Khủng hoảng Ukraine: Hủy HĐ bán Mistral, Pháp sẽ bị phạt cực nặng

Ly Vy |

(Soha.vn) - Không lâu sau khi Pháp "dọa" hủy hợp đồng bán tàu đổ bộ Mistral do những căng thẳng ở Ukraine, Nga đã đánh tiếng về mức phạt mà Pháp có thể phải đối mặt.

Một nguồn tin giấu tên từ Tập đoàn Đóng tàu thống nhất Nga (USC) nói với hãng tin Itar-Tass rằng nếu có bất cứ sự gián đoạn nào trong hợp đồng đóng 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral, Pháp sẽ bị phạt rất nặng

"Về khía cạnh tài chính, cần lưu ý rằng hợp đồng năm 2011 đã dự kiến những biện pháp phạt nặng dành cho bên nào không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình" - Nguồn tin nói.

Trước đó, tờ RIA Novosti đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên kênh truyền hình TF1 (Pháp) về vấn đề hợp đồng cung cấp các tàu đổ bộ mang trực thăng Mistral với Nga, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, nếu phía Nga tiếp tục giải quyết vấn đề ở Ukraine nói chung và Crimea nói riêng như hiện tại thì: "phía Pháp sẽ xem xét việc huỷ bỏ hợp đồng (bán tàu Mistral)". Tuy nhiên, ông Fabius cũng thừa nhận "việc này không hề dễ dàng vì điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nước Pháp". Ông Fabius cho biết

Hồi đầu tháng 3, ông Fabius từng tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa đạt tới mức đỉnh điểm để chính phủ Pháp phải xem xét dừng việc bán tàu đổ bộ cho Nga.

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 6/3 cũng tuyên bố thương vụ bán tàu chiến hiện đại Mistral cho Nga vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp việc phương Tây và Nga bất đồng quan điểm về vấn đề nước cộng hòa tự trị Crimea.

"Chúng tôi tôn trọng các hợp đồng đã ký" - Hollande nói - "Chúng tôi không ở giai đoạn đó (tạm ngưng hợp đồng) và chúng tôi hy vọng sẽ tránh không phải đi tới giai đoạn đó".

Nga đã kí hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD mua 2 tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral của Pháp vào tháng 6/2011. Chiếc tàu đầu tiên trong hợp đồng, tàu Vladivostok đã được hạ thuỷ vào ngày 15-10-2013 và đang bắt đầu thử nghiệm trên biển, tàu thứ 2, tàu Sevastopol dự kiến được hạ thuỷ vào tháng 10-2014.

Vào hôm qua (17/2), các Ngoại trưởng các quốc gia thuộc liên minh châu Âu đã quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt với các quan chức của Nga và Ukraine có liên quan đến tình hình tại Crimea bao gồm việc cấm nhập cảnh vào EU và tài sản của họ tại EU cũng sẽ bị đóng băng. Biện pháp trừng phạt này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-3 đến ngày 17-9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt lên Nga vì tình hình Ukraine sẽ có tác động lên cả những quốc gia ban bố lệnh trừng phạt, bởi vì hiện nay trên thế giới tất cả mọi thứ đều được liên kết với nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại