Những ngày cuối năm 2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã khiến dư luận khu vực dậy sóng khi đơn phương ban hành lệnh cấm các tàu thuyền đánh cá nước ngoài tại các khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền trên biển Đông (bao gồm các nhóm đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) nếu không được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay.
Quy định ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của tỉnh Hải Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có liên quan. Philippines đã chỉ trích động thái này của Trung Quốc là mối hiểm họa đối với "hoà bình và ổn định".
Bộ trưởng Quốc phòng nước này Voltaire Gazmin tuyên bố thẳng thừng rằng Philippines sẽ không tuân thủ lệnh cấm của Trung Quốc. Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Emmanuel Bautista công bố kế hoạch mua thêm tàu hải quân để bảo vệ ngư dân trên biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định các động thái của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, đồng thời nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên.”
Mỹ lên án những hành động của Trung Quốc là "mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng".
Thế nhưng bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm qua đã đăng một bài viết với những luận điệu sai sự thật, hết sức trơ trẽn. Tờ báo này nhấn mạnh rằng, đây chỉ là "một sự sửa đổi về kĩ thuật trong luật đánh cá của Trung Quốc, vốn đã được thi hành trong hơn 2 thập kỉ nay, nhằm bảo vệ các nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đánh bắt cá", đồng thời ngăn chặn hoạt động đánh bắt mà nước này mà nước này cho là "bất hợp pháp".
Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc không bất ngờ với những phản ứng từ phía Philippines, bởi trước đó, quốc gia này đã đệ đơn lên Toà án Quốc tế về Luật Biển, kiện Trung Quốc về những tranh chấp của 2 quốc gia này. Theo luận điệu của Hoàn Cầu thì Philippines, vốn là một đồng minh trung thành của Washington, nên chắc chắn sẽ thổi phồng mọi động thái của Bắc Kinh tại biển Đông.
Bằng thái độ giả dối đến mức khó tin, Hoàn Cầu làm ra vẻ bất ngờ trước việc Việt Nam phản đối quyết định của Trung Quốc. Tờ này trắng trợn vu cáo Việt Nam "từ lâu đã kích động, gây dậy sóng tại một vùng rộng lớn các hòn đảo mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền và quyết tâm thúc đẩy quốc tế hoá tranh chấp lãnh thổ.... Đóng vai nạn nhân trong bài toán khó kéo dài này là chiêu trò cũ của Việt Nam".
Hoàn Cầu còn cho rằng Mỹ đã phản ứng thái quá và rằng Mỹ thổi phồng "mối đe doạ ở biển Đông" vì sợ vùng xác định phòng không mới mà nước này có thể thiết lập sẽ ảnh hưởng tới điểm trọng yếu mang tính chiến lược của nước này. Tờ này nhận định: "Mỹ phải kiểm soát chặt chẽ tình hình ở Tây Thái Bình Dương để đảm bảo chính sách "trục châu Á" của mình sẽ mang lại kết quả".
Tờ này cũng đánh giá rằng những lo ngại của Nhật Bản là điều dễ hiểu, bởi nước này có thể tận dụng những quy định mới của Trung Quốc tại khu vực nhạy cảm "làm cớ để thắt chặt kiểm soát quân sự và sau đó là viết lại hiến pháp hoà bình của mình".
Và dù nhiều học giả quốc tế đã đưa ra bằng chứng rằng quy định của Trung Quốc là sai trái, vi phạm chủ quyền nước khác và là "hoạt động cướp biển do một nhà nước tiến hành", nhưng Thời báo Hoàn Cầu vẫn khăng khăng rằng quy định mới này về cơ bản chỉ được áp dụng trên các vùng lãnh hải mà Trung Quốc khẳng định là thuộc chủ quyền của mình.
Hoàn Cầu đã tự vạch trần bộ mặt giả dối của mình khi khẳng định "chúng ta (tức Trung Quốc) sẽ tiếp tục tập trung hơn nữa vào việc quản lý các quần đảo Tây Sa (thực tế là Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Sa (Bãi Macclesfield) và các vùng biển lân cận bằng khả năng thực thi luật pháp hiện đại cũng như các giới hạn về kĩ thuật. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện các biện pháp có liên quan tại Nam Sa (thực tế là Trường Sa của Việt Nam) tương đối khó khăn".
Tác giả bài báo cũng khuyên Trung Quốc "nên tiếp tục các bước tiến về pháp lý của mình một cách bình tĩnh và quản lý hợp lý các khu vực có tranh chấp" nhằm "đối phó với tất cả những cáo buộc vô lý với các động cơ ẩn giấu bên trong".