TT Trump 3 lần muối mặt "ngậm bồ hòn làm ngọt"
Ngày 20/06/2019, Iran đã gây chấn động thế giới khi bắn hạ máy bay không người lái (UAV) RQ-4C Triton tàng hình tối tân của Mỹ. Theo đó, khi chiếc UAV đình đám này do thám trên Vịnh Ba Tư thì bị tên lửa phòng không Iran tiêu diệt.
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công đáp trả, nhiều máy bay chiến đấu đã xuất kích, các tàu chiến Mỹ trong khu vực cũng "lên đạn" nhưng cuối cùng người đứng đầu Nhà trắng đã thu hồi mệnh lệnh vào phút chót. 1-0 nghiêng về phía Iran.
Tại triển lãm khoe chiến tích bắn hạ UAV của Mỹ được Iran tổ chức ngày 21/09/2019, xác "bại tướng" RQ-4C Triton tàng hình tối tân xuất hiện trong tình trạng thảm hại với chi chít vết thủng như xát muối vào nỗi đau của người Mỹ.
Iran khoe chiến tích bắn hạ UAV của Mỹ
Ngày 19/07/2019, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ siêu tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh tại eo biển Hormuz. Động thái này diễn ra khoảng 2 tuần sau khi hải quân Anh bắt giữ tàu dầu Iran ở vùng biển Gibraltar.
Đáng chú ý, trước đó chỉ ít ngày (10/07/2019), Washington đã kêu gọi thành lập liên minh quân sự bảo vệ vùng biển ngoài khơi Iran, Yemen. Theo đó, họ sẽ cung cấp các tàu chỉ huy và thực hiện giám sát cho liên minh quân sự còn các đồng minh sẽ điều tàu tuần tra, dưới sự chỉ huy của Mỹ, tự đi mà hộ tống tàu thương mại treo cờ quốc gia của mình.
Tuy nhiên, đề xuất này của Mỹ bị các đồng minh thân cận ghẻ lạnh. Đỉnh điểm là EU, với các đầu tàu là Pháp, Italy, Hà Lan và Đan Mạch đã ủng hộ sứ mệnh hải quân do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức theo đề xuất của Anh nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz mà không liên quan tới NATO hoặc Mỹ. 2-0, Iran tạm dẫn trước.
Mỹ cố vớt vát bằng việc tuyên bố bắn hạ 2 máy bay không người lái của Iran, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Trung tá Earl Brown - Phát ngôn viên Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết: "Chúng tôi đã quan sát thấy một chiếc rơi xuống nước nhưng không nghe thấy tiếng rơi xuống nước của chiếc còn lại".
Thật khôi hài, đúng là trăm nghe không bằng một thấy, đây lại còn chẳng nghe thấy chứ đừng nói là thấy. Chưa có một mảnh xác nào của ít nhất 1 trong 2 chiếc UAV của Iran mà phía Mỹ tuyên bố bắn hạ được thu giữ
Ngày 07/01/2020, sau khi lá cờ Máu được kéo lên, tung bay trên nóc thánh đường linh thiêng nhất, Iran đã thực hiện đòn trả thù cho cái chết của tướng Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC do bị Mỹ ám sát ở Iraq.
Việc vị tướng Iran khét tiếng này bị tiêu diệt được cho là đã nằm trong kế hoạch vốn có từ lâu, đến nay mới được Mỹ thực hiện mà thôi.
Theo lệnh từ Tehran, hàng chục tên lửa đạn đạo được phóng đi nã thẳng vào các căn cứ quân sự lớn có nhiều lính Mỹ đồn trú ở Iraq.
Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố ngay sau khi cơn mưa tên lửa chấm dứt rằng "All is well - Tất cả đều ổn!" nhưng những thông tin sau đó lộ ra lại cho thấy cả trăm binh sĩ Mỹ bị chấn động não và sốc nặng do phải chứng kiến đòn tấn công sấm sét của Iran.
Một lần nữa Tổng thống Trump lại "ngậm bồ hòn làm ngọt", khi tuyên bố không leo thang căng thẳng thêm nữa, dù các kịch bản tấn công Iran đã được giới tướng lĩnh diều hâu đệ trình. 3-0 cho Iran.
Tên lửa đạn đạo Iran tấn công chính xác như dao phẫu thuật vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở iraq.
Iran "vượt lằn ranh đỏ", Tổng thống Trump nổi giận, ra mệnh lệnh thép
7 ngày sau khi 11 tàu tấn công nhanh của Iran bao vây, uy hiếp nhóm tàu Hải quân Mỹ ở vịnh Ba Tư, ông Trump đã thực sự nổi giận khi ra mệnh lệnh thép, cho phép lực lượng của mình tiêu diệt và phá hủy bất cứ tàu đối phương nào dám khiêu khích, quấy rối.
Có vẻ như IRGC đã "vượt lằn ranh đỏ", chọc tới giới hạn cao nhất sự kiềm chế của ông chủ Nhà Trắng. Đây được coi là tuyên bố cứng rắn chưa từng có của Washington với Iran, nhưng thật kỳ lạ là nó không được đưa ra sớm hơn, ngay sau vụ việc nóng bỏng này bùng nổ, mà phải tới 1 tuần sau đó, lúc căng thẳng đã hạ nhiệt.
Có lẽ không nhiều người tin rằng Hải quân Mỹ thực sự có ý định khai hỏa nhằm vào tàu chiến Iran cho dù đã được Tổng thống "bật đèn xanh" bởi giới tướng lĩnh "có sỏi" trong đầu thừa biết họ sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm đến thế nào nếu Tehran ra lệnh trả đũa. Chắc chắn khi hai bên khai hỏa thì sẽ xảy ra thảm cảnh "Trạng chết, Chúa cũng băng hà".
Lịch sử các cuộc chiến tranh gần đây của Mỹ đều cho thấy một chân lý rằng nếu muốn tấn công một đối thủ nào đó thì Washington phải "gọi hội" tức là có sự tham gia của các đồng minh, càng nhiều càng tốt chứ hiếm khi họ "đơn thương độc mã" tham chiến. Nên nhớ, Iran không phải là đối thủ tí hon mà ai cũng dễ dàng bắt nạt.
Trong bối cảnh đại dịch Covid bùng nổ khiến nhiều quốc gia lao đao, các đồng minh của Washington đang phải tự lo lấy thân, liệu rằng có nước nào sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống Iran trong tương lai gần?
Ngay chính Hải quân Mỹ cũng đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi có tới ít nhất 40 tàu chiến có thủy thủ mắc Covid-19 (trong đó có 28 chiếc vẫn đang bị virus hoành hành), khiến khả năng tung phóng sức mạnh của họ suy giảm đáng kể thì hơi sức đâu mà đi gây chiến.
Bất chấp những khó khăn nội tại, ngay thời điểm này, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng 2 tàu đổ bộ cỡ lớn cùng nhiều loại tàu khác của cả Hải quân lẫn Tuần duyên Mỹ đều vẫn được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao, đề phòng Iran có những hành động khiêu khích trực diện hơn. Tất cả đã vào vị trí.
Tuy nhiên có thể thấy rất rõ ràng rằng, ở giai đoạn này, Tổng thống Trump dường như sẽ lại tiếp tục một lần nữa "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà thôi, dù chính ông đã ra tuyên bố cứng rắn đe Iran, bởi lẽ nước Mỹ sẽ phải "đơn thương độc mã" đương đầu với một đối thủ được coi là hàng "thứ dữ".
Mỹ không "gọi được hội" thì Iran hãy chờ đấy... cứ yên tâm mà kê cao gối ngủ đi!