Máy bay Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Ảnh minh họa.
LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.
--------
KÝ ỨC CỦA LÍNH PHÁO CAO XẠ
Kỳ 1: "Pháo tép đa năng" 37mm cực lợi hại ở Khu 4: Bảo vệ tiêm kích MiG và tên lửa SAM-2 trước hàng đàn máy bay Mỹ
Bảo vệ tiêm kích MiG và tên lửa SAM-2
Cuối năm 1970, từ đơn vị huấn luyện để đi chiến trường B (Miền Nam) ở Nông Cống - Thanh Hóa, chúng tôi gần 100 tân binh vốn là sinh viên các trường Đại học nhập ngũ đợt 24/8/1970 lên tàu ngược ra Hà Nội.
Xuống ga Hàng Cỏ lúc nửa đêm, hành quân bộ qua cầu Long Biên, qua cầu Đuống đến trận địa pháo Dốc Vân. Sau mấy tuần học chính trị, Điều lệnh thì chia ra bổ sung về các đại đội thuộc Tiểu đoàn 6.
Cán bộ khung gồm các cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội, các pháo thủ đã qua chiến đấu trong các đơn vị pháo phòng không giai đoạn chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968). Tiểu đoàn có 3 đại đội là 26, 27 và 28 trực thuộc Trung đoàn 212 pháo cao xạ (Đoàn Tháng Tám), Sư đoàn 361 Phòng không Hà Nội.
Sinh viên Nguyễn Bá Kiến ngày nhập ngũ năm 1970
Chúng tôi tiếp nhận pháo và trận địa ở hai đầu cầu Đuống. Đơn vị luyện tập với mục tiêu giả định là bảo vệ cầu Đuống và Nhà máy Gỗ, Nhà máy Diêm Thống Nhất.
Sau 9 tháng huấn luyện, thuần thục những kỹ năng chiến đấu cơ bản, chúng tôi được chuyển tới Trung đoàn 260 pháo cao xạ bảo vệ sân bay quân sự Nội Bài, căn cứ của Sư đoàn Không quân Sao Đỏ, luyện tập các phương án bảo vệ đường băng và máy bay lúc cất, hạ cánh.
Trong một đêm cuối năm 1971, Tiểu đoàn chúng tôi bất ngờ nhận lệnh cơ động vào miền Trung.
Địa điểm tập kết của Tiểu đoàn là sân bay Anh Sơn (còn gọi là sân bay Dừa), miền Tây tỉnh Nghệ An. Tôi vẫn nhớ những gì diễn ra ở sân bay dã chiến Anh Sơn ngày ấy.
Khi đó, những chiếc tiêm kích MiG-21 của ta được bí mật chuyển từ các sân bay phía ngoài vào và được cất giấu trong hang đá cuối đường băng. Cửa hang bằng sắt kiên cố, chống bom và rốc két, có mô tơ đóng mở. Máy bay chỉ được kéo ra lúc chiều tối để xuất kích đánh đêm.
Lúc đầu chỉ thấy máy bay đi mà không thấy về, chúng tôi cứ nghĩ là đã bị địch bắn rơi nhưng không phải! Thì ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh đêm, những chiếc MiG đó lại trở về hạ cánh ở các sân bay phía ngoài (Kép, Sao Vàng...).
Vì vậy không quân địch tìm mọi cách đánh phá sân bay Anh Sơn. Trong tình hình đó, Quân chủng đã điều Trung đoàn tên lửa 263 trang bị SAM-2 vào bảo vệ sân bay này và đơn vị chúng tôi lại được giao nhiệm vụ bảo vệ cho tên lửa.
Sau khi triển khai trận địa, chúng tôi được phổ biến nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo vệ các Tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 263 đã vào trước để bảo vệ sân bay dã chiến Anh Sơn.
Sở dĩ loại "pháo tép đa năng" 37 ly của Tiểu đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ này vì tên lửa SAM-2 là vũ khí lợi hại để bắn máy bay địch ở tầm cao nhưng lại rất bất lợi khi bị chúng sà xuống thấp hoặc bổ nhào tấn công.
Những ngày tháng gian khổ và ác liệt
Ở đây, chúng tôi đã chính thức bước vào chiến đấu với 5 trận đánh với không quân Mỹ. Đó là những trận chiến đấu đầu tiên của đơn vị. Tuy không bắn rơi máy bay địch nhưng Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tên lửa và sân bay của ta.
Máy bay Mỹ đã không dám bổ nhào ném bom, hoặc xuống thấp bắn phá mà chỉ bay bằng rải bom bi.
Vì có MiG xuất kích đánh đêm và thấy tên lửa, máy bay ném bom B-52 Mỹ đã không dám hoạt động đánh phá Đường 559 một thời gian.
Tháng 4 năm 1972, chiến tranh phá hoại lần thứ 2 do Nixon phát động trở lại, chúng tôi cùng các tiểu đoàn của Trung đoàn 263 cơ động về Vinh - Bến Thủy và ven biển Nghệ An, bước vào những ngày chiến đấu ác liệt, gian khổ nhất.
Kéo pháo vào trận địa. Ảnh tư liệu.
Đường 1, đường 15, Nhà máy điện Vinh, cầu phao Bến Thủy, phà Linh Cảm... là những trọng điểm máy bay địch đánh phá suốt ngày đêm bởi từ đây nối với đường 21 rồi vào Đường 559 ở Khe Hó - Quảng Bình là huyết mạch vận chuyển người, vũ khí, quân dụng, lương thực... cho chiến trường miền Nam.
Chiến thắng vinh quang
Chỉ trong thời gian từ tháng 4 đến hết năm 1972, các tiểu đoàn tên lửa và Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ của Trung đoàn 263 chúng tôi đã chiến đấu liên tục, bắn rơi nhiều máy bay của không quân và hải quân Mỹ trên vùng trời Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ những ngày ác liệt ấy: Tàu sân bay và tàu khu trục Mỹ rập rình ngoài khơi. Pháo từ khu trục hạm bắn phá các làng xã ven biển Nghệ An.
Trận đánh bảo vệ cầu Cấm, chúng tôi chịu cả pháo kích từ tàu chiến Mỹ ngoài khơi câu vào. Trận chiến giữa máy bay địch với chúng tôi là không cân sức vì đơn vị phải phân tán để bảo vệ tên lửa.
Mỗi khi tên lửa phóng đạn, thấy khói da cam là máy bay Mỹ bu đến như ruồi. Một cụm 4 pháo 37 ly chỉ có thể xua đuổi và hạn chế không cho chúng xạ kích chính xác.
Khi máy bay địch phóng tên lửa không đối đất, đơn vị tên lửa ta cúp sóng hất ra cũng là nguy cơ thương vong cho pháo.
Để bảo đảm an toàn và gây bất ngờ trong tác chiến, các tiểu đoàn tên lửa sau khi phóng đạn đánh địch là cơ động rời ngay vị trí trong đêm nên cao xạ chúng tôi cũng cơ động theo luôn rất vất vả.
Có những trận địch rải bom bi nổ chậm để ngăn đường cơ động di chuyển của ta. Nguy cơ thương vong luôn rình rập. Chúng tôi luôn trong tình huống căng thẳng, buộc phải cảnh giác cao độ.
Từ sáng sớm đến đêm khuya, luôn có tiếng máy bay ầm ì, mấy đồng đội ở ra đa cảnh giới cho biết: cứ mở máy là thấy tín hiệu địch, suốt đêm ngày.
Tuy vậy, trong chiến tranh thì không thể tránh khỏi tổn thất mà khốc liệt nhất là trận chiến đẫm máu ngày 20/4/1972: hầu hết các tiểu đoàn tên lửa và cao xạ đơn vị chúng tôi đều bị trúng bom và tên lửa không đối đất của máy bay Mỹ, nhiều đồng đội đã hy sinh và bị thương, vũ khí khí tài bị hỏng…
Nhằm thẳng quân thù mà bắn!
Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác lâm trận đầu tiên khi trong ống kính của tôi, trái bom từ một chấm đen to dần, tiếng bom rít xé gió nhức tai... Một cảm giác bất an, nao núng thoáng qua… Một phản xạ tự nhiên không kìm chế được.
Thế mới biết ranh giới giữa sự sợ hãi và gan dạ, giữa hèn nhát và hiên ngang... là rất mỏng manh. Con người bằng xương thịt không thể đọ với đạn bom nhưng ý chí thì mạnh hơn tất cả. Lửa thử vàng, gian nan thử sức... nhưng với những người lính cao xạ chúng tôi, đạn bom quân thù thử lòng dũng cảm.
Đơn vị chúng tôi luôn trong tình trạng phải bổ sung tân binh để không ảnh hưởng khả năng chiến đấu. Đặc thù chiến đấu của pháo phòng không là hiệp đồng tập thể. Một khẩu đội không thể khai hỏa nếu thiếu người quay tầm, quay hướng, đạp cò...
Hiệp đồng là yếu tố sống còn để chiến đấu hiệu quả. Mỗi điểm xạ của pháo 37 ly là 5 viên đạn, 4 khẩu đội bắn lên trời 20 viên, máy bay địch chỉ cần bị 1 viên là khó thoát.
Những tân binh bổ sung tại chiến trường có bỡ ngỡ, thậm chí rúm ró trong một vài trận đầu nhưng rồi cũng nhanh chóng vượt qua sự sợ hãi, dày dạn lên qua khói lửa.
Chúng tôi không so sánh mình với các chiến sĩ xung kích bộ binh hay đặc công tinh nhuệ... nhưng với những người đứng giữa mâm pháo hoặc giữa trận địa, công sự chỉ che chắn phần dưới cơ thể và không được phép ẩn nấp như chúng tôi cũng rất tự hào và xứng đáng được tôn vinh như Anh hùng Nguyễn Viết Xuân "nhằm thẳng quân thù mà bắn!".