LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.
-------
Bài 1: Sự kiện "có một không hai" trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật
-------
Bài 2: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Giải mật lời đồn lính xe tăng Bắc Việt bị xích vào xe
Thử thách hết sức căng thẳng - Không nhớ là mình ngủ lúc nào
Cuộc hành quân "Thần tốc" của cánh quân Duyên Hải vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ căn cứ Sư đoàn 3 bộ binh tại Hòa Khánh, Đà Nẵng và kết thúc tại khu vực Long Thành, Đồng Nai.
Chiều dài đường hành quân là ngót 1.000 km. Được cái thuận lợi là hành quân theo Quốc lộ 1. Tuy nhiên, có khó khăn là khá nhiều cầu cống đã bị phá hủy.
Do một phần lãnh thổ thuộc Quân khu 2 và Quân khu 3 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) chưa được giải phóng nên cánh quân Duyên Hải chia làm hai bộ phận chính. Khối thứ nhất được trang bị gọn nhẹ đi trước, có nhiệm vụ đánh "địch mà đi, mở đường mà tiến". Khối thứ hai là các trang bị nặng và đại bộ phận quân số.
Do vậy, thời điểm xuất phát của hai khối cũng khác nhau. Khối thứ nhất xuất phát ngày 7.4.1975. Còn khối thứ hai đến ngày 14.4.1975 mới xuất phát. Trong khi đó, chỉ thị của cấp trên là phải có mặt tại vị trí tập kết chiến dịch trước ngày 24.4.
Không giống như các phương tiện cơ giới dân dụng, xe tăng là phương tiện chiến đấu, có trọng lượng lớn, sinh ra không phải để cơ động đường dài... nên khoảng cách ngót một nghìn km trong 10 ngày trong điều kiện nhiều cầu bị phá là một thử thách hết sức căng thẳng.
Để đảm bảo thực hiện đúng chỉ thị của cấp trên, lữ đoàn quyết định sẽ hành quân cả ngày và đêm.
Cụ thể: hàng ngày, sau khi kiểm tra kỹ thuật, bổ sung nhiên liệu, dầu nước... sẽ bắt đầu hành quân, trưa nghỉ ngắn ăn trưa, chiều lại chạy tiếp đến sẩm tối nghỉ ngắn ăn chiều, ăn chiều xong lại chạy tiếp đến quá nửa đêm (khoảng 2-3 giờ sáng) sẽ dừng lại nghỉ.
Chu trình đó cứ thế lặp lại. Sau 3-4 ngày sẽ có một ngày nghỉ để bảo dưỡng cấp II. Trong cuộc hành quân đó, ngày cao nhất, các xe tăng của Lữ đoàn 203 chạy được 230 km.
Lực lượng xe tăng thần tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình hành quân, lữ đoàn quy định là trưởng xe phải thức để chỉ huy xe. Tuy nhiên, một mặt là các lái xe của lữ đoàn hầu hết đều đã có kinh nghiệm vài năm cầm lái, thứ hai là đường sá cũng không khó đi như đường Trường Sơn... nên chủ yếu là do lái xe tự xử lý, còn các thành viên khác thì tùy.
Nói có thể nhiều người không tin song giữa tiếng động cơ ầm ầm và những cú rung xóc nảy người, các chiến sĩ xe tăng vẫn ngủ ngon lành như trên giường ấm, đệm êm vậy.
Còn khi làm công tác kỹ thuật cho xe thì cũng lái xe làm là chính. Các thành viên khác chủ yếu làm những việc phụ thôi như điều chỉnh xích, bổ sung nhiên liệu, dầu, nước làm mát... Thật là "trăm dâu đổ đầu tằm".
Bởi vậy, trong những ngày đó, cánh lính lái xe tăng vẫn đùa với nhau: "Không nhớ là mình ngủ lúc nào?".
Giải mật lời đồn lính xe tăng Bắc Việt bị xích vào xe
Giải phóng Đà Nẵng, khi tiếp xúc với dân thì lính xe tăng Lữ đoàn 203 được biết, Đài Phát thanh Sài Gòn có tuyên truyền: "Lính thiết kỵ (tăng thiết giáp) Bắc Việt bị xích vào xe".
Để chứng minh sự thật, các chiến sĩ xe tăng đã phải vi phạm quy định của trên, mở cửa xe cho một số thanh niên vào xe xem. Đến lúc đó họ mới bảo nhau: "Chúng nó toàn nói láo, bà con ạ".
Tuy không bị xích song thật tình, với cánh lái xe thì cũng chẳng khác gì. Từ sau khi giải phóng Huế, có một quy định "bất thành văn" được phổ biến xuống các đơn vị:
"Trong các điểm nghỉ ngắn, nghỉ chặng các đồng chí lái xe tuyệt đối không được rời xe. Nếu có việc cần cũng chỉ được đi trong khoảng cách gần, khi cần thiết gọi về được ngay".
11h30' ngày 30/4/1975, quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của quân địch tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Nguyên do của cái chỉ thị này là trong điều kiện vùng mới giải phóng, tàn quân địch vẫn còn lẩn lút khắp nơi, an ninh trật tự chưa được bảo đảm... nên phải hết sức cảnh giác. Nhỡ đâu có địch tập kích vào đội hình hoặc xảy ra cháy nổ trong khu vực cần phải cơ động ngay mà lái xe đi vắng thì hỏng hẳn.
Chính bởi vậy mà suốt chuyến "phượt" cả ngàn km dọc Quốc lộ 1, đi qua rất nhiều địa danh nổi tiếng, nhiều lần nghỉ chặng, nghỉ ngắn ngay tại phố xá, thị trấn, thị xã rất sầm uất và xinh đẹp song các lái xe đều tặc lưỡi tiếc rẻ.
Trong khi các đồng đội được đi thăm thú, mua sắm, thưởng thức đặc sản các miền quê thì các lính lái vẫn quanh quẩn trông xe hoặc hạ ghế xuống tranh thủ làm một giấc.
Còn một nguyên nhân khác làm cho cánh lái xe ít khi xuất hiện nơi phố thị hoặc trước đám đông là bởi cái vẻ ngoài thường rất "phủi", "bụi" của họ. Lính xe tăng vốn đã nổi tiếng bởi "Ai ơi chớ lấy lính tăng; Cách ba cây số còn hăng mùi dầu" song với cánh lái xe "đầu dầu, đít mỡ" thì cái mùi ấy còn đậm đặc hơn nhiều.
Suốt dọc đường hành quân, hết lái lại phải làm công tác kỹ thuật nên lúc nào quần áo, chân tay họ cũng lấm lem dầu mỡ.
Chỗ ngồi thì thấp, lại ngay cạnh băng xích cuốn bụi mù trời- nhất là vùng đất đỏ miền Đông- thì chàng lái xe nào trông cũng chẳng khác chi chàng hề xiếc. Thật đúng như câu ca: "Ăn pháo thủ, ngủ pháo hai, lài nhài xe trưởng, vất vưởng lái xe".
Những giờ phút đầu tiên của quân giải phóng trong sân Dinh Độc Lập ngày 30-04-1975. Ảnh tư liệu.
Ngay cả khi đã vào đến dinh Độc Lập, những nỗi khổ ấy vẫn chưa buông tha họ. Sau khi tình hình đã tương đối ổn định, các thành viên khác được vào bên trong dinh thăm nội các Dương Văn Minh, tham quan nơi làm việc của Tổng thống và các quan chức chính quyền Sài Gòn thì họ vẫn quanh quẩn bên chiếc xe của mình.
Có những chàng vì lý do nào đó không có quần áo để thay thì đành chui vào buồng lái, thò đầu nhìn thiên hạ mà thôi.
Chung quy lại, hành quân đường dài khổ nhất là cánh lính lái xe! Điều khiển xe cũng họ mà làm kỹ thuật cũng họ. Bù lại, họ được cả xe yêu quý, chiều chuộng.
Mỗi khi dừng nghỉ, các thành viên đang ngủ đều bật dậy, người châm cho điếu thuốc, người vắt cho cái khăn lau mặt, người pha cho ca sữa,... Thế là tỉnh cả người!
Và đặc biệt, cũng chỉ lái xe mới được thu vào trong óc đầy đủ cảnh "non xanh, nước biếc" trên con đường thiên lý dọc chiều dài đất nước.
Trong đó, rất nhiều cảnh đẹp, rất nhiều địa danh nổi tiếng họ đã từng biết đến qua sách vở nhưng đến giờ mới tận thấy. Đó là đậm đà muối trắng Sa Huỳnh, đó là bát ngát rừng dừa Tam Quan, đó là bí ẩn tháp Chàm Phan Rang, đó là óng ả dịu dàng duyên hải Phan Thiết v.v... và v.v...