LTS: Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vu cáo và kêu gọi chống Việt Nam là chiêu bài quen thuộc của Sam Rainsy, chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP để tìm kiếm phiếu bầu trong các cuộc tranh cử. Dai dẳng trong nhiều năm qua, Sam Rainsy và Kem Sokha, một nhân vật khét tiếng khác trong phe đối lập ở Campuchia đã tận dụng mọi cơ hội để reo rắc vào đầu một số người dân Campuchia thiếu thông tin những hình ảnh hoàn toàn sai lệch về Việt Nam.
Gần đây nhất, trong bài phát biểu kêu gọi biểu tình ở tỉnh Seam Reap, Sam Rainsy đã trắng trợn vu cáo "Các đảo (tranh chấp trên biển Đông) thuộc về Trung Quốc, nhưng người Việt Nam đang cố gắng chiếm các đảo đó từ Trung Quốc, vì người Việt Nam rất xấu", và "Việt Nam lấy đất của người Campuchia".
Sam Rainsy, Kem Sokha là ai? Họ đã dùng những chiêu bài "bẩn thỉu" nào để chĩa mũi nhọn về phía Việt Nam hòng tiến thân trên con đường chính trị? Loạt bài của chúng tôi sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề nói trên.
Phần 1: Lãnh đạo đối lập Campuchia có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc
Phần 2: Sam Rainsy và "lời hứa" bất nhân: Đòi Phú Quốc, đuổi Việt kiều
Phần 3: Sam Rainsy và thủ đoạn hạ lưu: Ủng hộ TQ chống lại VN ở Biển Đông
Cặp đôi hoàn hảo hay đối thủ ngầm?
Là phó chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), Kem Sokha luôn hỗ trợ đắc lực Sam Rainsy trong các chiến dịch nói xấu Việt Nam, vu cáo chính phủ hiện nay của Thủ tướng Hun Sen và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm vào Việt kiều đang sinh sống hợp pháp ở Campuchia.
Nhưng trước khi trở thành "cặp đôi hoàn hảo" trong những chiêu trò bẩn thỉu trên chính trường, Sam Rainsy và Kem Sokha đã từng đối đầu "nảy lửa".
Khi đó, Kem Sokha từng gọi Sam Rainsy là kẻ phản động vì: "Ông ta tấn công chính phủ, Thủ tướng Hun Sen và đảng Funcipec". Chính Kem Sokha, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền chính phủ, đã bỏ phiếu ủng hộ việc trục xuất Sam Rainsy.
Trước đó, Sam Rainsy từng cáo buộc Kem Sokha là nhà hoạt động nhân quyền giả mạo.
Khi cả 2 đảng: SRP của Sam Rainsy và đảng Nhân quyền (HRP) của Kem Sokha cùng hùa nhau cáo buộc đảng nhân dân Campuchia (CPP) gian lận bầu cử, thì Kem Sokha cũng vẫn nghi ngờ đảng của mình bị Sam Rainsy lừa gạt và thậm chí đã gặp các lãnh đạo đảng CPP để xin gia nhập chính phủ.
Ngay cả hiện nay, khi cùng là lãnh đạo cấp cao của đảng CNRP, giữa Kem Sokha và Sam Rainsy vẫn luôn có sự nghi kỵ. Khi Sam Rainsy tị nạn ở nước ngoài nhằm tránh án tù, Kem Sokha được bầu là Chủ tịch tạm quyền của đảng CNRP. Nhiều nguồn tin cho rằng, Kem Sokha không muốn Sam Rainsy về nước và muốn nắm quyền lực tuyệt đối tại CNRP.
Kem Sokha và Sam Rainsy trong một cuộc gặp gỡ với những người ủng hộ.
Chống đối Việt Nam ngày càng hung hăng
Bất đồng và nghi kỵ là thế, nhưng khi sử dụng chiêu bài chống Việt Nam để tìm kiếm chỗ đứng trên chính trường Campuchia, Kem Sokha và Sam Rainsy lại rất "hợp nhau"
Năm 1998, trong một cuộc vận động trước gần 100 người ở huyện Koh Andet, Kem Sokha ngang ngược tuyên bố rằng: "Nếu thắng cử, tôi sẽ bắt tất cả người yuon (cách gọi miệt thị người Việt Nam ở Campuchia) phải trở về Việt Nam".
Trả lời phỏng vấn tờ Phnom Penh Post năm 2006, Kem Sokha đã biện minh một cách sai trái cho việc mình bị chính phủ bắt giữ vì tội danh chống phá rằng, chính phủ đã bắt tay với Việt Nam, vẽ sai đường biên giới hòng "giúp Việt Nam chiếm đất của Campuchia". Kem Sokha sử dụng luận điệu: "Khi họ (chính phủ của Thủ tướng Hun Sen) kí thoả thuận biên giới với Việt Nam, họ lo lắng người dân sẽ tổ chức biểu tình. Đó là lí do vì sao họ bắt những nhà hoạt động biên giới”.
Năm 2012, Kem Sokha cũng hứa hẹn nếu liên minh giữa đảng HRP và đảng SRP đánh bại Thủ tướng Hun Sen trong cuộc bầu cử năm 2013 thì sẽ tập trung vào việc "lấy lại đảo Phú Quốc từ Việt Nam" thông qua điều mà ông ta gọi là "các biện pháp pháp lý".
Thậm chí, Kem Sokha còn trơ tráo so sánh việc Campuchia "mất đảo Phú Quốc" với số phận của Singapore khi còn là thuộc địa của Anh.
"Koh Tral (cách Campuchia gọi Phú Quốc của Việt Nam) gần giống với Singapore. Nhưng chúng ta đã mất nó vào tay một nước khác không vì điều gì", Kem Sokha mạnh miệng phát biểu với phóng viên Mỹ. "Chúng tôi tin tưởng rằng vụ việc ở Kol Tral có thể được giải quyết theo hướng có lợi cho chúng ta thông qua pháp luật với sự giúp đỡ của các chuyên gia pháp lý".
Thế nhưng, tất chỉ là những lời hứa hão, dựa trên một luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc sự thật. Kem Sokha chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng xác thực nào cho tất cả những điều ông ta nói.