obama còn dự định xóa sổ một chương trình tên lửa quan trọng khác của Mỹ là Hellfire.

Tờ Washington Times đưa tin Tổng thống Obama đang có kế hoạch hủy bỏ 2 chương trình tên lửa thành công lớn của Mỹ mà các chuyên gia nhận định rằng chúng đã giúp Hải quân Mỹ duy trì ưu thế quân sự trong nhiều thập kỷ qua.

Theo các tài liệu ngân sách do Hải quân Mỹ phát hành, ngân sách dành cho chương trình tên lửa Tomahawk (được biết tới như "tên lửa hành trình tiên tiến nhất thế giới") dự kiến sẽ bị cắt giảm 128 triệu USD theo đề xuất ngân sách năm tài khóa 2015 của ông Obama và chương trình sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào năm 2016.

Hải quân Mỹ cũng sẽ buộc phải hủy bỏ kế hoạch mua các tên lửa Helfire với hiệu quả tác chiến cao vào năm 2015.

Đề xuất hủy bỏ các chương trình tên lửa này đã khiến cho giới lập pháp và các chuyên gia quân sự Mỹ vô cùng kinh ngạc khi họ từng cảnh báo rằng việc cắt giảm những tên lửa này sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực của Mỹ trong việc ngăn chặn các lực lượng của quân địch.

Tàu khu trục USS Barry phóng tên lửa Tomahawk
Tàu khu trục USS Barry phóng tên lửa Tomahawk

Hải quân Mỹ đã sử dụng các biến thể khác nhau của tên lửa Tomahawk trong vòng hơn 30 năm qua, trong chiến dịch Bão táp sa mạc, các vùng chiến sự ở Iraq, Afghanistan, cho tới Balkans.

Trong khi quân đội Mỹ đang phải cắt giảm ngân sách thì có vẻ như việc cắt giảm chương trình Tomahawk không phải do thiếu tiền.

Tờ Washington Times cho hay Chính quyền Tổng thống Obama có vẻ muốn dành ngân sách chương trình Tomahawk để đầu tư cho một chương trình tên lửa thử nghiệm mà phải ít nhất 10 năm nữa mới có thể sẵn sàng hoạt động.

Các chuyên gia Hải quân và nhiều sĩ quan nghỉ hưu lo ngại rằng việc xóa bỏ 2 chương trình tên lửa Tomahawk và Helfire mà chưa có hệ thống khác thay thế sẽ đe dọa uy thế của Mỹ khi nước này đang phải đối mặt với những đội quân ngày càng tiên tiến từ Bắc Triều Tiên cho tới Trung Đông.

Seth Cropsey, Giám đốc Trung tâm Sức mạnh biển Mỹ, thuộc Viện nghiên cứu Hudson cho rằng việc cắt giảm sẽ lấy đi của Mỹ sức ảnh hưởng và vị thế thống trị quân sự.

Theo Cropsey, kế hoạch cắt giảm này "giống như đang treo cờ trắng trên một cột cờ rất cao và nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng để bị giẫm đạp lên".

Steve Russel, một cựu sĩ quan Lục quân Mỹ nhận định: "Chúng ta đang đứng trước một nguy cơ vô cùng lớn bởi quá nhiều chính sách của chúng ta dành cho mục đích phản ứng nhanh phụ thuộc vào đội ngũ an ninh quốc gia với năng lực răn đe là tên lửa Tomahawk".

Bắc Triều Tiên đã phóng thành công các rocket đa tầng và nhiều loại tên lửa đạn đạo khác trong những tháng gần đây. Các chuên gia cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy năng lực phòng thủ của Hải quân Mỹ sẽ trở nên quan trọng hơn tại Thái Bình Dương trong những năm tiếp theo.

Trung bình, gần 100 quả tên lửa được sử dụng mỗi năm. Với tốc độ sử dụng hiện tại, số lượng tên lửa Tomahawk dự trữ sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2018 và Hải quân Mỹ sẽ không có gì để sử dụng.

"Đây là một quyết định mà Tổng thống Barack Obama chắc chắn sẽ làm suy yếu nước Mỹ, trong khi Nga đang tăng cường sức mạnh đáng kể" - một chuyên gia khác nhận định.

Tên lửa hành trình Tomahawk được phát triển bởi tập đoàn Raytheon của Mỹ, với giá 600.000 USD/quả loại thường và 1,45 triệu USD/ quả loại chiến thuật. Một quả tên lửa Tomahawk dài 6,1 m, đường kính 53 cm, sải cánh 2,7 m và trọng lượng 1.510 kg. Nó có thể đạt được tốc độ cận âm và tầm bắn từ 1.126km đến 2.172km tùy từng loại.

Tên lửa Tomahawk có 4 phiên bản chính, bao gồm: phiên bản hạt nhân Block II TLAM-A, phiên bản tiêu chuẩn Block III TLAM-C, phiên bản bom chùm Block III TLAM-D và phiên bản chiến thuật mới nhất Block IV TLAM-E. Phiên bản mới nhất của tên lửa Tomahawk có khả năng lượn quanh mục tiêu trong vòng nhiều giờ và thay đổi hướng di chuyển ngay cả sau khi rời bệ phóng.

Trong cuộc tấn công Iraq vào năm 2003, lực lượng liên quân đã bắn 700 quả tên lửa hành trình Tomahawk trong năm đầu tiên. Liên quân Mỹ và phương Tây cũng đã bắn 110 quả tên lửa loại này trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya năm 2011. Loại tên lửa này được mệnh danh là “sứ giả chiến tranh”, luôn mang đến cơn ác mộng cho bất kỳ quốc gia nào mà nó hướng đến.

10 sát thủ diệt tăng đáng sợ nhất thế giới
Tên lửa HELLFIRE II có tầm bắn tối đa 8km.

Trong khi đó, AGM-114 Hellfire là tên lửa chống tăng cực mạnh do hãng Lockheed Martin thiết kế, sản xuất dùng để tấn công hủy diệt các mục tiêu bọc thép, công sự kiên cố. Tên lửa dùng đầu tự dẫn radar sóng mm đem lại độ chính xác cao, lắp đầu nổ chống tăng cực mạnh, tầm bắn xa đến 8km. Phiên bản mới nhất trong gia đình tên lửa Hellfire là AGM-114R HELLFIRE II (mã định danh là Romeo), có chiều dài 163cm, đường kính 17,8cm, khối lượng 49,4kg trang bị đầu dò laser bán chủ động và có thể sử dụng chế độ bắt mục tiêu rồi phóng hay phóng rồi bắt mục tiêu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại