Chuyên gia Nga lo ngại về động thái của Trung Quốc ở Biển Đông

Tại Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg (Nga) đã diễn ra hội thảo khoa học về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và các hệ lụy địa-chính trị đối với khu vực.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu châu Á, lịch sử và luật biển đến từ Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg, Đại học Công nghệ Quốc gia Baltic - Voenmekh, Học viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Ngoại giao Nga, Viện các vấn đề địa chính trị, Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Moskva, Viện Đông phương học, Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện nghiên cứu chiến lược Nga, Học viện Công vụ trực thuộc Tổng thống Nga và đại diện lãnh đạo thành phố Saint-Peterburg.

Trong một ngày làm việc, Hội thảo đã nghe các tham luận về lịch sử tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; chính sách của Trung Quốc và các nước liên quan trong giải quyết xung đột; phản ứng của các cường quốc ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế trước những diễn biến ở Biển Đông; vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết xung đột...

Hội thảo cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến tiến trình xử lý tranh chấp ngày càng trở nên phức tạp.

Tham luận của các chuyên gia đều nhấn mạnh việc Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải quốc tế.

Hội thảo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông và nguy cơ bất ổn trong khu vực, cho rằng biện pháp tốt nhất giải quyết tranh chấp là đàm phán hòa bình trên cơ sở tính đến lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiếp tục nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng các cường quốc ngoài khu vực như Nga, Mỹ, Ấn Độ hết sức quan tâm đến sự phát triển hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì lợi ích chính trị, kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực, mong muốn các nước liên quan giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại