Vũ khí "năm cha ba mẹ" Trung Quốc và Ấn Độ đấu nhau: Ai là kẻ mặt dày, ăn hôi vĩ đại hơn?

Bình Nguyên |

Trung Quốc có truyền thống lâu đời "ăn cắp" công nghệ và sao chép vũ khí ở đẳng cấp bậc thầy. Liệu vũ khí "năm cha ba mẹ" họ đối đầu với sản phẩm tương tự của Ấn Độ, bên nào"tắt điện" trước?

Trung Quốc là "kẻ ăn hôi vĩ đại"...

Lâu nay, các ông trùm hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Pháp,... đều rất bất bình trước hành động "ăn cắp công nghệ và sao chép trái phép" vũ khí một cách trắng trợn của Trung Quốc.

Trong đó, Nga bị thiệt hại nặng nề nhất, họ đã nhiều lần phải thốt lên cay đắng rằng "bó tay" khi lần lượt những vũ khí hàng đầu của mình bị Trung Quốc làm nhái rồi không chỉ trang bị ồ ạt cho quân đội mà còn đem xuất khẩu, cạnh tranh trực tiếp với "chính chủ".

Có thể điểm danh những vũ khí Nga bị Trung Quốc ăn cắp và sao chép không thương tiếc như:

- Tiêm kích Su-27: Ban đầu Trung Quốc mua giấy phép sản xuất, lắp ráp trong nước từ linh kiện do Nga chuyển giao nhưng sau khi triển khai được vài chục chiếc, Bắc Kinh đột ngột chấm dứt hợp đồng để rồi vẫn "đẻ sòn sòn" tiêm kích J-11 và các biến thế của chúng. Một vụ "ăn cắp công nghệ" thành công rực rỡ!

- Tên lửa S-300: Từ những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa do Nga chuyển giao, Trung Quốc tự chế tên lửa phòng không HQ-9 của riêng mình.

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng "học tập" nhiều vũ khí hàng đầu thế giới như xe tăng M1 Abrams Mỹ và T-72 Nga để chế ra một biến thể "con lai"; trực thăng S-70C-2 phiến bản dân sự của UH-60 Black Hawk Mỹ để biến thành Z-20; tên lửa chống hạm Exocet của Pháp,...

Âm mưu của Trung Quốc còn mở rộng không tưởng, đến tiêm kích Su-35 hay tên lửa S-400 của Nga mà họ cũng không tha.

Moscow vốn ít khi công khai cho thấy sự không hài lòng với Bắc Kinh, nhưng cực chẳng đã, Tập đoàn Rostec đứng đầu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga đã buộc tội Bắc Kinh sao chép trái phép hàng loạt vũ khí và khí tài quân sự của Nga:

"Việc sao chép vũ khí của chúng tôi một cách trái phép ở nước ngoài là vấn đề lớn. Trong vòng 17 năm gần đây, đã ghi nhận 500 trường hợp như vậy.

Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép các động cơ máy bay, tiêm kích Sukhoi, tiêm kích tàu sân bay, các hệ thống phòng không tầm trung, tầm thấp cơ động và tên lửa phòng không vác vai, thậm chí là chế tạo cả sản phẩm tương tự những hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1".

Vũ khí năm cha ba mẹ Trung Quốc và Ấn Độ đấu nhau: Ai là kẻ mặt dày, ăn hôi vĩ đại hơn? - Ảnh 2.

Động cơ 117S chuẩn bị được lắp lên 1 chiếc tiêm kích Su-35. Ảnh: KNAAPO.

Để đề phòng chống âm mưu của Trung Quốc sao chép và có được công nghệ tiên tiến, Nga đã cung cấp động cơ "hàn chết" cho Su-35, khiến Trung Quốc bất lực.

Chuyên gia Nga cho rằng, nếu nước này muốn tiếp cận bộ phận cốt lõi của động cơ thì phải phá hủy toàn bộ nó, khiến Trung Quốc khó có thể tiếp cận được bộ phận cốt lõi.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển véc-tơ lực đẩy tiên tiến của Su-35 được tích hợp đồng bộ khiến Trung Quốc thèm thuồng bởi hiện nay họ mới chỉ ở giai đoạn đầu "bắt chước", tuy về kết cấu đã có sự tiến triển, nhưng về tổng thể thì còn lâu mới đạt được trình độ của Nga.

... tuy "mặt dày" nhưng vẫn hơn chán vạn lần Ấn Độ

Nhìn một cách công bằng mà nói thì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có tiềm lực khá mạnh về công nghiệp quốc phòng và đều có tham vọng tự chế được những loại vũ khí đỉnh cao, nhưng hành trình đến đích của họ có sự khác biệt hoàn toàn.

Vũ khí năm cha ba mẹ Trung Quốc và Ấn Độ đấu nhau: Ai là kẻ mặt dày, ăn hôi vĩ đại hơn? - Ảnh 3.

Tiêm kích J-16 Trung Quốc chế tạo dựa trên sao chép công nghệ từ tiêm kích Sukhoi Su-30MK2 Nga.

Nếu như Trung Quốc "mặt dày ăn cắp trắng trợn" công nghệ và sao sép vũ khí của nước ngoài thì Ấn Độ có "liểm sỉ" hơn nhiều mà đúng hơn là làm một cách chân chính. Các nhà chế tạo vũ khí Ấn Độ cũng rất chịu khó mày mò nghiên cứu học tập từ những sản phẩm quốc phòng hàng đầu thế giới.

Cùng là sản phẩm "năm cha ba mẹ" như Trung Quốc, nhưng quá trình chế tạo của Ấn Độ rất chậm chạp, kể từ khi bắt tay vào nghiên cứu đến lúc sản phẩm ra đời và đưa vào trang bị thì chúng đã "kịp" lạc hậu.

Ví dụ điển hình nhất của Ấn Độ là xe tăng Arjun Mark II được giới thiệu năm 2011 và là biến thể hiện đại hóa sâu của tăng Arjun Mark I mà Ấn Độ từng mất 37 năm để phát triển. Tuy có nhiều giải pháp mới được áp dụng ở tăng Arjun Mark II, nhưng trước đó Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối đặt hàng lắp ráp hàng loạt quy mô lớn xe tăng này.

Vũ khí năm cha ba mẹ Trung Quốc và Ấn Độ đấu nhau: Ai là kẻ mặt dày, ăn hôi vĩ đại hơn? - Ảnh 4.

Xe tăng Arjun do CNQP Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã liệt kê ra 93 khiếm khuyết mà nghiêm trọng nhất là trọng lượng quá lớn của xe tăng, tới gần 68 tấn làm cho Arjun Mark II trở thành một trong những xe tăng nặng nhất thế giới, trong khi vỏ giáp bảo vệ của xe là khá yếu, và hạn chế khả năng vận chuyển bằng máy bay.

Không những thế, chúng còn có giá đắt hơn 1,5 lần so với xe tăng T-90 của Nga khiến Bộ Quốc phòng Ấn Độ dù muốn xoa dịu bức xúc của nhà chế tạo nhưng họ cũng chỉ "chiếu cố" đặt mua 124 chiếc mà thôi, con số này như muối bỏ biển so với 2.000 chiếc đã dự tính ban đầu.

Thất vọng toàn tập với "hàng nhà trồng được", hiện nay Ấn Độ chuyển hẳn sang xe tăng Nga khi mua ồ ạt xe tăng T-90S và gần nhất là đặt hàng 464 xe tăng T-90MS phiên bản mới nhất, một phần trong số đó sẽ được sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ tại Nhà máy Quốc doanh Chế tạo phương tiện hạng nặng (HFV) ở Avadi, miền Nam Ấn Độ.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Lục quân Ấn Độ "tế nhị" cho biết Nhà máy Quốc doanh kể trên không đáp ứng được mục tiêu sản xuất và trên thực tế, họ chỉ đáp ứng được 30% yêu cầu.

Một ví dụ khác, trong khi Trung Quốc sao chép thành công tên lửa S-300 tối tân của Nga thì Ấn Độ vẫn loay hoay với dự án Akash trong hàng chục năm mà khi sản phẩm ra đời chẳng khá hơn bao nhiêu so với nguyên mẫu "3 ngón tay thần chết" 2K12 Kub (NATO định danh SA-6 Gainful) do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1960.

Rõ ràng, dù cùng là "năm cha ba mẹ" nhưng vũ khí sao chép của Trung Quốc vượt trội hoàn toàn so với Ấn Độ, không chỉ ở tính năng mà còn ở tốc độ và quy mô sản xuất hàng loạt.

Nếu giữa 2 nước bùng nổ xung đột quân sự, bỏ qua các vũ khí nhập khẩu, không tính đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thì trong cuộc chiến tranh quy ước bằng vũ khí "nhà trồng được" thì ta có thể thấy Ấn Độ sẽ phải chịu thua thiệt rất nhiều so với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại