Tốp máy bay A37 bổ nhào, nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Tình huống khẩn cấp, thật hú vía!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Bỗng nhiên, trên bầu trời xuất hiện một tốp máy bay A37. Chúng bay lượn vòng tròn rồi nhao lên, lộn xuống hướng thẳng về phía tàu V630. Lệnh sẵn sàng bắn máy bay. Các thủy thủ lập tức vào vị trí, chuẩn bị vũ khí.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

LTS: Tháng 4.1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh 5 cánh quân áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, còn có những mũi tiến công khác không phải ai cũng biết, trong đó có chuyến hải hành đơn độc của tàu V630.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài đặc biệt về hồi ức do chính Thuyền trưởng tàu V630 Hải quân Việt Nam kể lại qua ghi chép của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

--------

Kỳ 1 - Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua "sát thủ tàng hình": Chuyến đi vô tiền khoáng hậu

--------

Kỳ 2 - Tốp máy bay A37 bổ nhào nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu!

Giải phóng rồi sao lại có máy bay A37 quần đảo trên đầu

Trưa ngày 24.4.1975, tầu V630 đến vịnh Đà Nẵng. Từ trên đài chỉ huy, Hoàng Sinh Viên nhìn vào thành phố thấy đầy lạ lẫm, rất nhiều những chiếc cột sắt cao vút, cả những đài ra đa với cánh sóng khổng lồ.

Bỗng nhiên, trên bầu trời xuất hiện một tốp máy bay A37. Chúng bay lượn vòng tròn rồi nhao lên, lộn xuống hướng thẳng về phía tàu V630 như sắp ném bom.

Tốp máy bay A37 bổ nhào, nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Tình huống khẩn cấp, thật hú vía! - Ảnh 1.

Thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên tự bảo mình: "Đà Nẵng giải phóng rồi cơ mà!". Tuy nhiên, anh vẫn ra lệnh sẵn sàng bắn máy bay. Các thủy thủ lập tức vào vị trí, chuẩn bị vũ khí.

Nhưng rồi mấy chiếc máy bay lại nhao lên. Sau khi vào cảng và tìm hiểu, các anh mới biết đó là các phi công của ta đang tập lái máy bay chiến lợi phẩm để chuẩn bị ném bom sân bay Tân Sơn Nhất mấy ngày sau. Hú vía!

Sau khi nhìn thấy cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, tầu V630 mới hướng vào cập cảng ngoài. Tại đây, tốp hành khách gồm 2 sĩ quan cơ quan Bộ Tư lệnh sẽ lên bờ làm nhiệm vụ tiếp quản quân cảng Đà Nẵng.

Mặc dù rất muốn lên bờ xem thành phố và quân cảng địch thế nào nhưng nghĩ đến mệnh lệnh "càng nhanh càng tốt" nên cho người lên xong, Viên lệnh cho tàu xuất phát ngay.

Đích đến tiếp theo của tàu V630 là cảng Quy Nhơn. Thời tiết vẫn rất thuận lợi, tầm nhìn xa tốt. Tuy nhiên, biển vẫn vắng hoe không một bóng tàu thuyền nên thuyền trưởng Viên vẫn thấy lo. Không biết cái gì đang chờ đợi mình ở phía dưới đường chân trời.

Tốp máy bay A37 bổ nhào, nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Tình huống khẩn cấp, thật hú vía! - Ảnh 2.

Bộ đội xe tăng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thuyền bộ còn 5 người vẫn phải rời cảng

Đến khu vưc cảng Qui Nhơn trời đã về chiều, quan sát thấy ở đây ghe, tầu của ngư dân đi lại nhộn nhịp, lại thấy luồng lạch đầy đủ phao tiêu báo hiệu... Thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên cảm thấy khá yên tâm.

Gần hơn chút nữa, khi tầu vào luồng Viên nhìn thấy tượng "Thánh tổ Hải Quân Việt Nam" Trần Hưng Đạo bên hải đăng Phương Mai đang chỉ tay xuống. Viên cảm thấy hình như Người bảo: "Đi theo lối này!" nên vững tâm lái tàu vào bến.

Trong lúc đang chọn vị trí cập cảng thì bỗng nhiên có nhiều tiếng súng và pháo hiệu ở căn cứ Duyên đoàn 44 bên bán đảo Phương Mai bắn lên. Không hiểu là ta hay địch bắn nữa song thuyền bộ vẫn vững tâm bởi Qui Nhơn giải phóng đã lâu rồi. Tiếng súng cũng chỉ rộ lên mấy phút rồi tắt hẳn.

Đang tìm vị trí cập cảng, chợt thấy 1 cái tầu đắm khá gần và song song với cầu cảng nhưng mặt boong và ca bin vẫn nhô lên khỏi mặt nước. Viên đành phải cho tầu cập vào giữa. Thì ra, đó là chiếc tầu "Thống Nhứt - 10" chở đường bị chìm trước khi quân ta làm chủ cảng này ít ngày.

Tàu cập bến, neo chặt chẽ. Phân đội thông tin cùng tất cả trang bị của họ khẩn trương rời tầu lên bờ. Nhiệm vụ tiếp theo của họ làm gì, đi đâu... Hoàng Sinh Viên và các thuyền viên không hề biết. Các anh chỉ biết tàu đã nhẹ hơn rất nhiều.

Tốp máy bay A37 bổ nhào, nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Tình huống khẩn cấp, thật hú vía! - Ảnh 4.

Thuyền trưởng tàu V630 Hoàng Sinh Viên

Chuyển hết hàng xuống thì trời sập tối. Tầu phải nằm lại cảng. Trên cảng lúc này quân giải phóng rất đông nhưng chủ yếu là lính bộ binh. Thuyền trưởng Viên chỉ gặp duy nhất một sĩ quan hải quân vốn trước ở Trung đoàn 126. Tuy vậy, anh hoàn toàn yên tâm.

Trước một thành phố mới giải phóng, anh em thuyền viên rất háo hức được lên thăm. Nghĩ rằng tầu sẽ có một đêm bình yên vui vẻ ở đây nên Hoàng Sinh Viên quyết định chia thuyền bộ thành 2 nửa, anh cho một nửa lên bờ chơi trong vòng 2 tiếng rồi phải về cho nửa kia đi chơi.

Anh em phấn khởi lắm! Bản thân thuyền trưởng thì tranh thủ nghỉ ngơi một chút sau hơn 1 ngày căng thẳng.

Đúng 2 tiếng sau, mặc dù nửa đi chơi trước chưa về tầu song nửa còn lại theo đúng quy định đã tự động lên bờ thực hiện chuyến thám hiểm của mình ở một bến bờ còn đầy xa lạ. Tai hại là lúc họ đi không hề thông báo cho thuyền trưởng.

Đến nửa đêm, các chiến sĩ quân quản xuống tầu thông báo: "Tàu phải rời cảng ngay nhường chỗ cho một đoàn tầu vào bốc hàng!".

Thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên vội kiểm tra quân số. Trên tàu chỉ còn vẻn vẹn 4 chiến sĩ và thuyền trưởng là 5. Theo quy định, với tầu có 4 động cơ như V630 thì với quân số như thế thì không được phép cơ động tầu.

Nhưng không thể nói điều đó với các ông quân quản được! Thuyền trưởng Viên đành phải động viên các chiến sĩ hết sức cố gắng, âm thầm cắn răng rời bến.

Thấy 1 chiếc tàu lớn mới vào và đang thả neo gần đấy, V630 định cập vào nhưng họ không bắt dây và không cho cập mạn. Đó là tầu SÔNG LÔ của Công ty VOSCO đang chở đầy đạn cao xạ 37 ly từ Hải Phòng vào.

Đang bí rì rì thì Hoàng Sinh Viên nhận ra người quen. Đó chính là chính ủy tàu Sông Lô Trần Viết Ký, nguyên là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 172. Mọi chuyện sau đó được giải quyết nhanh chóng. Quá nửa đêm, toàn bộ thuyền viên về tàu không thiếu một ai. Lần thứ hai trong ngày hú vía!

Cảng đích tiếp theo của tàu V630 là cảng Cam Ranh.

(Còn tiếp)

(Nguyễn Khắc Nguyệt ghi theo lời kể của Trung tá Hoàng Sinh Viên, nguyên Thuyền trưởng tàu V630 tháng 4 năm 1975)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại