Phát hiện nơi giấu tài sản của các 'thái tử đỏ' Trung Quốc

Hơn chục người nhà của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được cho là đã lợi dụng các công ty nước ngoài đặt tại British Virgin Islands (thuộc Anh) để cất giữ tài sản.

Tờ Guardian (Anh) cho hay các tài liệu này cũng tiết lộ vai trò quan trọng của các ngân hàng và các công ty kế toán phương Tây, trong đó có PricewaterhouseCoopers, Credit Suisse và UBS, làm trung gian thành lập công ty cho các quan chức Trung Quốc.

Việc Trung Quốc sử dụng các hệ thống tài chính bí mật là thông tin mới nhất được tiết lộ trong “Các bí mật ở nước ngoài” – một báo cáo của Nghiệp đoàn quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ). Nghiệp đoàn này nắm trong tay hơn 200 GB các dữ liệu tài chính bị rò rỉ từ 2 công ty ở British Virgin Islands.

Quần đảo British Virgin Islands (thuộc Anh) ở Carribea.

Dữ liệu của ICIJ tiết lộ tổng cộng hơn 21.000 khách hàng từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã lợi dụng các tài khoản nước ngoài ở quần đảo Caribbea này.

Do các quan chức Trung Quốc và người thân không phải công bố các thông tin tài chính, người dân nước này gần như không thể biết nếu giới lãnh đạo cấp cao nước này lập các tài khoản nước ngoài để trốn thuế hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Theo các báo cáo, ước tính khối lượng tài sản từ 1 nghìn tới 4 nghìn tỷ USD đã được chuyển ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2000.

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc khiến nước này gặp một số căng thẳng nội bộ do tài sản không được phân bổ đồng đều: 100 người giàu có nhất nước này nắm giữ khối tài sản hơn 300 tỷ USD, trong khi khoảng 300 triệu người dân nước này vẫn có thu nhập chưa tới 2 USD/ngày.

Các tài liệu mật mà ICIJ thu thập được không cho biết nhiều về loại hình hoạt động của các doanh nghiệp sau khi thành lập. Việc thành lập các công ty ở nước ngoài có thể là một cách quan trọng để hợp thức hóa hoạt động làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt nếu các doanh nghiệp này cần mở rộng làm ăn ở nước ngoài.

Một gia đình chính trị gia Trung Quốc vẫn chưa ngừng bị theo dõi về các vấn đề tài chính – ít nhất là ở các nước phương Tây – là gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Năm ngoái, tờ Thời báo New York (New York Times) có bài cho hay công ty tư vấn luật của con gái ông Ôn Gia Bảo, người vẫn lấy tên là Lily Chang, đã được người khổng lồ về tài chính Mỹ JPMorgan, trả 1,8 triệu USD.

Khoản chi trả này trở thành một trong những mục tiêu bị xem xét khi giới chức Mỹ khi điều tra các hoạt động của JPMorgan ở Trung Quốc, bao gồm cả việc điều tra việc tuyển dụng của công ty này. JPMorgan Trung Quốc bị cáo buộc cố ý tuyển dụng người thân của các vị quan chức có tầm ảnh hưởng lớn ở nước này.

Tuy nhiên, các tài liệu của ICIJ cho thấy nhờ British Virgin Islands không ai biết tới mối liên hệ giữa Chang và công ty tư vấn Fullmark Consultants của cô này. Công ty này được thành lập vào năm 2004 ở British Virgin Islands dưới tên chồng của Chang, Liu Chunhang, và anh này vẫn giữ vị trí giám đốc và cổ đông của công ty này cho tận năm 2006 trước khi anh này chuyển tới làm việc cho một cơ quan ngân hàng ở Trung Quốc.

Quyền sở hữu công ty Fullmark Consultants khi đó được chuyển sang cho Zhang Yuhong, một người bạn của gia đình ông Ôn Gia Bảo. Tờ New York Times cho rằng Zhang Yuhong có liên hệ tới các hoạt động làm ăn của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Công ty được thành lập dưới tên của anh trai Chang, Wen Yunsong, với sự giúp đỡ của công ty Credit Suisse, đã bị giải tán vào năm 2008. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, không có mấy đầu mối thông tin về các hoạt động của công ty này.

Một trong những mục tiêu các công ty như trên được thành lập là nhằm tạo ra các tài khoản ngân hàng dưới tên chủ sở hữu của công ty này, một con đường khiến việc điều tra tài sản các quan chức trở nên phức tạp hơn.

Không thành viên nào trong gia đình ông Ôn Gia Bảo hay ông Zhang đưa ra bình luận về thông tin của ICIJ.

Tuy nhiên, trong một bức thư gần đây đề ngày 27/12 gửi tới nhà báo Ngô Khang Dân ở Hồng Kông, cựu Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo phủ nhận có hành động sai trái trong thời gian đương nhiệm hay các cáo buộc rằng gia đình ông tích lũy tài sản nhờ vào vị trí của ông.

“Tôi chưa bao giờ dính líu và cũng sẽ không bao giờ dính líu tới dù là một thỏa thuận, lạm dụng chức vụ của mình để thu lợi cá nhân bởi lẽ những mối lợi đó đi ngược lại những điều tôi tin tưởng”, ông viết.

Phát ngôn viên của Credit Suisse từ chối bình luận về bất kỳ vụ việc hay khách hàng cụ thể nào, tuy nhiên cho biết ngân hàng này “có các quy trình chi tiết giải quyết các khách hàng có vai trò chính trị nhạy cảm” nhằm tuân thủ các qui định chống rửa tiền ở Thụy Sĩ hoặc ở bất kỳ nơi nào khác.

“Theo luật của Thụy Sĩ, Credit Suisse phải bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng và do vậy chúng tôi không thể bình luận gì về vấn đề này”, ông này nói.

“Trong tình trạng thiếu thông tin sâu, giới truyền thông không thể chắc chắn rằng họ đã hiều đầy đủ vấn đề. Do đó họ không thể đưa tin chính xác và khách quan”, ông này bình luận.

Ngoài ra còn các “ông vua con” – một từ được dùng để chỉ con cái của các bậc quan chức Trung Quốc cấp cao – khác như: Li Xiaolin, một trong các giám đốc điều hành của một công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc đồng thời là con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng; Wu Jianchang, con rể của cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình và Hu Yishi, em họ của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Không chỉ có giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lợi dụng cơ chế bảo mật của British Virgin Islands. Ít nhất 16 trong số những người giàu nhất Trung Quốc, với khối lượng tài sản thuần hơn 45 tỷ USD, được phát hiện có quan hệ với những công ty được thành lập ở quần đảo này.

Trong số đó có Huang Guangyu, nhà sáng lập một trong những nhà bán lẻ đồ điện tử và một thời là người giàu nhất Trung Quốc. Theo các báo cáo của ICIJ, Huang và vợ đã xây dựng mạng lưới gồm hơn 30 công ty ở British Virgin Islands. Năm 2010, Huang “ngã ngựa” và bị kết án 14 năm tù vì giao dịch nội gián và hối lộ.

Mặc dù đang ngồi tù, mạng lưới của Huang ở nước ngoài không ngồi im. Năm 2011, một trong các công ty của ông này ở British Virgin Islands đấu thầu mua tàu Ark Royal, tàu sân bay một thời là “lá cờ đầu” của Hải quân Anh, tuy nhiên không thành công. Theo các báo cáo truyền thông, Huang có kế hoạch chuyển Ark Royal thành một trung tâm thương mại, tuy nhiên các quan chức hải quân Anh đã quyết định hủy con tàu này.

Mặc dù các dữ liệu của ICIJ mới chỉ thuộc về 2 trong vô số ngân hàng ở British Virgin Islands nhưng đã cho thấy hơn 21.000 người từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông giữ vai trò là giám đốc điều hành và cổ đông của các công ty nước ngoài. Điều đó cho thấy Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn sử dụng các dịch vụ từ nước ngoài.

Theo tờ Guardian, việc British Virgin Islands trở thành nơi “trú ẩn” tài sản của giới nhà giàu và quyền lực Trung Quốc là nỗi xấu hổ của nước Anh. Mặc dù British Virgin Islands là lãnh thổ nằm xa và khác độc lập với Anh, giới chức Anh vẫn phần nào chịu trách nhiệm và có mối liên hệ với quần đảo này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại