Nga "mổ xẻ" 4 lầm tưởng lớn nhất về tên lửa Tomahawk Mỹ

Minh Đức |

(Soha.vn) - Theo một bài báo Nga, "sứ giả chiến tranh" Tomahawk của Mỹ hoàn toàn không phải là một loại tên lửa vô đối như bấy lâu nay vẫn lầm tưởng.

Nói đến Tomahawk người ta nghĩ ngay đến loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất đáng sợ nhất thế giới hiện nay. Loại tên lửa này được mệnh danh là “sứ giả chiến tranh”, luôn mang đến cơn ác mộng cho bất kỳ quốc gia nào mà nó hướng đến.

Tuy nhiên, theo một bài viết trên trang mạng topwar.ru của Nga, sự áp đảo về hỏa lực bởi cơn mưa tên lửa từ trên trời rơi xuống, giống như một trận cuồng phong, sự lạnh lùng và tàn bạo đã gây ra những ngộ nhận, sự tôn sùng thái quá về khả năng của Tomahawk.

Tác giả bài viết đã liệt kê ra 4 ngộ nhận lớn nhất về tên lửa Tomahawk của Mỹ như sau:

Tomahawk tiêu diệt mọi loại mục tiêu

Khả năng hủy diệt ấn tượng đã dẫn đến niềm tin rằng sử dụng tên lửa hành trình có khả năng mang lại chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.

Những hình ảnh thử nghiệm với độ chính xác tuyệt đối này hoàn toàn khác xa so với điều kiện chiến tranh thực tế.
Những hình ảnh thử nghiệm với độ chính xác tuyệt đối này hoàn toàn khác xa so với điều kiện chiến tranh thực tế.

Tomahawk biến thể BGM-109E với hệ thống định vị chiến thuật mới kết hợp hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS có khả năng lượn lờ trong không khí và chờ đợi thời điểm tấn công phù hợp. Ngoài ra, tên lửa còn có khả năng lập trình lại trong chuyến bay, nó có thể tùy chọn tấn công 1 trong 15 mục tiêu đã được xác định trước.

Hiện đại là vậy nhưng Tomahawk lại tỏ ra bất lực với các mục tiêu đang di chuyển. Việc sửa đổi biến thể Tomahawk block IV đa nhiệm quá tốn kém và kết quả là Hải quân Mỹ đã từ chối thông qua nó. Biến thể cải tiến BGM-109B, với khả năng chống hạm nhờ vào một radar bán chủ động như trên tên lửa Harpoon, đã bị loại bỏ hơn 10 năm trước đây.

Việc tấn công một mục tiêu như hệ thống tên lửa S-300 hoặc ngăn chặn một tiểu đoàn xe tăng đang tiến đến là một nhiệm vụ bất lực đối với tên lửa hành trình hiện đại. Vì thế, quân đội phải huy động máy bay ném bom, máy bay cường kích, trực thăng tấn công, UAV…Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả những vũ khí này được huy động cũng chưa chắc tạo nên được chiến thắng trên chiến trường.

Tomahawk chính xác tuyệt đối

Độ chính xác của tên lửa Tomahawk là chủ đề cho những cuộc tranh luận trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Đống đổ nát của tên lửa Tomahawk đã được tìm thấy ở tận Iran, cách mục tiêu đến vài trăm dặm. Là lỗi lập trình hay thất bại của hệ thống máy tính điều khiển trên tên lửa?

Cơ chế dẫn hướng quá phức tạp khiến tên lửa Tomahawk có thể chệch mục tiêu đến hàng trăm km.
Cơ chế dẫn hướng quá phức tạp khiến tên lửa Tomahawk có thể chệch mục tiêu đến hàng trăm km.

Cơ chế dẫn hướng của Tomahawk quá phức tạp cũng khiến nó dễ bị gặp lỗi kỹ thuật. Công nghệ dẫn hướng TERCOM (men theo địa hình) là một công nghệ đáng tin cậy và hiệu quả. Tuy nhiên, TERCOM lại tỏ ra không hiệu quả khi hoạt động tại các địa hình sa mạc, những bình nguyên nơi không có nhiều sự khác biệt về địa hình để có thể so sánh.

Khu vực sắp tấn công cần phải được chụp hình trước để đưa vào bộ nhớ của tên lửa, làm cơ sở để so sánh so với hình ảnh mà nó thu được. Nếu chỉ dẫn hướng bằng GPS sẽ làm giảm độ chính xác của tên lửa, bán kính lệch mục tiêu CEP theo thiết kế của Tomahawk là từ 5-15m nhưng thực tế có thể khác xa nhiều.

Tomahawk rất khó để đánh chặn

Trên lý thuyết, tên lửa Tomahawk bay rất thấp, cách mặt đất chỉ vài chục mét, khả năng phát hiện ra nó bằng radar không vượt quá phạm vi từ 20-30km, nếu hoạt động trên các địa hình nhiều đồi núi thì phạm vi này còn thấp hơn, tên lửa có thể tận dụng địa hình và thực hiện một cuộc tấn công không kịp trở tay.

Kích thước của Tomahawk khá nhỏ, nó đòi hỏi mật độ hỏa lực mặt đất dày đặc mới có hiệu quả cao trong việc bắn hạn nó. Một tàu ngầm lớp Ohio có thể phóng đi tới 154 tên lửa Tomahawk, một số lượng đủ lớn để vượt quá khả năng của bất kỳ hệ thống phòng không nào.

Tomahawk vẫn dễ dàng bị bắn hạ ngay cả với việc ngắm bắn bằng mắt thường.

Tomahawk vẫn dễ dàng bị bắn hạ ngay cả với việc ngắm bắn bằng mắt thường. Trong ảnh một tên lửa Tomahawk bị bắn rơi trong chiến tranh Kosovo.

Nhưng thực tế, trong chiến dịch không kích Kosovo năm 1999, Mỹ và các đồng minh đã phóng đi 218 tên lửa Tomahawk, trong số này có từ 40-50 tên lửa bị bắn rơi.

Đáng chú ý hơn cả là sự kiện một quả Tomahawk bị bắn rơi bởi một chiếc MiG-21 của Serbia, phi công đã tiêu diệt nó bằng cách nhắm mục tiêu bằng mắt thường và sử dụng pháo để bắn hạ. Như vậy, có thể thấy rằng việc bắn hạ Tomahawk hoàn toàn không phải là điều quá khó khăn như vẫn tưởng.

Tomahawk đang tạo ra mối đe dọa với Nga

Tomahawk là một vũ khí chiến thuật để thực hiện các hoạt động chiến tranh cục bộ. Ngay cả về mặt lý thuyết, nếu có một hiệp ước với Mỹ về việc từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì tên lửa hành trình cũng không phải là mối đe dọa đối với Nga.

Tất cả các cơ sở công nghiệp quân sự quan trọng, kho tàng, căn cứ chiến lược của Nga đều nằm cách bờ biển hàng ngàn dặm và nằm ngoài tầm với của Tomahawk. Trong trường hợp chiến tranh, việc sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa Trident mới đem lại kết quả. Người Mỹ hiểu sự vô nghĩa của một tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đối với Nga nên đã từ bỏ nó từ cách đây 20 năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại