Sam Rainsy và "lời hứa" bất nhân: Đòi Phú Quốc, đuổi Việt kiều

My Lan |

(Soha.vn) - Rất ít bạn bè trong giới chính trị gia Pháp ủng hộ lập trường bài Việt của Sam Rainsy. Còn một tờ báo Hong Kong đã phải gọi ông này là "kẻ tâm thần hoang tưởng".

LTS: Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vu cáo và kêu gọi chống Việt Nam là chiêu bài quen thuộc của Sam Rainsy, chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP để tìm kiếm phiếu bầu trong các cuộc tranh cử. Dai dẳng trong nhiều năm qua, Sam Rainsy và Kem Sokha, một nhân vật khét tiếng khác trong phe đối lập ở Campuchia đã tận dụng mọi cơ hội để reo rắc vào đầu một số người dân Campuchia thiếu thông tin những hình ảnh hoàn toàn sai lệch về Việt Nam.

Gần đây nhất, trong bài phát biểu kêu gọi biểu tình ở tỉnh Seam Reap, Sam Rainsy đã trắng trợn vu cáo "Các đảo (tranh chấp trên biển Đông) thuộc về Trung Quốc, nhưng người Việt Nam đang cố gắng chiếm các đảo đó từ Trung Quốc, vì người Việt Nam rất xấu", và "Việt Nam lấy đất của người Campuchia".

Sam Rainsy, Kem Sokha là ai? Họ đã dùng những chiêu bài "bẩn thỉu" nào để chĩa mũi nhọn về phía Việt Nam hòng tiến thân trên con đường chính trị? Loạt bài của chúng tôi sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề nói trên.

Phần 1: Lãnh đạo đối lập Campuchia có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc

Nhổ cột mốc biên giới, giả mạo bản đồ để "nhận xằng" lãnh thổ

Tháng 10/2009, Sam Rainsy, khi đó là chủ tịch đảng Sam Rainsy đã dẫn một số thành viên đảng này tự ý nhổ 6 cột mốc biên giới tạm thời giữa tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam.

Biện minh cho hành vi sai trái của mình, Sam Rainsy rêu rao rằng chính những người dân làng đã tới tìm ông ta “xin giúp đỡ” và rằng "những cột mốc này là do Việt Nam mới dựng lên nhằm chiếm đất của Campuchia", không được sự đồng ý của nước này. Ông ta còn rêu rao khắp nơi rằng “Chúng chỉ là cột mốc giả mạo, bất hợp pháp, xâm phạm đất ruộng của người Khmer".

Trước động thái đó, thống đốc tỉnh Svay Rieng Cheang Am khẳng định những cột mốc mà Sam Rainsy phá hoại được xây dựng "một cách hợp pháp, phù hợp với quy trình" do một uỷ ban chung giữa Việt Nam và Campuchia thống nhất.

Tòa án tỉnh Svay Rieng sau đó đã tuyên án Sam Rainsy 2 năm tù giam vì tội phá hoại tài sản nhà nước và có hành động kích động phân biệt sắc tộc. Tuy nhiên, chính trị gia này đã bỏ trốn khỏi Campuchia và sống lưu vong tại Pháp.

Trong một video được gửi về từ Pháp phản bác bản án, Sam Rainsy vẫn già mồm bảo vệ mình và khẳng định ông ta có "đầy đủ bằng chứng về việc cắm cột mốc biên giới". "Bằng chứng" mà Rainsy nói tới chính là những bản đồ mà đảng Sam Rainsy (SRP) tuyên bố là của Mỹ và Pháp, trong đó cho thấy các cột mốc biên giới ở vị trí 184, 185, 186 và 187 giữa 2 nước nằm trọn trong lãnh thổ của Campuchia.

Tuy nhiên, ông Var Kim Hong, Chủ tịch Ủy ban Biên giới quốc gia Campuchia đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục để khẳng định đây chỉ là những tài liệu giả mạo do Sam Rainsy và đảng SRP dựng nên, không được Chính phủ Campuchia và quốc tế công nhận. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng chỉ trích hành động của Sam Rainsy là phản quốc và không có lời lẽ nào có thể bao biện.

Năm 2010, Rainsy bị tòa án Phnom Penh kết án 11 năm tù vì bị kết tội hủy hoại tài sản nhà nước và ngụy tạo tài liệu.

'Nhai đi nhai lại' chiêu bài chống đối Việt Nam

 	Sam Rainsy ngày càng vu cáo, bôi nhọ Việt Nam một cách trắng trợn và hung hăn hơn.

Sam Rainsy ngày càng vu cáo, bôi nhọ Việt Nam một cách trắng trợn và hung hăn hơn.

Sau khi được ân xá, trở về nước, Sam Rainsy liên tục tìm cơ hội xuất hiện trên truyền thông và trước các cử tri trong chiến dịch tranh cử, để tuyên truyền tư tưởng chính trị cực đoan, vu cáo Việt Nam. Trả lời phỏng vấn trên BBC, Sam Rainsy dõng dạc tuyên bố: "Hà Nội chiếm đất của Campuchia".

Rainsy ngang ngược nhận "xằng" nhiều khu vực thuộc đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là của Campuchia, bất chấp thực tế rằng các bản đồ, tư liệu của Việt Nam và quốc tế đều thừa nhận đó là đất của Việt Nam.

Trong số đó phải kể tới trò hề "đòi chủ quyền lãnh thổ ở đảo Phú Quốc của Việt Nam" mà Sam Rainsy và đảng của ông này không ngừng rêu rao. Năm 2013, Yim Sovann, phát ngôn viên đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP mà Sam Rainsy làm chủ tịch từ năm 2012, trơ trẽn tuyên bố trên tờ Phnom Penh Post rằng đảo Phú Quốc của Việt Nam thuộc chủ quyền của Campuchia, đồng thời trắng trợn khẳng định Sam Rainsy và đảng của mình sẽ ráo riết “đòi Phú Quốc từ người Việt Nam".

Mặc dù hứa hẹn không đưa vấn đề Việt Nam ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2013, song trong một cuộc vận động tranh cử tại tỉnh Svay Rieng vào tháng 7/2013, Sam Rainsy vẫn vu cáo: “Nhiều người yuon (cách gọi miệt thị người Việt Nam ở Campuchia) đã đến đây. Chúng di dời các cột mốc biên giới vào lãnh thổ chúng ta… Hãy bỏ phiếu cho Rainsy để bảo vệ lãnh thổ Campuchia”.

Cùng với việc tuyên truyền các luận điệu sai trái về chủ quyền Việt Nam, Sam Rainsy còn đe doạ phá hoại quyền nhập cư hợp pháp và cuộc sống của người Việt Nam tại Campuchia. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1998 trước 400 người ủng hộ ở Wat Phnom Leav, Rainsy hứa hẹn: “Nếu thắng cử, tôi sẽ xua hết người yuon nhập cư về nước”.

Thậm chí, tờ Asia Sentinel (Hong Kong) đã phải dùng cụm từ “kẻ tâm thần hoang tưởng” để mô tả điệu bộ của Sam Rainsy khi kể những câu chuyện bịa đặt tới mức hoang đường, nhằm reo rắc vào tâm trí một bộ phận người Campuchia thiếu thông tin suy nghĩ rằng người Việt đang cướp công ăn việc làm của họ. Trong khi trên thực tế, Asia Sentinel khẳng định nhiều Việt kiều tại đây chỉ làm những nghề mà người Campuchia rất ít làm như thi công điện nước, cắt tóc…

Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Campuchia Phay Siphan đã bác bỏ những phát biểu hung hăng này của Sam Rainsy. Chính phủ nước này khẳng định Việt kiều sinh sống nhiều đời tại Campuchia và có đầy đủ giấy tờ được đối xử như một công dân Campuchia hợp pháp, có quyền và nghĩa vụ như người dân Campuchia và được luật pháp nước này bảo vệ.

Chưa dừng lại ở đó, Sam Rainsy còn tâng bốc, bợ đỡ Trung Quốc bằng đủ mọi cách để tìm kiếm chỗ dựa từ bên ngoài. Những thủ đoạn chính trị không mấy sạch sẽ của Sam Rainsy sẽ được chúng tôi tiếp tục vạch trần trong những kỳ tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại