Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị

Nguyễn Bá Kiến - Cựu chiến binh sinh viên Đại học Thủy Lợi |

Tháng 9/1973, chúng tôi được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đón lãnh tụ Cuba Fidel Castro, nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Chủ tịch Fidel Castro đứng trên một chiếc xe tăng của Mỹ do quân giải phóng thu giữ tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Fidel Castro đứng trên một chiếc xe tăng của Mỹ do quân giải phóng thu giữ tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh tư liệu.

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.

-------------

KÝ ỨC CỦA LÍNH PHÁO CAO XẠ

Kỳ 1: "Pháo tép đa năng" 37mm cực lợi hại ở Khu 4: Bảo vệ tiêm kích MiG và tên lửa SAM-2 trước hàng đàn máy bay Mỹ

-------------

Kỳ 2: Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro - nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG thăm Quảng Trị

"Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam"

Giữa tháng 1/1973, trước Tết Âm lịch Quý Sửu, Trung đoàn tên lửa 263 được lệnh cơ động, hành quân đi chiến trường. Ngày Tết đã cận kề nhưng không ai có ý nghĩ là sẽ có một cái Tết như ở Nghệ An nữa. Xe kéo pháo đã sơn lên cánh cửa dòng chữ "B5-M4".

Cánh lính thì thào với nhau: "Chắc là lại ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam đây".

Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị - Ảnh 1.

Sinh viên Nguyễn Bá Kiến ngày nhập ngũ năm 1970 - Nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 4 - Bộ NN & PTNT

Quả đúng như vậy! Quân trang được thay mới. Mũ tai bèo thay mũ cối. Không được đeo sao, phù hiệu. Tiền còn bao nhiêu gửi hết về gia đình... Lệnh hành quân là phải vào Quảng Trị trước ngày 27/1/1973 - ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Là Trung đoàn tên lửa nên khí tài xe máy nhiều, nặng và rất cồng kềnh. Tên lửa đi trước. Pháo 37 ly chỉ cần hơn chục chiếc xe 2 cầu là cơ động được cả tiểu đoàn. Sau khi vượt ngầm thượng nguồn sông Bến Hải, cả Trung đoàn theo đường 9 đi lên Ngã ba Khe Sanh.

Đây là vùng giải phóng của ta và là một binh trạm quan trọng của Đường 559. Từ đây có đường 14 nối dài vào Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari ký kết và có hiệu lực, Trung đoàn chúng tôi trở thành đơn vị Tên lửa phòng không Quân Giải phóng Miền Nam.

Tết Nguyên đán Quý Sửu năm ấy, chúng tôi bắn đạn vạch đường đỏ trời thay cho pháo hoa mừng cái Tết hòa bình đầu tiên!

Sinh hoạt, luyện tập... của lính thực sự sang một trang mới. Khu vực Khe Sanh này khá nhộn nhịp với các đơn vị hậu cần, công binh, trạm giao liên tấp nập người xe ra Bắc vào Nam.

Chúng tôi cất nhà bạt đi để dựng nhà ở bằng lán nứa lợp tranh. Nơi ăn chốn ở khá đàng hoàng. Đại đội nào cũng có sân chơi bóng chuyền. Thỉnh thoảng có các đội văn nghệ xung kích, đội chiếu phim đến phục vụ.

Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị - Ảnh 2.

Khẩu đội trưởng pháo cao xạ Nguyễn Sỹ Hồi (Sinh viên Đại học Thủy lợi) đang trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với các pháo thủ.

Lính ta thật tháo vát đem hạt rau cải, rau muống gieo ngay trên vạt đất ven miệng hố bom đọng nước nên có rau xanh ăn thoải mái.

Gần ngã ba Khe Sanh trước kia có một đồn điền cà phê từ thời Pháp thuộc. Tuy bị bỏ hoang vì chiến tranh nhưng các cây cà phê vẫn ra quả. Lính ta hái cà phê chín già bỏ trong bao cát Mỹ, ngâm dưới suối cho rã ra rồi vớt lên đạp, vò lấy hạt.

Hạt cà phê đem rang chín rồi cho vào mũ sắt giã mịn. Phin pha cà phê thì được gò bằng ống pháo sáng. Đường thì sẵn tiêu chuẩn hàng tháng. Thế là có cà phê pha đặc sánh nhâm nhi...

Chính trị viên đại đội tôi là người Hương Khê - Hà Tĩnh. Anh có tài bẫy thú và tôi cũng như nhiều lính ở miền ngoài lần đầu biết mùi thịt thú rừng như heo, chồn, gà rừng... và có lần là một con nai to tướng.

Sau Hiệp định Paris, hoạt động đánh phá của máy bay địch không còn. Có mấy lần đơn vị chuyển cấp và nổ súng chỉ là bắn máy bay không người lái của chúng do thám vùng giải phóng. Suốt năm 1973 và 1974 chỉ có giao tranh bộ binh ở các khu vực giáp ranh. Đông Hà lúc ấy như Thủ đô của vùng giải phóng.

Bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro

Sự kiện đáng nhớ nhất là tháng 9/1973, chúng tôi được lệnh sắn sàng chiến đấu cao nhất để đón lãnh tụ Cuba Fidel Castro - nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới - vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị - Ảnh 4.

Lãnh tụ Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến, bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế - Ảnh: TTXVN

Cứ như thế thời gian trôi nhanh, 2 năm canh giữ trời vùng giải phóng là giai đoạn học tập, xây dựng, huấn luyện... Một số chiến sĩ trưởng thành được đi học sĩ quan. Tôi cũng được kết nạp Đảng trên trận địa Khe Sanh vào tháng 4/1973. Trong các đợt hội thao trinh sát toàn Trung đoàn, tôi luôn được xếp thứ nhất.

Cũng trong 2 năm này, tổ chức có thay đổi: Tháng 6/1973, Sư đoàn Phòng không 673 được thành lập. Năm 1974, Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ chúng tôi tách khỏi Trung đoàn 263 tên lửa để trực thuộc Trung đoàn 284 pháo cao xạ.

Sau khi chuyển sang trực thuộc Trung đoàn 284 pháo cao xạ, Tiểu đoàn chúng tôi cơ động về Cùa ở Gio Linh, Quảng Trị.

Tình hình chiến sự Thừa Thiên - Huế khi ấy đang chuyển biến có lợi cho ta, sau thời gian xua quân lấn chiếm vùng giải phóng, quấy rối các chốt bảo vệ vùng giải phóng của ta ở Quảng Trị và miền tây Thừa Thien - Huế, quân địch tuy còn đông nhưng đã có dấu hiệu rệu rã.

Ở đây, chúng tôi đón cái Tết Nguyên đán thứ 3 trong vùng giải phóng. Tết năm ấy đơn giản nhưng vui và tràn đầy niềm tin thắng lợi. Lần đầu tiên tôi được mời ăn cỗ Tết của một gia đình dân ở kề trận địa khi tôi vào chúc Tết.

Thấy mỗi món đựng trong một cái đĩa nhỏ khiến tôi nghĩ vui là mình có thể ăn hết cả mâm cơm ấy. Thật là cảm động, quê nghèo nhưng tình quân dân thắm thiết biết bao!

Trong thời gian ấy, những đợt học tập chính trị, chỉnh huấn... vẫn được tiến hành và cấp trên vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để đi đến đích cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại