Nhật Bản kêu gọi thế giới chống lại Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản đã kêu gọi thế giới đứng lên chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, nếu không sẽ xảy ra xung đột khu vực với những hậu quả kinh tế thảm khốc.

Trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ hôm thứ Tư (22/1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế trong một cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông có khả năng bùng nổ thành chiến tranh với vị hàng xóm siêu cường Trung Quốc của mình.

“Chúng ta phải hạn chế sự mở rộng quân sự ở châu Á…nếu không, sẽ không thể kiểm soát được”, ông Abe nói tại Hội nghị thường niên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị toàn cầu. Phía Trung Quốc với sự tham dự của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có mặt tại WEF vào thứ Sáu (24/1) tới đây.

"Nếu hòa bình và ổn định ở châu Á bị chấn động, hiệu ứng bùng nổ trên toàn thế giới sẽ rất lớn", Abe nói thêm, "Các lợi ích từ tăng trưởng ở châu Á phải không bị lãng phí vào việc mở rộng quân sự".

Mặc dù Abe đã không đề cập một cách rõ ràng đến Trung Quốc, bài phát biểu của ông đã được các quan chức Nhật Bản nhận định là một lời kêu gọi báo động cho một đối tượng có tầm ảnh hưởng lớn hơn những gì Tokyo coi là “sự bắt nạt của Bắc Kinh”.

Các tranh chấp về quần đảo giàu khoáng sản không có người ở đang diễn ra trong bối cảnh những lo ngại của Nhật Bản rằng Trung Quốc đang tìm cách khống chế tuyến đường hàng hải huyết mạch xung quanh bờ biển rộng lớn của họ và sự cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của Nhật Bản đang suy yếu.

Căng thẳng trên các hòn đảo, mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các cuộc đụng độ vũ trang xảy ra nhiều lần trong những năm gần đây.

Căng thẳng tiếp tục nổi lên hồi tháng trước khi Thủ tướng Abe đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ cả những vị tướng từng bị kết án tội phạm chiến tranh.

Phần lớn bài phát biểu của ông Abe tại WEF để nói về sự tiến bộ của "Abenomics", chính sách kinh tế mà ông đã đưa ra nhằm kết thúc hai thập kỷ giảm phát và ông cho rằng nó đang sắp “ra hoa kết trái”.

Mô tả Châu Á như là một khu vực có tiềm năng vô hạn và sẽ điều hành sự tăng trưởng kinh tế thế giới, ông Abe thúc giục Trung Quốc tham gia vào một Nhật Bản hồi sinh trong việc tạo ra các hệ thống ngăn chặn tranh chấp – điều sẽ phá hủy sự thịnh vượng chung của họ.

"Niềm tin và không căng thẳng là rất quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, và cả phần còn lại của thế giới", ông nói, "Điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và các quy tắc pháp luật, và không phải thông qua bằng vũ lực hoặc cưỡng chế".

Nhật Bản muốn Trung Quốc đồng ý chia sẻ chi tiết về chi tiêu quân sự, giúp thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng và thiết lập các kênh thông tin liên lạc giữa các lực lượng vũ trang hai nước.

Bài phát biểu của ông Abe được cho là quan trọng nhất trong ngày đầu tiên tập hợp đầy đủ các thành phần đại biểu của WEF và dự kiến sẽ là đề tài chủ đạo của các cuộc hội đàm sau đó cùng với vấn đề hòa bình ở Trung Đông.

Diễn đàn được khai mạc với sự lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Sự lạc quan đã phần nào được kiềm chế bởi những lo ngại về tác động của sự phân hóa ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo.

Một vấn đề cũng đang nổi lên trong các cuộc hội thoại là những lo ngại về thắt chặt tiền tệ hơn nữa ở Mỹ, tác động tới các nước mới nổi muốn kích hoạt một làn sóng hồi hương vốn cho nền kinh tế đang tiến triển của họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại