Chiến trường K: Chuyến trinh sát lạc trong lòng địch ly kỳ của Quân tình nguyện Việt Nam

Nguyễn Đức Cường - Nguyên chiến sĩ trinh C20, Sư đoàn 320 |

Chợt một tràng đại liên dài xối xả vang lên, tiếp đó là hỏa lực B40 nổ trùm khói kín khu vực vượt đường. Toàn phân đội hiểu đường đi đã thúc vào chốt địch và bị chúng phát hiện.

Lính trinh sát vượt đường mòn

Khoảng cuối tháng chín năm 1978 , Đại đội 20 trinh sát thuộc Sư đoàn 320 chúng tôi tại Chiến trường K được lệnh từ rừng tếch Mimut chuyển lên cao điểm 202.

Tại nơi này chính trị viên đại đội tên là Hoan, trong lúc đi tìm nơi đặt hỏa lực bảo vệ nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt của các đơn vị trực thuộc đã dẫm phải mìn hy sinh. Tôi còn nhớ anh mới từ Bắc nghỉ phép vào. Da anh trắng, môi đỏ như con gái, tính xởi lởi vui vẻ.

Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, tiểu đội của Viết nhận nhiệm luồn sâu vào khu vực bản Na, nơi được cho là căn cứ hậu cần của địch. Trong đợt công tác này có chiến sỹ tân binh tên là Mao. Mao mới bổ sung vào đại đội chiều qua nhưng sáng nay đã đi bám địch nên rất ít người biết mặt.

Chiến trường K: Chuyến trinh sát lạc trong lòng địch ly kỳ của Quân tình nguyện Việt Nam - Ảnh 1.

Tác giả: Nguyễn Đức Cường - Nguyên hạ sỹ, chiến sỹ trinh sát Đại đội 20, Sư đoàn 320 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam

Nhận lương thực thực phẩm xong, toán trinh sát sư đoàn lên đường. Để đến bản Na phải qua bản Pum Lu, là căn cứ Sư đoàn 450 của Khmer Đỏ. Vượt qua tuyến phòng ngự của địch không dễ chút nào.

Đi hết rừng cao su là rừng chồi lúp xúp. Lúc này phải thay nhau cắt đường với quyết tâm đến mục tiêu trước lúc trời sáng để ban ngày thuận lợi cho việc quan sát.

Khoảng năm giờ chiều, phân đội vượt qua rừng tre, gặp con đường mòn chạy về hướng bản Na. Tiểu đội trưởng Bích cùng Viết vượt lên quan sát. Đường chằng chịt vết bánh xe bò. Phía bên kia là mấy cây khộp gầy khô. Con đường này địch đã dùng xe bò vận tải ra tuyền duyên,bởi vùng tác chiến không bao giờ có dân ở.

Không gian yên tĩnh. Sau một lúc quan sát, tiểu đội trưởng Bích quyết định vượt đường. Viết và Mao sang trước để cảnh giới, còn lại yểm trợ sẵn sàng chiến đấu.

Chiến trường K: Chuyến trinh sát lạc trong lòng địch ly kỳ của Quân tình nguyện Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Viết và Mao trườn lên, bò qua mặt đường ẩn vào vị trí thuận lợi. Chợt một tràng đại liên dài xối xả vang lên, tiếp đó là hỏa lực B40 nổ trùm khói kín khu vực vượt đường. Cành cây gãy rơi lả tả, có cảm giác ngóc đầu lên là trúng đạn. Toàn phân đội hiểu đường đi đã thúc vào chốt địch và bị chúng phát hiện.

Sau khi rút về nơi an toàn không thấy Viết và Mao, tiểu đội trưởng lệnh trở lại tìm kiếm. Công việc cực kỳ nguy hiểm nhưng đây là điều bắt buộc. Không thấy tăm tích hai người đâu cả. Khi màn đêm buông xuống, buộc lòng họ phải rút ra ngoài.

Hôm sau, tiểu đội về đến chốt bộ binh. Tiểu đội trưởng Bích mượn điện thoại báo cáo về ban trinh sát. Mệnh lệnh tránh nổ súng nhầm khi trinh sát trở về được phát ra toàn sư đoàn.

2 chiến sĩ trinh sát đi lạc vào trong lòng địch

Còn lại hai anh em Viết và Mao kẹt lại bên này đường, nằm im tránh đạn thẳng. Tiếng súng bắn trả của đồng đội mé bên kia yếu ớt rồi tắt hẳn vì không có hỏa lực áp chế. Đại liên địch chuyển làn sang hướng tiếng súng bên kia đường.

Lợi dụng khói chưa tan, hai người bò trở lại, vượt đường dưới làn hỏa lực tập trung của địch. Cả hai bò cho đến lúc tiếng súng địch thôi bắn thì chạy khom để đuổi theo đội hình. Trời đã nhá nhem tối, hoàn toàn mất phương hướng, lại không có địa bàn. Biết làm sao đây?

Trời tối hẳn. Hai người dừng lại vì nếu đi bừa rất dễ lao vào chốt địch. Viết nghĩ, khi cắt góc phương vị phải đi theo hình zích zắc để vòng tránh chốt địch, nên trao đổi với Mao:

- Hướng Đông là hướng của ta, cũng là hướng về Việt Nam. Nhưng do tác chiến hai bên cài thế da báo nên không thể đi chính Đông. Sáng mai phải đi trả lại phương vị nghĩa là theo hướng Đông Bắc.

Cả hai nhất trí phương án. Một đêm không ngủ nặng nề trôi qua. Sáng dậy, công việc đầu tiên là trèo lên gốc cây để quan sát. Mờ xa là rừng cây cao su Mimut. Chỉ cần về đến rừng cao su là khả năng an toàn gần như tuyệt đối vì Viết được nghe cấp trên phổ biến địch đã bị đẩy ra toàn bộ khu vực này trên bản đồ.

Hơn nữa, khi vượt qua chốt cuối cùng của ta, phân đội dừng chân hiệp đồng ngày trở lại, để tránh bắn nhầm. Chốt này cũng nằm sát bìa rừng cao su.

Đến gần trưa mặt trời đứng bóng. Lúc này không thể đoán được phương hướng. Viết cảnh giới cho Mao trèo lên để nhìn tìm núi Bà Đen (thuộc tỉnh Tây Ninh) để định hướng. Trước đó, Đại đội trưởng Lê Thanh Trung luôn nhắc anh em khi lạc đường thì trèo cây nhìn về núi Bà Đen mà tìm hướng về.

Chiến trường K: Chuyến trinh sát lạc trong lòng địch ly kỳ của Quân tình nguyện Việt Nam - Ảnh 4.

Nhưng đi được một quãng, hai người lại tranh cãi hướng đi vì không phải lúc nào cũng có cây để trèo, vả lại ban ngày dễ bị địch phát hiện. Việc tranh cãi hướng về đơn vị nhiều lúc căng thẳng. Tuổi trẻ thường tự tin và bồng bột.

Ai cũng muốn khẳng định mình và thử thách bản lĩnh của mình. Một quyết định được đưa ra: Đi theo hai hướng mà hai người lựa chọn. Nếu ai sống về được thì báo cáo cho đơn vị để tổ chức tìm kiếm người còn lại.

Hai chiến sỹ chia ly, gửi gắm niềm tin qua cái bắt tay. Ánh mắt như truyền lửa muốn nói rằng hãy cố gắng để trở về. Không ai muốn hiểu rằng đây là lần nhìn nhau cuối cùng.

Cứ vậy, Viết đêm nghỉ ngày đi. Cứ nhằm hướng có tiếng súng mà đi tới. Hai bàn tay Viết rướm máu vì phải bò nhiều khi qua bãi trống. Bi đông nước đã cạn kiệt thì sao nhai nổi lương khô. Khát đến cháy họng kết hợp với đói đã làm sức khỏe Viết kiệt quệ.

Viết không thể đẩy nhanh tốc độ bởi còn phải quan sát địch. Có lúc nhìn thấy lính Polpot, lại buộc lòng phải thay đổi hướng. Viết nhớ đến kinh nghiệm lính cũ truyền cho khi không có địa bàn: Xác định hướng bắc qua những phiến đá to hay gốc cây cổ thụ. Bên nào rêu phong xám xịt thì đó là hướng bắc. Từ đó xác định hướng đi.

Sáng sớm ngày thứ tư. Như ngày mọi ngày trước, Viết trèo lên cây quan sát. Núi Bà Đen kia rồi! Nơi đó là Tổ quốc mình mà sao xa xôi đến vậy. Phía tay trái là hướng Bắc.

Ở đó có mẹ già đang mong mỏi chờ con. Xa xa có ngọn khói nhỏ, không biết đây là bếp của ta hay địch?

Bếp thường ở nơi gần nguồn nước. Khát đến mức không thể chịu được. Viết quyết định lê từng bước theo hướng ngọn khói kia. Một con đường mòn trước mặt. Viết lùi lại nghe ngóng. Có tiếng người!

Tiếng lao xao rõ dần cho đến lúc Viết nhận ra tiếng Việt thân yêu. Bộ đội mình rồi! Viết lấy hết sức bình sinh lao người ra đường kêu: "Cứu tôi!", rồi anh gục xuống ngất lịm.

Anh em khênh Viết về trạm xá hồi phục sức khỏe. Thì ra nơi này vẫn là địa bàn của Trung đoàn đoàn 64. Anh em vận tải C25 của Trung đoàn đang gùi đạn lên chốt thì bắt gặp và khênh về.

Hôm sau Viết theo ô tô vận tải trung đoàn về sư đoàn. Cả đại đội trinh sát ùa ra đón. Ai cũng hỏi Mao đâu? Và câu chuyện xảy ra như Viết đã kể…

Mao đã vĩnh viễn đi mãi không về.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại