Nữ giám đốc (giấu tên) này đang làm việc tại một công ty công nghệ ở Tân Trúc, Đài Loan. Cô thường xuyên "cân não" để đưa ra những vụ đầu tư hàng tỷ đô la, việc thường xuyên phải chịu áp lực cao khiến cô thiếu ngủ trầm trọng, điều này dẫn đến hiệu quả công việc kém đi. Trợ lý của cô lo lắng sếp mình bị mắc chứng mất trí nhớ nên đã bắt cô đến gặp bác sĩ.
Sau khi trải qua các xét nghiệm, bác sĩ Chu Bá Hàn, khoa Tâm thần, bệnh viện Đại học Y Trung Quốc cho biết đây là những triệu chứng do làm việc quá sức.
Ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, não không được nghỉ ngơi đầy đủ dẫn đến tình trạng quá tải. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ sản sinh ra cortisol (hormone gây căng thẳng).
Sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống, giấc ngủ của nữ giám đốc này dần được cải thiện, các chức năng của não bộ được phục hồi.
Bác sĩ Chu nói rằng tình trạng làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể "xuống cấp" nhanh chóng.
Tình trạng làm việc quá sức ảnh hưởng như thế nào đến não bộ
Đầu năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa tình trạng làm việc quá sức vào nhóm bệnh quốc tế. WHO định nghĩa kiệt sức là một trạng thái bị gây ra bởi tình trạng căng thẳng kéo dài trong công việc. Những biểu hiện thường thấy là hiệu quả công việc kém, mệt mỏi hoặc chán nản kéo dài, không có tâm trạng làm việc...
Rất nhiều những nghiên cứu trong quá khứ chỉ ra rằng, nếu cứ tiếp diễn tình trạng làm việc vô độ như thế, sức khỏe sẽ dần giảm sút, dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm xuất hiện như đột quỵ tim hoặc đột tử. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây cũng chỉ ra rằng làm việc quá sức cũng khiến não bị teo lại.
Ngoài ra, bác sĩ Chu Bá Hàn còn cho biết thêm khi làm việc quá sức có thể ảnh hưởng đến rất nhiều chức năng của não, chẳng hạn như là:
- Căng thẳng kéo dài làm rối loạn thần kinh tự chủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sự tập trung làm việc vào ban ngày.
- Thời gian làm việc quá dài, não sẽ ở trong môi trường đơn điệu, thiếu sự kích thích dẫn đến làm chậm các phản ứng.
- Khi bị áp lực, nhiều người có thói quen sử dụng thuốc lá và rượu để giảm căng thẳng. Điều này tác động bất lợi lên não, cộng thêm căng thẳng kéo dài, cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol dẫn đến teo não.
Làm việc quá sức ảnh hưởng đến nhiều chức năng của não.
Nghiên cứu tác động của làm việc quá sức lên não
Nghiên cứu của bác sĩ Chu được công bố trong các báo cáo khoa học về "Làm việc quá sức tác động như thế nào đối với chức năng não". Ông đã thử nghiệm trên 68 người và sử dụng máy quang phổ hồng ngoại (FT-NIR) để quét não.
Kết quả cho thấy nếu làm việc quá sức càng lâu, phản ứng của não càng diễn ra chậm, sự chú ý và trí nhớ càng kém. Thùy não trước điều khiển các chức năng bao gồm sự chú ý, kiểm soát bốc đồng, cảm xúc, suy nghĩ logic... cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Những người làm việc quá sức này có trí nhớ kém, trầm cảm, lo lắng, thường xuyên cáu kỉnh và không kiểm soát được hành vi của mình.
Kết quả là những người làm việc quá sức này có trí nhớ kém, trầm cảm, lo lắng, thường xuyên cáu kỉnh và không kiểm soát được hành vi của mình.
Bác sĩ Chu cũng nói thêm rằng thùy não trước trán là bộ phận chỉ huy quan trọng của não. Mặc dù nó phát triển muộn nhất trong não nhưng lại là nơi bị ảnh hưởng nhất bởi căng thẳng và thoái hóa trước tiên.
Bên cạnh nhóm người thường xuyên làm việc cường độ cao, áp lực nhiều trong thời gian dài, nhóm người có tính cách cầu toàn, nhạy bén cũng nằm trong nhóm có nguy cơ.
Phương pháp hạn chế tình trạng làm việc quá sức
Bác sĩ Chu có lời khuyên đối với những người thường xuyên phải làm việc căng thẳng là cần phải điều chỉnh lại lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày. Một số phương pháp cụ thể được cho là có hiệu quả nhất là:
- Cải thiện sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều thực phẩm chứa Tryptophan. Chất này thường có trong yến mạch, chà là khô, sữa chua, pho mát, trứng, cá, đậu xanh, tảo spirulina, chuối, đậu phộng...
- Học cách thư giãn tại nơi làm việc, chẳng hạn như tập hít thở nhiều hơn, tranh thủ nghỉ ngơi khi đầu óc quá căng thẳng.
- Học cách nói không khi thích hợp và tránh làm việc quá tải.
- Vun đắp mối quan hệ bạn bè, để họ cổ vũ, khích lệ giúp tăng nguồn năng lượng.
- Điều chỉnh môi trường làm việc và nội dung công việc phù hợp.
- Giảm bớt những kỳ vọng về công việc không phải chuyên môn của mình.
Theo Ettoday