Thổ Nhĩ Kỳ có thể một mình chống lại cả phương Tây, nhưng "vuốt râu hùm" Nga ở Libya sẽ chuốc đau thương?

Mạnh Kiên |

Nếu như cuộc tấn công Sirte thất bại - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một liên minh ảnh hưởng ở Libya, tương ứng với mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh đã được chứng minh của cả hai. Một lần nữa, kịch bản Syria có thể được nhân rộng.

Trong nhiều năm, cuộc khủng hoảng Libya đã diễn ra âm thầm mà không gây ra nhiều sự chú ý đối với công chúng. Sự hỗn loạn và đan xen giữa các thế lực tham gia khiến cho cuộc chiến trở nên phức tạp đến mức chỉ có các chuyên gia mới có thể thấu hiểu đầy đủ, nhà phân tích địa chính trị Michel Duclos nhận định trên Institut Montaigne.

Tuy nhiên, tình hình đã trở nên đơn giản hơn, khi có hai phe riêng biệt xuất hiện, mỗi phe được hỗ trợ bởi một nhóm các liên minh. Trong đó hầu hết các quốc gia phương Tây ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli.

Còn ở phía Đông, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và nhiều quan điểm cho rằng có cả Nga ủng hộ.

Cho đến vài tuần trước, quân đội LNA của tướng Khalifa Haftar đã không thể giành được Tripoli. Chính tại thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tăng cường thêm sức mạnh quân sự cho GNA và thừa thắng phản công.

Tuy nhiên, thông tin về việc những chiếc MiG-29 và Sukhoi Su-24 của Nga vừa đến Libya dường như đã khiến Ankara phải ngập ngừng.

Sự tương đồng Nga-Pháp

Nga có cách hành xử về vấn đề Lybia khiến các "đối thủ" cũng phải dè chừng. Nước này tiến hành các bước đi một cách chậm chạp và thận trọng, áp dụng chiến lược tương tự như chiến lược được sử dụng ở Syria.

Moscow thiết lập liên lạc chính trị với tướng Haftar nhưng không phá vỡ mối quan hệ với chính phủ GNA, đồng thời liên tiếp kêu gọi ngừng bắn và tiến tới các thỏa thuận chính trị.

Mặc dù cho đến lúc này, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc về việc ủng hộ cho LNA và đưa vũ khí đến Libya, giới quan sát phương Tây vẫn tin rằng Nga có chung chí hướng với Ai Cập, Saudi Arabia và UAE và đặc biệt là Pháp – một quốc gia NATO đang đi ngược lại quan điểm của liên minh.

Trên hầu hết các khía cạnh, cách tiếp cận của Nga có vẻ tương tự như của Pháp. Nhưng mục đích của cả hai rõ ràng là khác nhau, vì có nhiều khả năng Nga đang tìm kiếm một thành trì bổ sung ở Địa Trung Hải, như cách mà nước này làm ở Syria.

Tuy nhiên, không giống như Pháp, Nga không phải trải qua một mối quan hệ ngày càng xấu đi với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Moscow được coi là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ ở cả Syria và Libya, nhưng cuộc đối thoại của cả hai vẫn đang giữ mối quan hệ trong tầm kiểm soát.

Ngược lại, mối quan hệ giữa Paris và Ankara đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố hải quân vào ngày 10/6, trong đó một tàu Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa một tàu khu trục Pháp ngoài khơi bờ biển Libya.

Điều này đã tạo ra nút thắt mới cho căng thẳng đang gia tăng giữa hai quốc gia NATO. Trong một cuộc họp của Hội đồng NATO, người Pháp đã lên án mạnh mẽ thái độ của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và nhận được sự ủng hộ từ tám đồng minh trong số gần ba mươi thành viên khác.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể một mình chống lại cả phương Tây, nhưng vuốt râu hùm Nga ở Libya sẽ chuốc đau thương? - Ảnh 2.

Pháp-Thổ đang gây ra những vết nứt mới trong liên minh NATO.

Chính quyền Pháp thấy mình đang đứng ngoài lề với các quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này bao gồm cả trong cả trường hợp cuộc tấn công người Kurd ở đông bắc Syria, thương vụ mua S-400 của Nga và bây giờ trong cuộc khủng hoảng Libya. Paris cảm thấy Ankara rõ ràng không tôn trọng nghĩa vụ của mình đối với NATO.

Nhưng ở hướng ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy mình đang trên cơ hơn so với các đồng minh phương Tây. Những tranh cãi về hoạt động thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải cũng có thể là một trong những đòn bẩy cho các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, thậm chí là điều đình được với cả châu Âu.

Người Mỹ không muốn mất đi đồng minh địa chiến lược tối quan trọng nên muốn giải quyết các bất đồng với Ankara một cách kín đáo và tin rằng sẽ tìm ra được phương án giải quyết tranh cãi về S 400, trong khi người Đức không muốn gây nguy hiểm cho thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người di cư.

Tình thế nào cho Pháp?

Đã có những câu hỏi về tình hình ở Libya sẽ diễn biến thế nào trong tương lai? Sẽ rất hấp dẫn nếu như chính quyền GNA và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một cuộc tấn công vào Sirte, với mục đích khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ của đất nước – điều có thể so sánh với nỗ lực của chính quyền Assad ở Syria trong việc giành lại Idlib.

Về phần mình, Ai Cập chỉ ra rằng đây sẽ là hành động vượt qua lằn ranh đỏ và nước này sẵn sàng tiến hành một cuộc can thiệp quân sự ở Libya để ngăn chặn điều đó.

Trong khi với động thái như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ leo thang nghiêm trọng với Nga, thế lực đang nắm quyền thống trị ở miền Bắc Syria.

Ở một giả thuyết khác – nếu như có biện pháp thay thế cho một cuộc tấn công vào Sirte hoặc cuộc tấn công thất bại - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một liên minh khu vực ảnh hưởng ở Libya, tương ứng với mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh đã được chứng minh của cả hai. Một lần nữa, kịch bản Syria có thể được nhân rộng.

Với người Pháp, những khó khăn hiện tại ở Libya có thể đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên ảnh hưởng của quốc gia này. Cơ hội duy nhất của Pháp để giải quyết thách thức do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra nằm ở chính liên minh của cả hai, đặc biệt là EU và NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại