Không quân Ukraine đánh mất ngôi vị số 1 châu Âu như thế nào?

Ly Vy |

(Soha.vn) - Không quân Ukraine từng là lực lượng đứng đầu châu Âu với rất nhiều máy bay hiện đại của Liên Xô.

Trang mạng rusmir.in.ua vừa có bài viết phân tích về sự xuống cấp, tụt dốc của Không quân Ukraine theo thời gian. Sau đây là nội dung bài viết:

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Ukraine được sở hữu rất nhiều loại vũ khí của Liên Xô để lại. Được thành lập vào năm 1992, lực lượng không quân Ukraine sở hữu rất nhiều loại máy bay hiện đại của Liên Xô thời bấy giờ, đưa không quân Ukraine chỉ đứng sau không quân Mỹ, Nga, Trung Quốc và đứng đầu châu Âu.

Cần lưu ý rằng trước kia phần lớn các loại máy bay hiện đại nhất của Liên Xô đều đóng quân trên lãnh thổ Ukraine như các loại máy bay tiêm kích: Su-27, MiG-29, máy bay ném bom tầm xa Tu-22, Tu-95 và Tu-160. Các sân bay trên lãnh thổ Ukraine có vị trí địa chiến thuật cực kỳ quan trọng trong việc tấn công các lực lượng của NATO. Một số sân bay quan trọng trên lãnh thổ Ukraine luôn được ưu tiên tiếp nhận các thế hệ máy bay chiến đấu mới nhất của Liên Xô như: Mirhorod Vasilkovo, Melitopol,... Đặc biệt, sân bay Saki ở Crimea là nơi đặt căn cứ huấn luyện phi công trên tàu sân bay của Liên Xô.

Máy bay Tu-22M3 của không quân Ukraine
Máy bay Tu-22M3 của không quân Ukraine

Vào năm 1992 không quân Ukraine có 3 quân đoàn (bao gồm hơn 1.100 máy bay):

- 2 sư đoàn không quân tiêm kích (8 trung đoàn trực thuộc) trang bị các loại máy bay như: MiG-23ML/MLD (80 chiếc), MiG-29 (240 chiếc), Su-27 (70 chiếc)

- 2 sư đoàn không quân ném bom chiến thuật (5 trung đoàn trực thuộc) trang bị 150 máy bay Su-24M

- 2 sư đoàn không quân ném bom tầm xa (3 trung đoàn trực thuộc) trang bị các loại máy bay như: Tu-16 (30 chiếc), Tu-22K (30 chiếc), Tu-22M2/M3 (36 chiếc)

- 3 trung đoàn không quân trinh sát trang bị các loại máy bay như: Tu-22P (30 chiếc), MiG-25RB (15 chiếc), Su-17M3/M4 (30 chiếc), Su-24MR (12 chiếc)

- Trung đoàn không quân tác chiến điện tử trang bị 35 máy bay Yak-28

- 4 trung tâm huấn luyện trang bị các loại máy bay như: MiG-21bis (240 chiếc), Su-24 (60 chiếc), L-39/L-29 (550 chiếc)

Ngoài ra, không quân Ukraine còn sở hữu hơn 900 trực thăng các loại bao gồm 250 trực thăng vũ trang Mi-24V/P.

Tuy nhiên do sự sụt giảm của nền kinh tế cũng như khả năng tài chính lúc đó của Ukraine không đủ để duy trì một lượng lớn máy bay như vậy dẫn đến việc số lượng các trung đoàn không quân của Ukraine giảm mạnh. Đến cuối những năm 90, Ukraine đã cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội máy bay tiếp dầu IL-78, máy bay huấn luyện MiG-23 và Tu-134UBL cũng như rã sắt vụn các loại máy bay ném bom tầm xa như Tu-22M2/M3, Tu-95 và Tu-160 (một số được bán lại cho Nga). Đồng thời với việc cắt giảm máy bay là sự cắt giảm tương ứng với các nhân viên hậu cần và phi công.

Nhưng điều mất mặt nhất với không quân Ukraine là việc ký kết thỏa thuận với phía Mỹ vào ngày 25-11-1993 về việc Ukraine loại bỏ toàn bộ phi đội máy bay ném bom tầm xa chiến lược của mình bao gồm 29 chiếc (10 máy bay Tu-160 và 19 máy Tu-95). Ngoài ra, vào giai đoạn 2002-2006, dưới sự giám sát của các chuyên gia Mỹ, Ukraine cũng loại bỏ toàn bộ phi đội Tu-22M2/M3.

Máy bay Su-27 của không quân Ukraine.
Máy bay Su-27 của không quân Ukraine.

Như vậy, đến đầu năm 2014 không quân Ukraine chỉ còn 80 máy bay MiG-29 (một số lượng nhỏ được nâng cấp lên chuẩn MiG-29MU1), 20 máy bay Su-27, 24 máy bay Su-24M, 36 máy bay Su-25 (14 chiếc được nâng cấp lên chuẩn Su-25M1), 12 máy bay trinh sát Su-24MR, 38 máy bay huấn luyện L-39, 7 máy bay vận tải IL-76MD, 5 máy bay An-26, 1 máy bay chở VIP An-24 và Tu-134AK. Trực thăng vũ trang chỉ còn lại các máy bay Mi-8/17 do phần lớn trực thăng của không quân Ukraine đã được chuyển giao cho phía lục quân Ukraine sử dụng vào năm 1994.

Thời gian trước khi xảy ra cuộc chính biến ở Ukraine, tình trạng của không nước này đã có những cải thiện. Cụ thể vào năm 2012, số giờ bay trung bình của 1 phi công không quân Ukraine là 42 giờ (so với năm 2010 thì con số này chỉ là 17 giờ) nhưng khi so sánh với các quốc gia khác thì con số này của Ukraine là quá nhỏ. Cụ thể trong cùng thời gian thì 1 phi công không quân Nga có số giờ bay trung bình trong 1 năm 100-120 giờ, 1 phi công thuộc khối NATO là từ 120-180 giờ. Tất cả máy bay chiến đấu, trực thăng trở lại biên chế không quân Ukraine đều được trải qua bảo dưỡng, nâng cấp bởi các công ty của Ukraine.

Các máy bay MiG-29 lừng lẫy một thời của Ukraine đang nằm phơi mưa nắng và không có nhà chứa.
Các máy bay MiG-29 lừng lẫy một thời của Ukraine đang nằm "phơi" mưa nắng và không có nhà chứa.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra cuộc chính biến ở Kiev thì sức mạnh không quân Ukraine bị suy giảm đáng kể. Các sân bay và nhà chứa máy bay không còn được bảo vệ nghiêm ngặt và điều này có thể dẫn đến việc những chiếc máy bay này lọt vào tay các phần tử cực đoan.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại