Vũ khí Nga – Mỹ ‘đổ xô’ vào Ấn Độ giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

Minh Thu |

Nga và Mỹ đang chạy đua bán vũ khí cho Ấn Độ giữa lúc New Delhi tăng cường kho khí tài nhằm đối phó căng thẳng với Bắc Kinh.

Nga và Mỹ đang chạy đua bán vũ khí cho Ấn Độ giữa lúc New Delhi tăng cường kho khí tài nhằm đối phó căng thẳng với Bắc Kinh.

Chính phủ Ấn Độ gần đây đã phê duyệt đề xuất mua 33 máy bay chiến đấu mới của Nga có tổng trị giá 2,4 tỉ USD và nâng cấp thêm 59 chiếc. Thậm chí, sau vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ Trung - Ấn khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận với Nga để mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với giá 5,43 tỉ USD.

Song mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc đã khiến một số người ở Ấn Độ đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của Moscow. Trong khi đó Mỹ, quốc gia đang tăng cường quan hệ với New Delhi thông qua chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng đẩy mạnh hoạt động buôn bán vũ khí sang Ấn Độ.

“Nhiều người tin rằng, Ấn Độ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, mà tiếp tục đi theo con đường ở giữa bằng cách thúc đẩy quan hệ với cả Nga và Mỹ", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu Viện Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên ở New Delhi.

Nga – Mỹ tranh giành thị phần

Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về phương diện nhập khẩu vũ khí bằng việc chi hàng tỷ USD mỗi năm. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong 10 năm qua, Ấn Độ đã chi nhiều tiền để mua vũ khí từ nước ngoài hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí số 1 cho Ấn Độ kể thời Liên Xô cũ. Tính từ năm 2000, Nga đã bán số vũ khí trị giá khoảng 35 tỉ USD cho Ấn Độ, chiếm hơn 2/3 trong tổng số tiền mua sắm vũ khí 51 tỉ USD của Ấn Độ.

Phần lớn vũ khí chiến lược của Ấn Độ từ chiếc tàu sân bay duy nhất đang hoạt động INS Vikramaditya với dàn máy bay MiG-29 và Ka-31, cho đến tàu ngầm tấn công hạt nhân duy nhất Chakra II hay các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và T-72 đều có xuất xứ từ Nga.

Bên cạnh đó, Nga cũng cấp phép cho công ty HAL của Ấn Độ sản xuất Su-30 MKI, chiến đấu cơ chủ lực của không quân Ấn Độ. Nga còn tham gia vào chương trình chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân duy nhất của Ấn Độ là BrahMos.

Trong khi đó, các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ấn Độ mới chỉ đạt 3,9 tỉ USD trong 20 năm qua. Nhưng kể từ năm 2010, Mỹ đã nhanh chóng tăng tốc và trở thành nhà cung cấp vũ khí đứng thứ 2 cho Ấn Độ khi vượt qua Israel và Pháp.

Cụ thể, Ấn Độ đã trang bị cho quân đội các máy bay vận tải Boeing C-17 và C-130J. Đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mua lô vũ khí trị giá 3 tỉ USD của Mỹ bao gồm cả máy bay trực thăng.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Mỹ - Ấn cùng tìm cách đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như dần hình thành mối quan hệ quân sự mật thiết hơn thông qua hàng loạt thỏa thuận quân sự chiến lược.

"Người Nga hưởng lợi từ xung đột giữa Trung - Ấn. Tôi nghĩ người Mỹ sẽ không vui vẻ khi chứng kiến điều đó. Chính quyền của Tổng thống Trump đã rất cố gắng để giành được thị phần lớn hơn trên thị trường vũ khí trị giá hàng tỉ USD mỗi năm và họ không muốn bỏ lỡ cơ hội", ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh cho hay.

Điều đáng nói, Mỹ lại đang nắm lợi thế. Theo Đạo luật Đối phó với các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt năm 2017 (CAATSA), Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với bất cứ quốc gia nào tham gia vào "các giao dịch quan trọng" trị giá trên 15 triệu USD với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Hiện Washington vẫn chưa chấp nhận yêu cầu miễn trừ được phía Ấn Độ liên tục gửi tới.

"Tôi nghĩ Mỹ sẽ không thực sự triển khai lệnh trừng phạt. Đó là một phần trong nỗ lực gây áp lực để Ấn Độ chọn vũ khí của Mỹ thay vì Nga. Và Nga sẽ không ngồi im. Nga cũng sẽ có cách để níu giữ Ấn Độ", ông Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong nói.

Ngoài sức ép từ CAATSA, Mỹ còn có thêm những nỗ lực thảo luận với Ấn Độ hồi đầu năm nay. Theo đó, Mỹ đề nghị phát triển cho Ấn Độ một "siêu F-16” và thậm chí chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ theo yêu cầu của chính phủ Thủ tướng Modi, cũng như cung cấp cho Ấn Độ các hệ thống phòng thủ tên lửa thay thế S-400 của Nga.

Còn hiện tại, các trực thăng Apache và Chinook được Mỹ chuyển giao cho Ấn Độ đã có mặt tại Ladakh, điểm nóng xung đột biên giới giữa Trung - Ấn.

Nhưng theo ông Song, việc liên tiếp mua thêm vũ khí của Ấn Độ có thể giúp tăng cường sức mạnh chống lại quân đội Trung Quốc, nhưng chỉ ở mức độ có hạn.

"Ấn Độ có thể mua một số vũ khí tối tân, nhưng không thể mua khả năng chiến đấu thực sự", ông Song nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại