T-90 - dòng tăng bán chạy nhất thế giới
Được phát triển vào cuối những năm 1980 bởi Cục Thiết kế Kỹ thuật Giao thông Urals (Nizhny Tagil) dưới sự chỉ đạo của Kiến trúc sư trưởng Vladimir Potkin với mật danh "Object 188", xe tăng chiến đấu chủ lực (main battle tank - MBT) T-90 với vỏ giáp đa lớp là phiên bản hiện đại hóa sâu của xe tăng T-72B, được Quân đội Nga đưa vào trang bị tháng 10/1992.
T-90 nặng 46,5 tấn (dự trữ hành trình 500km), nhẹ hơn 12 tấn so với Leclerc và Leopard; nhẹ hơn 10,7 tấn so với Abrams (dự trữ hành trình 410 km). T-90 có hỏa lực vượt trội nhờ được trang bị tổ hợp chống tăng.
Hoạt động trong điều kiện bụi sa mạc, bộ lọc tăng Abrams thường bị tắc trong khi độ tin cậy và khả năng bảo trì của T-90 cao hơn hẳn. T-90 hiện đại nhất có động cơ diesel 12 xi-lanh đa nhiên liệu 4 thì V-92S2F, công suất 1130 mã lực (831 kW) làm mát bằng chất lỏng, giúp xe đạt đến tốc độ 70 km/h.
T-90 có thể vượt qua chướng ngại vật nước sâu 5m, mương rộng 3m và tường thẳng đứng cao 1m, leo dốc 300. Nó được gọi là “xe tăng bay”, vì sự cơ động và khả năng của hệ thống treo giảm xốc khi vượt qua địa hình gồ ghề.
T-90 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tự động với phạm vi nhận dạng mục tiêu lên tới 1.500m; thiết bị chụp ảnh nhiệt cho phép phát hiện không chỉ các mục tiêu bọc thép, mà cả người ở khoảng cách lên tới 3km cả ngày lẫn đêm.
Các thử nghiệm T-90 tại sa mạc Rajasthan (Ấn Độ) vào đầu những năm 2000 đã chứng tỏ chất lượng cao của T-90; Nguồn: tass.ru
T-90 được trang bị pháo nòng trơn 125A 2A46M-5 cùng thiết bị nạp đạn tự động (cho phép giảm kíp xe xuống còn ba người) với tốc độ bắn 7 viên đạn mỗi phút. Cơ số đạn gồm 42 viên đạn xuyên giáp, đạn tích lũy hoặc phân mảnh.
Nhờ có "bộ ổn định", xạ thủ dễ dàng “bắt” mục tiêu, bất kể xe tăng đang đứng hay di chuyển. T-90 là phương tiện bọc thép đầu tiên của Quân đội Nga được lắp đặt hệ thống trấn áp quang điện tử Shtora-1 chống các tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) dẫn đường bán tự động và gây nhiễu các hệ thống điều khiển vũ khí bằng laser, cũng như máy đo khoảng cách laser.
Vũ khí T-90 có thể tấn công cả các mục tiêu trên không. Xe sử dụng hệ thống tên lửa dẫn đường Reflex-M - tên lửa Invar-M1 được bắn từ pháo xe tăng và được điều khiển bằng tia laser trong khi bay với tầm bắn tới 5km (đạn xuyên giáp tiêu chuẩn chỉ hiệu quả ở cự ly 2-3km).
Nhà sản xuất đã chế tạo một đầu đạn nhiệt áp cho tên lửa này, tầm bắn gần hơn một chút với độ chính xác tương tự, nhưng về sức nổ thì gần như tương đương với đạn 152mm. Vũ khí phụ T-90 có súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy 12,7mm.
Sức mạnh của T-90 được chứng tỏ qua các thử nghiệm tại sa mạc Rajasthan ở Ấn Độ vào đầu những năm 2000, khi người Ấn muốn mua chúng. T-90 trở thành xe tăng thành công nhất về mặt thương mại trong thế kỷ 21 so với các phiên bản tương tự nước ngoài, như Leclerc (Pháp), Abrams (Mỹ), MBT-2000/Al-Khalid (Trung Quốc) và Leopard 2 (Đức).
Theo dữ liệu từ các nguồn mở, hơn 2.000 chiếc T-90 với nhiều biến thể khác nhau đã được sản xuất, trong đó có khoảng 1.500 chiếc được xuất khẩu.
Đồng thời, các hợp đồng mua chiếc tăng này tiếp tục được thực hiện và sự quan tâm đến phương tiện chiến đấu này trên thế giới không ngừng tăng lên.
Thành công của T-90 trên "đấu trường xe tăng" thế giới có thể được giải thích bằng một trong những lợi thế chính là tỷ lệ “chất lượng-giá cả”. Theo các nguồn mở, chi phí xuất khẩu của T-90S khoảng 2,5 triệu USD, T-90MS nâng cấp - 4,3 triệu USD.
Các thiết bị điện tử trên T-90 dễ bị độ ẩm loại khỏi vòng chiến đấu; Nguồn: tass.ru
Trong khi đó, giá của các loại tăng nước ngoài tương tự hiện đại bắt đầu ở mức 6 triệu USD (Abrams của Mỹ - ít nhất là 8 triệu USD, còn Leopard của Đức - hơn 10 triệu USD). Theo Forbes, ít nhất 1.000 xe tăng mới loại này sẽ được bán trong những năm tới và nếu tính đến các thương vụ với Kuwait (146 xe tăng T-90MS) và Ấn Độ (464 xe tăng T-90MS) con số triển vọng đạt hơn 1.600 chiếc.
Đặt cược vào T-90 và bài học đắt giá cho Ấn Độ
Hợp đồng đầu tiên cung cấp xe tăng T-90 cho Ấn Độ được ký vào năm 2001, theo đó, tập đoàn Uralvagonzavod đã cung cấp cho quân đội nước này 124 xe tăng nguyên chiếc, cùng các cấu phần để lắp ráp 186 xe tăng khác.
Năm 2004, Nga và Ấn Độ đã ký một hợp đồng bổ sung để sản xuất hàng ngàn xe tăng T-90 theo giấy phép, và ba năm sau đó, đã ký một thỏa thuận cung cấp thêm 124 xe thành phẩm và các cấu phần để lắp ráp 223 xe tăng.
Năm 2017, Nga đồng ý gia hạn giấy phép sản xuất xe tăng và sẵn sàng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào từ đối tác Ấn Độ về việc mở rộng sản xuất hoặc cung cấp xe tăng T-90S.
Tháng 4/2019, Ấn Độ đã quyết định mua một lô 464 xe tăng T-90MS từ Nga. Quân đội nước này chuộng T-90 vì trong 30 năm qua, họ đã sử dụng tăng T-72 và vì T-90 được hợp nhất theo nhiều cách, nên dễ dàng huấn luyện, bảo dưỡng và bảo trì hơn. Ngoài ra, một nhà máy chế tạo T-72 được xây dựng ở Ấn Độ, sau đó là lắp ráp T-90.
Theo trang vobjektive.ru, mới đây, Ấn Độ đã điều 32 xe tăng T-90 và 20 xe tăng T-72 tới Ladakh - khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng do mưa lớn, căn cứ ở trong thung lũng bị ngập, 18 xe tăng T-90 đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn vì các thiết bị điện tử không hoạt động; tình trạng 14 xe tăng T-90 còn lại không được rõ.
Các chiến tăng T-90 đã được sơ tán vì không phù hợp để tiếp tục tham gia các hoạt động tác chiến tại đây. Trong khi đó, các xe tăng T-72 bị lũ lụt mà không gặp vấn đề gì, sau khi được sấy khô, lại hoạt động bình thường.
Thực tế này cũng phần nào được thể hiện tại giải Đua xe tăng - Tank Biathlon diễn ra tại Nga, khi các xe tăng T-72B3 sử dụng cùng thiết bị điện tử như T-90 đã bắn rất thiếu chính xác vì khí tài bị ẩm sau khi vượt qua các hào nước.
Các nguồn tin Trung Quốc cho biết, trong thực tế, việc mất xe tăng mà Ấn Độ dự định tung vào trận chiến có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều, ước tính của Bắc Kinh là tất cả 32 chiến xa T-90 đã bị vô hiệu hóa do lũ lụt.
Ấn Độ đang có kế hoạch tăng số lượng xe tăng trong bối cảnh căng thẳng biên giới với hai cường quốc láng; Nguồn: tass.ru
Báo chí Nga chỉ ra rằng, Ấn Độ đã không tham khảo các bài học đau đớn của Liên Xô về sử dụng các phương tiện bọc thép ở vùng cao nguyên Afghanistan. Theo tất cả các sách giáo khoa kinh điển về huấn luyện chiến đấu, việc sử dụng các phương tiện bọc thép chỉ có thể giữa các ngọn núi và ở chân đồi với những con đường rộng.
Hẻm núi và đường độc đạo là những điểm “tử thần” đối với các thiết bị hạng nặng, đặc biệt, nếu đối phương khống chế được hỏa lực tại các điểm đó.
Quân đội Liên Xô ở Afghanistan trải nghiệm điều này khi phiến quân sử dụng vũ khí xách tay phá hủy cả đoàn xe bọc thép. Ladakh là một khu vực núi non hiểm trở, khó di chuyển, nằm ở ngã ba của các mảng thạch quyển, hoạt động địa chấn. Đừng đánh giá thấp sự phức tạp của việc vận hành xe bọc thép trên núi. Do địa hình đá, động cơ quá nóng và tốc độ giảm khi leo lên độ cao, tiêu thụ nhiên liệu lớn hơn 150% so với địa hình bằng phẳng.
Sử dụng xe tăng thiết giáp ở địa hình đồi núi phức tạp cần một số lượng lớn các bộ phận đảm bảo kỹ thuật, vật tư, hậu cần tháp tùng. Ý tưởng dùng tăng chiến đấu với Trung Quốc tại khu vực có độ cao từ 2.750m ở Kargil và đến 7.672m ở Sasir Kangri so với mực nước biển là điên rồ.
Ấn Độ điều xe tăng tham gia một cuộc phiêu lưu quân sự này chỉ là “rung cây dọa khỉ”, để ngăn chặn chiến tranh…
Trong bối cảnh xung đột biên giới tại khu vực Ladakh căng thẳng, giới chính khách Ấn Độ đang thảo luận nghiêm túc về sự cần thiết phải tăng cường tiềm lực quân sự, không chỉ thông qua tên lửa siêu thanh BraMos và máy bay, mà còn thông qua việc mua các xe tăng mới nhất.
Trước đây, không có nghi ngờ gì về sự vượt trội của Ấn Độ với T-90MS so với xe tăng Trung Quốc. Nhưng sau khi Trung Quốc cho ra đời Type99A mới và bán một số xe nâng cấp cho Pakistan, Ấn Độ đã mất lợi thế.
Vì điều đó, cũng như hiệu quả thấp của chương trình xe tăng nội địa Arjun, Ấn Độ đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với xe tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga.
Việc mua các xe tăng này sẽ mang lại cho Ấn Độ một lợi thế không thể phủ nhận so với Trung Quốc - ít nhất, như người ta tính ở Ấn Độ - trấn an trong nước, và răn đe mà không phải sử dụng thực chiến - vốn đóng một vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại. Trong trường hợp cụ thể này là ngăn chặn yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Ladakh./.