Nhìn sang Ukraine, nhiều nước giật mình vì ngân sách QP teo tóp

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Một chuyên gia cho rằng hành động của Nga tại Ukraine có thể thúc đẩy việc tăng ngân sách quốc phòng tại những nước láng giềng của Nga ở Trung Âu và vùng Baltic.

Một bài viết trên tờ New York Times (Mỹ) cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến một số  nước phải xem xét lại quan điểm của mình về chi tiêu cho quốc phòng. Dưới đây là nội dung bài viết.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Thụy Điển thay đổi chiến lược an ninh quốc gia theo hướng tập trung cho chiến dịch ở hải ngoại và các nhiệm vụ phi quân sự như đối phó với sự biến đổi khí hậu. Những người vẫn xem Nga là mối đe dọa chính bị coi là cổ hủ và lạc hậu, song giờ đây họ lại được xem là những người nhìn xa trông rộng.

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển, ông Mikael Odenberg, người đã từ chức vào năm 2007 để phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, nói quyết định này “rõ ràng là một tính toán sai lầm”.

Quân đội Thụy Điển trong một cuộc tập trận
Quân đội Thụy Điển trong một cuộc tập trận

Việc Nga không ngần ngại sử dụng vũ lực với Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều nước Châu Âu, những nước đã cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Một số chuyển hướng ưu tiên sang những nhiệm vụ quốc tế như tại Afghanistan. Còn hiện nay, quá trình thay đổi để đối phó với mối đe dọa từ phía đông đang diễn ra, đặc biệt là tại những nước trong quá khứ từng có "ân oán" với Liên Xô.

“Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời, một phần năng lực quân sự của chúng ta sẽ bị suy giảm cho đến khi không còn tồn tại nữa”, Tướng Petr Pavel, Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng hòa Séc, đã cảnh báo như vậy hồi tuần trước trong một hội nghị kỷ niệm 15 năm ngày nước này gia nhập NATO.

Hiện nay, chỉ có một vài thành viên NATO là đạt được mục tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP, trong khi đó, con số này của Nga là 4%. Chính sách "thắt lưng buộc bụng" do khủng hoảng kinh tế càng khiến cho ngân sách quốc phòng của các nước Châu Âu giảm thêm nữa, đúng vào lúc Nga bắt đầu thực hiện các cuộc tập trận và tuần tra gần biên giới các nước Châu Âu như thời Chiến tranh lạnh, bao gồm việc tái khởi động các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược từ năm 2007. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Nga phát động chiến tranh tại Gruzia năm 2008, các nước Châu Âu khi đó vẫn chỉ xem việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự là để bù đắp cho một thời gian dài quân đội nước này thiếu ngân sách và rơi vào tình trạng lạc hậu.

“Tôi cho rằng nhiều người đã đánh giá thấp việc Nga sẵn sàng sử dụng vũ lực”, theo lời ông Samuel Perlo-Freeman, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom. Ông cũng cho rằng hành động của Nga tại Ukraine có thể thúc đẩy việc tăng ngân sách quốc phòng tại những nước láng giềng của Nga ở Trung Âu và vùng Baltic.

Bộ trưởng bộ quốc phòng Cộng hòa Séc gần đây cũng đã lên tiếng kêu gọi tăng mức ngân sách quốc phòng lên tương đương 1,5% GDP, con số này hiện nay chỉ là 1,1% sau một số đợt cắt giảm, và giới quân sự nước này đang lo ngại nó có thể làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Lithuania chi chưa đầy 1% GDP cho quốc phòng nhưng đang lên kế hoạch để tăng mức này lên, mặc dù theo lời của bộ trưởng bộ tài chính Rimantas Sadzius, con số này khó có thể chạm mốc 2% như trong mục tiêu của NATO.

Chính phủ của 3 nước vùng Baltic, Lithuania, Estonia và Lativa đã kêu gọi NATO triển khai thêm lực lượng tại các nước này, bao gồm lục quân và hệ thống phòng không. Khối NATO đã tăng cường các chuyến bay tuần tra ở vùng trời Baltic. Thứ 6 tuần rồi, Pháp cũng vừa đóng góp thêm 4 chiến đấu cơ cho các phi vụ tuần tra chung.

Lính Nga đến tiếp quản một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea
Lính Nga đến tiếp quản một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea

Cả 3 nước này từng thuộc Liên bang Xô Viết và đều có lịch sử xung đột với Moscow liên quan đến cộng đồng người nói tiếng Nga sinh sống tại đây. Trong khi đó, bảo vệ người gốc Nga là một trong những lí do chính được Tổng thống Putin sử dụng để lý giải cho các hành động quân sự tại Gruzia và Ukraine.

Hai nước Tây Âu có ngân sách quốc phòng lớn nhất là Pháp và Anh nhiều khả năng sẽ không có thay đổi lớn về chi tiêu cho quốc phòng. Song tại Nam Âu, tình hình tài chính tồi tệ khiến những nước trong khu vực phải chịu mức cắt giảm ngân sách quốc phòng nhiều nhất trên toàn Châu Âu. Thủ tướng Ý Matteo Renzi muốn cắt giảm 4 tỷ USD, bằng cách bán bớt các doanh trại quân đội, tái cấu trúc quân đội, giảm số lượng chiến đấu cơ được đặt mua.

Ngược lại, những nước Trung và Bắc Âu nhiều khả năng sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Thụy Điển không phải là thành viên NATO và do đó sẽ phải tự lực cánh sinh nếu có chiến tranh nổ ra. Tình hình tại Ukraine đã tạo ra nhiều luồng ý kiến lo ngại về tình trạng hiện nay của quân đội nước này.

Vào lúc cao điểm của Chiến tranh lạnh, Thụy Điển có khoảng 400 chiến đấu cơ, gấp bốn lần hiện nay, và có thể động viên gần 1 triệu binh sĩ. Hiện nay họ có chưa đến 20.000 quân thường trực.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Thụy Điển thu gọn quy mô quân đội, theo hướng ưu tiên cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở hải ngoại. Ngân sách quốc phòng liên tục bị các chính phủ thuộc cả phe tả và hữu cắt giảm, các căn cứ bị đóng cửa. Bước đi gần nhất trong xu hướng này là việc bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự vào năm 2010. Hai năm sau đó, tư lệnh quân đội Thụy Điển gây sốc khi đánh giá rằng lực lượng quân sự hiện có chỉ có thể đứng vững tối đa 1 tuần.

Tháng 3 năm ngoái, khi các chiến đấu cơ Nga đang thao diễn ngoài khơi Baltic và bất ngờ chuyển hướng về phía Thụy Điển, không quân nước này không thể huy động bất kì máy bay nào để ngăn chặn do chúng đều không ở tình trạng sẵn sàng. Tuy vậy thủ tướng Thụy Điển khi đó vẫn cho rằng nguy cơ bị Nga tấn công là không có thật.

Song hiện nay cả chính phủ và phe đối lập nước này đều đồng ý rằng tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Thụy Điển đang ở dưới mức cần thiết và cần được nâng cấp triệt để. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, quá trình này có thể mất đến 10 năm.

Nước láng giềng Phần Lan vẫn luôn duy trì một chính sách thực tế hơn đối với mối đe dọa từ phía đông, do nước này có một đường biên giới dài 1.300km với Nga. Phần Lan có một phòng tuyến mạnh ở phía đông và hàng năm có 25.000 lính nghĩa vụ bổ sung cho 14.500 quân nhân chuyên nghiệp. Trong số những nước Châu Âu, có lẽ Phần Lan là nước có cái nhìn về nước Nga ít thay đổi nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại