Siêu vượt âm được đánh giá là một công nghệ mang tính cách mạng, có thể cho phép các lực lượng Mỹ đánh bại những hệ thống phòng không tích hợp thế hệ mới với kết cấu tinh vi.
"Hệ thống phòng không tích hợp đang dần trở thành một rào cản khó vượt qua. Chiến tranh điện tử chỉ giải quyết được một phần của câu hỏi, phần còn lại chính là tốc độ. Nếu họ không thể tóm được bạn, bạn có thể xâm nhập vào và tấn công" - Al Shaffer, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay.
Theo Shaffer, các hệ thống phòng không của Syria, Nga, Trung Quốc nằm trong số những hệ thống công nghệ tiên tiến hơn nên vũ khí siêu vượt âm có thể là quân bài chiến lược trong tương lai mà Mỹ cần để đối phó với những quốc gia này.
Trong khi các loại tên lửa hành trình hiện tại di chuyển với vận tốc khoảng 965km/h, vũ khí siêu vượt âm có thể đạt tới tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10.
Shaffer đề cập tới 4 cuộc thử nghiệm công nghệ siêu vượt âm của Mỹ, nhấn mạnh rằng 2 trong số các cuộc thử nghiệm này đã thành công. Đặc biệt, ông nhắc đến cuộc thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm X-51 trên Thái Bình Dương hồi tháng Năm năm ngoái, trong đó, X-51 đã đạt tới tốc độ Mach 5.1.
Cụ thể, ngày 1/5/2013, một phương tiện bay X-51 đã được gắn lên bên cánh của một máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress ở căn cứ không quân Edwwards, khi máy bay leo lên độ cao 15.000m, X-51 đã được phóng ra và nhanh chóng tăng tốc lên tốc độ Mach 4.8 chỉ trong vòng 26 giây nhờ một động cơ đẩy tên lửa nhiên liệu rắn.
Ở độ cao 18.300m, X-51 tách ra khỏi động cơ tên lửa và tăng tốc lên Mach 5.1 nhờ động cơ phản lực tĩnh (scramjet) siêu âm.
Sau 3 đợt kiểm tra đầy thử thách, X-51 đã tạo thêm một bước đột phá vào năm ngoái. Trong một chuyến bay thử nghiệm thành công, X-51 chỉ mất có 300 giây trong đoạn đường bay hàng ngàn dặm ở độ cao 24.384 m với tốc độ hơn Mach 5.
"Đây là một dấu mốc có ý nghĩa rất lớn. Điều đó có nghĩa rằng chúng tôi đã bắt đầu hiểu rõ về công nghệ siêu vượt âm”, Shaffer nói.
Shaffer cũng đề cập rằng ngoài tốc độ cao, X-51 còn có ưu điểm khác là kết cấu gọn nhẹ, có chi phí rẻ hơn so với các phương tiện bay mang động cơ turbine phức tạp.
Shaffer không đề cập cụ thể tới cuộc thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm gần đây của Trung Quốc nhưng nói rằng Mỹ nên tích cực nghiên cứu để đảm bảo rằng mình sẽ trở thành quốc gia hàng đầu trong công nghệ siêu vượt âm.
"Chúng tôi, nước Mỹ, không bao giờ muốn trở thành quốc gia thứ 2 trong lĩnh vực siêu vượt âm" - Ông Shaffer nói.