Nga chấp nhận Hạm đội Thái Bình Dương suy yếu vì Crimea?

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Sức mạnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ bị suy giảm đáng kể nếu Pháp quyết định hủy hợp đồng bán tàu Mistral cho Moscow.

Tin liên quan: Khủng hoảng Ukraine: Hủy HĐ bán Mistral, Pháp sẽ bị phạt cực nặng

Xung quanh thông tin Pháp cân nhắc hủy hợp đồng bán tàu Mistral với Nga do Moscow có hành động can thiệp vào Crimea, tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đã có bài phân tích về vấn đề này. Nội dung bài viết như sau:

Trong vòng 2 năm tới, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ tiếp nhận 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral mua từ Pháp. Những chiếc "tàu sân bay" này sẽ gia nhập vào đại gia đình tàu boong phẳng đang hoạt động ở Thái Bình Dương, bao gồm Liêu Ninh (Trung Quốc), Dokdos (Hàn quốc), Canberras (Úc) và Izumo (Nhật Bản).

Tuy nhiên, thương vụ tàu Mistral giữa Nga và Pháp đang có nguy cơ đổ bể. Do những hành động can thiệp của Nga vào Crimea, cũng như dự định sáp nhập nước cộng hòa tự trị này, Liên minh châu Âu hiện đang cân nhắc các loại biện pháp trừng phạt khác nhau dành cho Moscow.

Về phương diện quân sự, đòn giáng nặng nề nhất vào Nga có lẽ là 2 chiếc tàu lớp Mistral với lượng giãn nước lên tới 21.000 tấn mỗi chiếc, có khả năng mang hơn 12 trực thăng và thuận lợi để tiến hành hoạt động đổ bộ.

Việc Nga đặt tên con tàu thứ hai là Sevastopol, theo tên một thành phố không thuộc sở hữu của Nga trước khi tiến hành can thiệp vào Crimea chỉ càng khiến cho các nước châu Âu thấy thương vụ này vướng mắt hơn.

Hình ảnh tàu đổ bộ Vladivostock (chiếc đầu tiên thuộc lớp Mistral của Nga) trong đợt thử nghiệm gần đây

Hình ảnh tàu đổ bộ Vladivostock (chiếc đầu tiên thuộc lớp Mistral của Nga) trong đợt thử nghiệm gần đây

Hai tàu lớp Mistral dự kiến sẽ lấp đầy khoảng trống của Nga ở Thái Bình Dương kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ (Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô từng duy trì hoạt động của 2 tàu sân bay lớp Kiev tại vùng biển này). Khả năng đổ bộ sẽ khiến 2 con tàu này đặc biệt có giá trị, như những quân cờ chính trị ở Thái Bình Dương, bởi chúng có thể tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thiên tai trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó chứng minh khả năng của Nga trong việc thực hiện các sứ mệnh này ở những vùng biển xa.

Hợp đồng mua tàu Mistral đã gây nhiều tranh cãi tại Nga, nhiều ý kiến cho rằng nước này phải chi rất nhiều tiền trong ngân sách quốc phòng khan hiếm của mình cho một nhà thầu quân sự nước ngoài. Một số nhà phân tích tại Nga cũng bày tỏ lo ngại về những công nghệ mà các con tàu này được tích hợp. Tuy nhiên, do trên thực tế, các nhà máy đóng tàu của Nga không có đủ khả năng chế tạo những con tàu cỡ lớn, chất lượng cao từ cuối Chiến tranh lạnh nên tàu Mistral trở thành cơ hội tốt nhất để Nga tăng cường khả năng đổ bộ và năng lực hàng không cho những hạm đội đang xuống cấp của mình.

Người Pháp cũng có những mối lo ngại riêng. Trong khi thương vụ này là một món hời lớn cho ngành công nghiệp đóng tàu của Pháp thì một số đồng minh NATO lại bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sẽ sử dụng những con tàu đó để chống lại NATO hoặc những nước thân NATO.

Pháp sẽ đối mặt với những áp lực đáng kể trong vòng 6 tháng tới, liên quan đến việc bàn giao tàu Vladivostok (chiếc đầu tiên thuộc lớp Mistral) và Sevastopol cho Nga. Việc không bàn giao tàu có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ Nga-Pháp. Tuy nhiên, thương vụ này nếu được tiếp tục sẽ gây ra nhiều rắc rối với các đồng minh NATO của Pháp.

Paris có thể tìm kiếm một đối tác mua hàng mới, chẳng hạn như Hải quân Brazil, tuy nhiên, thương vụ như thế này có thể vấp phải những trở ngại đáng kể.

Hiện tại, Pháp vẫn chưa thể tìm ra giải pháp tối ưu nào để giải quyết tình thế "tiến thoái lưỡng nan" này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại