Báo Nhật bất ngờ khen TQ đang kiềm chế căng thẳng với Tokyo

My Lan |

Giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được cho là đã nhất trí ngăn chặn đụng độ quân sự với Nhật Bản và bất cứ sự can thiệp nào từ phía Mỹ liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Tờ Kyodo News (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, nguyên tắc cơ bản này đã được Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc chính thức thông qua vào cuối năm ngoái, bất chấp chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni ngày 26/12.

Theo đó, sau khi triệu tập cuộc họp 2 ngày khá hiếm hoi vào cuối tháng 10 với các đại sứ Trung Quốc tại 30 quốc gia láng giềng, 7 thành viên của Uỷ ban này, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu đã nhất trí rằng Trung Quốc "không có ý định gây chiến với Nhật Bản và Nhật Bản cũng không có can đảm để gây chiến với Trung Quốc". Uỷ ban này cũng nhất trí "ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ" vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Theo các nguồn tin của Kyodo News, mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng "xã hội thịnh vượng một cách tương đối" trong tất cả các lĩnh vực tới năm 2020, do đó, ông Tập đã nhấn mạnh rằng môi trường hoà bình và ổn định là điều rất cần thiết. Nguyên tắc cơ bản này được cho là đã phổ biến rộng rãi trong hãng ngũ các quan chức cấp cao của chính phủ và đảng, song đang được giữ bí mật nhằm tiếp tục gây sức ép lên Nhật Bản.

Kyodo News đánh giá, cũng như Nhật Bản, Trung Quốc không muốn có đụng độ quân sự bất ngờ xảy ra quanh hải phận hoặc không phận của mình, mặc dù Trung Quốc chưa hề có kế hoạch thoả hiệp về tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần đảo tranh chấp, đồng thời yêu cầu các máy bay nước ngoài đi qua khu vực này phải xin phép trước nếu không muốn là nạn nhân của "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" của Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ này cho rằng, nhằm thực hiện theo đúng nguyên tắc tránh rủi ro không cần thiết với Nhật Bản, Trung Quốc đã không hành động một cách quyết liệt và đầy đủ cũng như đang kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự quanh vùng đảo tranh chấp này.

Với việc không mạo hiểm gây leo thang căng thẳng và có thể phát triển thành một cuộc xung đột vũ trang, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì thái độ công kích đối với Nhật Bản, một phần là bởi quốc gia này cần phải ngăn chặn phản ứng mạnh mẽ có thể xảy ra trong công chúng trong nước, đổng thời muốn chứng tỏ với thế giới rằng tranh chấp lãnh thổ với Tokyo là có tồn tại.

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gây sức ép lên chính phủ Mỹ nhằm loại bỏ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ra khỏi hiệp ước an ninh giữa Washington và Tokyo, mà theo đó, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang.

Thêm vào đó, chính phủ của ông Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ tiếp tục làm suy yếu liên minh lâu đời giữa Mỹ và Nhật Bản thông qua những chỉ trích về quan điểm lịch sử của Thủ tướng Abe.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại