Xe tăng Việt Nam lăn mấy chục vòng xuống vực và cái kết không ngờ: Chuyện hy hữu

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Nhìn chiếc xe tăng 915 lăn lộn xuống vực sâu không thấy đáy, ai trong đơn vị và cả các chiến sĩ công binh đều cho rằng kiểu gì cũng hỏng, còn người không chết cũng bị thương nặng.

Trên hành trình vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, các phương tiện cơ giới đều phải vượt qua nhiều chặng đường vô cùng hiểm trở với đèo cao ngút trời, vực sâu hun hút. Và chuyện xe lăn xuống vực không phải là hiếm - kể cả xe tăng.

Thông thường, khi phương tiện lăn xuống vực sẽ bị hư hỏng do va đập với bên ngoài cũng như chính các thiết bị trên xe va đập với nhau và lựa chọn dễ gặp nhất là bỏ lại, cốt cứu lấy người với tâm niệm: "Còn người còn của, xe mất sẽ có xe mới thay thế!".

Riêng trường hợp của xe tăng số 915 của Tiểu đoàn 20 thì khác.

Xe tăng Việt Nam lăn mấy chục vòng xuống vực và cái kết không ngờ: Chuyện hy hữu - Ảnh 1.

Cuộc nhào lộn bất đắc dĩ

Để đưa xe tăng từ miền Bắc vào chiến trường B2, bộ đội ta thường phải đi theo lộ trình sau: vượt Trường Sơn sang Lào, chạy dọc cao nguyên Nam Lào, qua khu vực Ngã ba Đông Dương sang đất Camphuchia rồi vượt biên giới về lại Việt Nam.

Nhìn chung, đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn tương đối dễ đi trừ khu vực tiếp giáp giữa 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào).

Ở đây, một nhánh của dãy Trường Sơn với độ cao trên dưới 1.000 mét, đâm ngang sang phía Tây như để cân bằng với dãy Bạch Mã bên phía Đông.

Bởi vậy, đoạn đường này rất quanh co hiểm trở, nhiều cua gấp, dốc cao, sương mù dày đặc..., trong đó nổi tiếng là con đèo Ăm-pun hiểm trở.

Lại do ở khá sâu, công tác bảo đảm của Đoàn 559 không được như ở phía ngoài nên đường rất hẹp và xấu. Cánh lính lái xe trên tuyến 559 khi nói đến con đèo này đều gật gù: "không kém gì Cổng Trời".

Một ngày đầu tháng 3.1972, chờ khi mặt trời đã xuống và bọn do thám trên không OV10, L19 đã cút thì Đại đội xe tăng 6 trang bị 11 chiếc T-54, T-59 do Đại đội trưởng Đặng Tuyên và Chính trị viên Lê Văn Lực chỉ huy bắt đầu vượt đèo.

Xe tăng Việt Nam lăn mấy chục vòng xuống vực và cái kết không ngờ: Chuyện hy hữu - Ảnh 2.

Bộ đội đưa xe tăng T54 vượt qua vũng lầy trên một nhánh đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Trong ánh sáng đèn gầm, những chiếc xe tăng nặng nề lầm lũi vượt đèo. Tiếng động cơ lúc đều đều, lúc lại gằn lên khi phải vượt qua những đoạn có độ dốc lớn. Một số xe động cơ quá nóng còn phụt cả lửa ra cửa xả. Dưới sức nặng của xe, đất đá bên phía ta-luy âm lả tả rơi mỗi khi xích xe lăn qua.

Đi gần cuối đội hình của đại đội là xe tăng số 915 do trung đội trưởng Tiến chỉ huy và lái xe Chỉnh điều khiển. Khi vượt qua một đoạn dốc, Chỉnh phát hiện thấy xe bị rệ sang phải. Theo sự chỉ huy của trưởng xe Tiến, Chỉnh cho xe lùi lại song đuôi xe lại đụng vào sườn ta - luy dương nên phải dừng lại.

Đang loay hoay chưa biết xử trí thế nào thì đất dưới băng xích bên phải tiếp tục lở. Xe 915 từ từ đổ nghiêng do có mấy cây to cản lại song khi nó đã nghiêng hẳn thì nó đè gẫy cả cây và bắt đầu hành trình nhào lộn xuống đáy vực sâu hun hút.

Nhìn chiếc xe tăng lăn lộn xuống vực sâu không thấy đáy ai trong đơn vị và cả các chiến sĩ công binh cũng đều cho rằng kiểu gì xe cũng hỏng, còn người không chết cũng bị thương nặng.

Ấy thế nhưng khi đội cứu hộ lần xuống đến nơi thì tất cả đều sững người ngạc nhiên: Tất cả thành viên trên xe đều còn sống và chỉ bị bầm tím, xây sát nhẹ, còn xe cũng không hỏng hóc gì, trừ khẩu cao xạ 12 ly 7 và thật may mắn là nó đang nằm ở tư thế bình thường dưới đáy vực. Ai cũng bảo: "Thật là thần kỳ"!.

Sự thần kỳ không ngẫu nhiên

Chưa có một con số thống kê cụ thể nào song những ai thường qua lại trên đường Trường Sơn những năm chiến tranh đều có suy nghĩ: phương tiện đã lăn xuống vực thì chỉ có hỏng mà thôi. Đối với xe tăng, thiết giáp cũng vậy. Đã có xe tăng T-34 tung tháp pháo ra ngoài hoặc xe thiết giáp chở quân BTR-60PB bị gãy hết cầu bánh xe khi lăn xuống vực.

Đối với trường hợp xe 915, quả thật là một sự thần kỳ nhưng là thần kỳ có cơ sở và hoàn toàn không ngẫu nhiên.

Trước hết, có thể nói đó là do xe tăng T-54 có một kết cấu hết sức chắc chắn, các cơ cấu cụm máy, đạn dược, phụ tùng trên xe được cố định rất chặt chẽ với thân xe nên khi lăn lộn nhiều vòng tất cả các bộ phận đó vẫn nằm nguyên vị trí và không bị hư hỏng gì (trừ khẩu 12 ly 7 lắp ngoài tháp pháo).

Riêng tháp pháo của xe tăng T-54 có sự liên kết với thân xe chắc chắn hơn so với T-34 nhờ kết cấu đặc biệt của vành răng tháp pháo, trước khi hành quân đường dài nó lại được tăng cường thêm một giá cố định nòng pháo hàn vào phía sau buồng truyền động nữa nên cũng không bị bung ra và pháo vẫn còn nguyên vẹn.

Ngay cả các bộ phận, phụ tùng hay bị tháo lắp hoặc dễ dàng thay thế, bổ sung như bộ ắc-quy, đạn pháo, các thùng đạn đại liên... nhờ được lắp đặt, cố định đúng vị trí, đúng quy tắc nên khi xe lăn chúng vẫn nằm nguyên tại vị, không hề bị xê dịch, rơi vãi và móp méo.

Thứ hai, các vị trí của các thành viên trong xe đều có kích thước hợp lý, ghế ngồi kết cấu chắc chắn, các tay vịn, tựa lưng được lắp chặt chẽ đúng vị trí. Khi phát hiện xe bị lăn xuống vực, các thành viên đều bình tĩnh ở đúng vị trí của mình, dùng tay bám chặt vào các bộ phận xung quanh nên chỉ bị bầm tím và xây sát nhẹ.

Thứ ba, nói cho công bằng - khe vực đó cũng không quá sâu - chỉ khoảng 100 mét so với mặt đường. Nếu vực sâu hơn, kết quả có thể sẽ khác đi.

Xe tăng Việt Nam lăn mấy chục vòng xuống vực và cái kết không ngờ: Chuyện hy hữu - Ảnh 4.

Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu.

Lòng kiên trì và quyết tâm của con người đã thắng

Trước tình hình như vậy, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã hội ý và đề ra quyết tâm là phải cố gắng cứu lấy xe 915 để tiếp tục đưa vào chiến trường tham gia chiến đấu. Giải pháp được đưa ra là một mặt đơn vị tiếp tục hành quân cho kịp thời gian, chỉ để lại một số xe phục vụ cứu kéo, một mặt đề nghị công binh 559 giúp đỡ.

Sau khi đơn vị cho người vào liên hệ với Binh trạm 26 ở nam Chà Vằn, binh trạm đồng ý cho 1 tiểu đoàn công binh đến chi viện. Với kinh nghiệm mở đường lâu năm, lực lượng công binh đã nhanh chóng xác định được hướng tuyến và bắt đầu công tác mở đường cứu kéo.

Do độ chênh cao thì lớn mà quãng đường lại ngắn nên công binh phải mở đường theo hình zic-zắc để giảm độ dốc. Lại tiến hành trong điều kiện phải giữ bí mật trước con mắt rình mò của các loại máy bay trinh sát nên mất đúng 1 tuần con đường cứu kéo mới mở xong.

Trong quá trình công binh mở đường, đơn vị xe tăng cũng cử thợ đến cùng với kíp xe kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của xe 915, căn chỉnh lại các cơ cấu điều khiển, bổ sung đầy đủ dầu mỡ bôi trơn, nước làm mát...

Sau khi đường làm xong, xe 915 tự nổ máy và cùng với sự hỗ trợ của 2 xe nữa đã lần lượt vượt qua từng đoạn dốc một để lên tới mặt đường trong tiếng reo vui của tất cả những người có mặt.

Xe 915 sau đó lại tiếp tục hành quân vào chiến trường B2 để tham gia chiến đấu song sự cố của xe cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho những người chỉ huy trong quá trình tổ chức hành quân đường dài trên những cung đường hiểm trở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại