Nói nước ngọt có hại cho sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng

BBT |

Từ 9h30 đến 11h30 sáng ngày 3/6/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả về chủ đề "Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát".

Từ 9h30 đến 11h30 sáng ngày 3/6/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả về chủ đề "Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát".

PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã tham gia trả lời câu hỏi của độc giả.

BBT: Theo một thống kê, trong năm 2014, mỗi người Việt tiêu thị trung bình 23 lít nước giải khát công nghiệp. Loại đồ uống này ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện lợi và hợp khẩu vị nhiều người.

Tuy nhiên, việc lạm dụng nước giải khát công nghiệp gây ra nhiều nguy cơ, tác hại cho sức khỏe.

Trong nước giải khát công nghiệp có chứa nhiều đường và chất phụ gia, gây ra gánh nặng cho hệ xương, răng, hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa, đẩy bạn đến gần với nhiều loại bệnh tật khó chữa.

Bên cạnh đó, nhiều loại nước giải khát làm giả, kém chất lượng vẫn đang trôi nổi trên thị trường, và tác hại của chúng còn cao hơn gấp nhiều lần.

Mới đây nhất, nhiều lô trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội bị phát hiện có hàm lượng chì vượt mức công bố, cũng là một nguy cơ khôn lường về sức khỏe với người tiêu dùng…

Chính vì thế, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến làm cầu nối với các chuyên gia hàng đầu, nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả xung quanh vấn đề này.

Hỏi: Những người nào không nên uống nước ngọt, những người nào nên hạn chế tối đa có thể? (lymai_...@gmail.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Do nước ngọt chứa nhiều đường đôi, đường đơn, có thể tăng nhanh lượng đường huyết trong cơ thể. Cho nên, những người bị mắc rối loạn chuyển hóa glucose trong máu, những người bị đái tháo đường không nên uống nước ngọt.

Còn người bình thường thì chỉ cần chú ý mức tiêu thụ nước ngọt đúng tiêu chuẩn của WHO. Chúng ta có thể uống ít hơn hoặc không uống, đấy là sở thích và sự lựa chọn của mỗi người.

Tôi muốn lưu ý thêm rằng nếu sử dụng nhiều nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas, sẽ tạo nên một môi trường axit. Môi trường này sẽ tăng đào thải canxi trong nước tiểu.

Trong khi đó, lượng canxi trong khẩu phần ăn của người Việt Nam mới đáp ứng được 50-60 nhu cầu khuyến nghị canxi cho cơ thể mỗi ngày. Lượng canxi ít ỏi đó rất có thể, vì thói quen tiêu thụ nước ngọt quá nhiều, sẽ càng bị ít đi.

Vì vậy, không nên uống quá nhiều nước ngọt, nước ngọt có gas.

Hỏi: Là một người từng khá thường xuyên dùng nước đóng chai C2, cũng như các loại đồ uống có gas trong thời gian dài, hiện tại tôi đang mang thai và tất nhiên cũng không uống nhiều như trước, nhưng bà có thể cho tôi biết rằng điều này có ảnh hưởng tới thai nhi hay không? Và nếu có thì mức nguy hại tới đâu? (Hoàng Hồng - FB)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Nếu nói về vấn đề đang mang thai mà uống nước ngọt có nguy hiểm không thì phải xét ở khía cạnh hàm lượng tiêu thụ. Trong những buổi liên hoan ở công ty hay ăn tiệc đám cưới, nếu thai phụ cũng có uống một chút thì cũng không vấn đề gì lớn.

Tuy nhiên, ở đây chị quan ngại vì uống nước C2. Tôi khuyên chị nên xem lại mình có uống phải những sản phẩm có trong lô vừa bị phát hiện chứa chì vượt mức cho phép hay không. Nếu không thì cũng không nên lo lắng quá, ảnh hưởng tới thai nhi.

Nhưng nếu lỡ uống phải nước C2 chứa chì quá nhiều, đây là một rủi ro không ai mong muốn cả. Và ảnh hưởng như thế nào tới em bé thì còn phụ thuộc vào độ tuổi của thai nhi, lượng tiêu thụ thức uống đó.

Vì thế, nếu quá lo lắng, chị nên đi khám ở các phòng khám chuyên môn để có những chẩn đoán kịp thời ví dụ như kiểm tra lượng chì trong máu, khám sản khoa….

Tôi cũng muốn nói rằng thời kỳ mang thai rất quan trọng và kéo dài, vì vậy, các thai phụ nên lựa chọn thực phẩm cẩn thận, để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Nói nước ngọt có hại cho sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Bạch Mai

Hỏi: Thưa bác sĩ, đối với trẻ em, việc uống nước ngọt có hàm lượng chì vượt mức quy định sẽ gây tổn hại như thế nào? (Hoàng Hoa - Nha Trang)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Không chỉ nước ngọt, mà bất kỳ loại thực phẩm nào chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép đều có hại tới sức khỏe, bởi không phù hợp với tiêu chuẩn ATTP của Việt Nam và của Ủy ban Codex.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chì là kim loại rất độc đối với các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em.Khi nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Vì thế, tại các quốc gia phát triển, việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, xăng…bị cấm hoàn toàn.

Với trẻ em, một cơ thể rất non yếu, chì sẽ gây ra tổn hại rất kinh khủng. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, xương gây nên những tổn thương cho hệ thần kinh, não, đặc biệt là chì thường tập trung ở chất xám và tủy sống. Không những thế, mức hấp thụ chì ở trẻ em thường nhanh và cao hơn người lớn 3-4 lần. Cho nên, hậu quả của việc nhiễm chì ở trẻ em là rất nguy hiểm.

Vì thế, các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi lựa chọn những thực phẩm, trong đó là nước ngọt an toàn, để trẻ có một sức khỏe tốt.

Hỏi: Nếu như bị nhiễm chì do uống nước giải khát nói riêng và ăn uống nói chung, chúng ta nên tăng cường những loại thực phẩm nào để tẩy độc, ngăn chặn quá trình hấp thụ chì vào cơ thể? (hocongthanh@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Thải độc cho cơ thể rất tốt. Hàng ngày, chúng ta có thể sử dụng nước trà xanh (chè tươi), vốn chứa các chất chống oxy hóa, lợi tiểu, giúp thải độc chì hiệu quả.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C như là bưởi, cam, thanh long… và rau như rau ngót, cải bó xôi…

Thực phẩm lên men rất giàu các probiotics như vi khuẩn axit lactic, có khả năng phản ứng với kim loại nặng và tống khứ chúng ra khỏi cơ thể.

Hàng ngày, chúng ta nên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Trung bình, mỗi người, tùy thuộc vào công việc có lao động nặng hay không, uống khoảng 2-2,5l nước, không thì tối thiểu cũng phải 1,5l. Việc uống nước đầy đủ sẽ giúp thải các chất độc, cặn bã nói chung trong cơ thể.

Một mặt, chúng ta thải chì ra ngoài, một mặt, chúng ta cần cung cấp những chất dinh dưỡng để cơ thể bù lại những phần "thiệt hại" do chì gây ra.

Nhiễm chì thường gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể. Việc sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt, vitamin C, B12, axit folic… là rất cần thiết để tạo ra hồng cầu.

Chất sắt có nhiều nhất trong thịt đỏ. Nhưng bạn cũng nên ăn lượng thịt đỏ đúng tiêu chuẩn của WHO, vì thực phẩm này được cho là liên quan đến nguyên nhân gây ra ung thư.

Hỏi: Bác sĩ có thể phân tích mặt tích cực và tiêu cực cho sức khỏe khi thường xuyên uống các loại nước ngọt đang bày bán trên thị trường? (hanghang...@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Hiện nay, nước ngọt là loại đồ uống phổ biến trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thành phần của nước ngọt chủ yếu là đường, bao gồm đường đôi và đường đơn (loại đường cung cấp năng lượng nhanh như glucose, fructose, sucrose, lactose).

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều đường đôi, đường đơn hàng ngày không tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, uống quá nhiều nước ngọt, tức là tiêu thụ quá mức đường đơn đường đôi sẽ có hại.

WHO cho biết mỗi ngày nhu cầu năng lượng của cơ thể chỉ cần dưới 5% đường đôi và đường đơn.

Ví dụ một người trường thành nhu cầu tiêu thụ là 2.000 calo/ngày, 5% tức là 100 calo, quy đổi ra là 25 g đường đơn đường đôi đến từ bánh kẹo, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn khác như tương cà, tương ớt ngọt….

Vậy 1 ngày cơ thể của con người chỉ được phép tiêu thụ 25g đường đôi, đường đơn. Một khi chúng ta tiêu thụ quá mức khuyến cáo này, cơ thể sẽ bị tăng đường huyết rất nhanh.

Nếu có thể đáp ứng được, nó sẽ cất lượng đường này trong cơ thể, dưới dạng chất béo. Tức là sẽ gây đọng mỡ ở vùng eo, là yếu tố gây tăng cân.

Nếu lượng đường ấy vượt ngoài sự điều hòa của cơ thể, chúng ta sẽ gặp phải tình trạng rối loạn dung nạp đường máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa gluco. Đây là dấu hiệu của tiền đái tháo đường.

Một khía cạnh nữa của việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas chính là ảnh hưởng tới răng. Trẻ em thường hay có thói quen ngậm nước ngọt trong miệng, tức là chân răng bị ngâm trong môi trường axit, gây hại cấu trúc răng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt tích cực mà nước ngọt mang lại. Khi chúng ta mệt mỏi, đang khát nước hay hạ đường huyết, uống một chai nước ngọt sẽ mang lại cảm giác thoải mái, cung cấp nước và năng lượng cho cơ thể, tăng đường huyết.

Hỏi: Tôi có 2 cháu nhỏ. Các cháu rất thích uống nước ngọt, nước có ga. Biết là không tốt, nhưng tôi không thể cấm các cháu không được uống. Vậy bà có thể đưa ra lời khuyên nên uống các loại nước này vào thời điểm nào thì ít hại cho cơ thể nhất? (hahongnhung-...@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Nếu nói rằng nước ngọt có hại có sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng. Nó chỉ gây hại do 2 nguyên nhân.

Thứ 1: Loại nước ngọt đó không đảm bảo an toàn, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Cục ATTP. Vì thế, nó mới gây hại tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Nên các bậc phụ huynh phải thông thái khi lựa chọn loại nước ngọt đảm bảo chất lượng, được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Thứ 2: Thói quen sử dụng của chính người tiêu dùng. Người lớn nên kiểm soát lượng tiêu thụ nước ngọt của trẻ. Nếu vượt mức cho phép tiêu thụ 5% lượng đường đôi, đường đơn của cơ thể trong một ngày thì lúc đó nó mới có hại.

Còn nếu bố mẹ kiểm soát được lượng tiêu thụ trong mức quy định này thì vẫn được. Vì nếu nói nước ngọt có hại cho sức khỏe thì không ai dám cấp phép cho thức uống này xuất hiện trên thị trường.

Nên tôi muốn nhấn mạnh rằng nước ngọt không có lợi cho sức khỏe khi phạm 2 điều trên. Nguyên nhân an toàn thực phẩm thì đã có cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm. Nguyên nhân còn lại là phụ thuộc vào chính trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Gia đình cho hỏi nên uống các loại nước này vào thời điểm nào để ít có hại cho cơ thể nhất, tôi xin trả lời rằng không có quy định nên uống trước bữa ăn, trong bữa ăn hay sau bữa ăn. Đó chỉ là một loại nước giải khát uống thêm nhưng không nên lạm dụng quá nhiều.

Tuy nhiên, nên nhớ, nước ngọt có gas thường chứa nhiều axit, các cháu không nên uống khi đói. Nhưng trong trường hợp đó, uống nước ngọt sẽ tăng lượng đường trong cơ thể, sẽ giúp các cháu cảm thấy ít đói hơn.

Nói nước ngọt có hại cho sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng - Ảnh 3.

PGS.TS Lê Bạch Mai trả lời độc giả giao lưu trực tuyến từ nơi bà đang công tác

Hỏi: Cháu tôi hay làm việc đêm, sử dụng nước các loại nước ngọt cảm thấy rất tỉnh táo nhưng lại bị tiêu chảy, liệu đây có phải tác động của chì không thưa TS? (phamthanhminh@gmail.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Đúng là sử dụng nước ngọt trong quá trình làm đêm sẽ giúp đầu óc tỉnh táo hơn. Bởi thành phần chính của nước ngọt là đường. Mà bản thân não lại cần năng lượng có từ chất đạm, chất béo và đường. Thường đường ở đây lại là đường glucose.

Vì thế, khi bạn uống nước ngọt vào ban đêm, đường đôi, đường đơn như sucrose, lactose được chuyển hóa thành đường glucose, khiến bạn rất tỉnh táo.

Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy, bạn cần phải xem lại nguyên nhân tiêu chảy đến từ đâu. Tôi chưa bao giờ nghe nói một chai nước ngọt đúng theo tiêu chuẩn ATVSTP lại gây tiêu chảy. Vì thế, có thể do chai nước của bạn mua uống không đảm bảo ATVSTP.

Trong triệu chứng của ngộ độc chì, ít có biểu hiện tiêu chảy. Nếu bị nhiễm chì sẽ có dấu hiệu rát miệng, nôn, đau bụng, đi ngoài phân đen.

Nếu lần nào bạn cũng bị đi ngoài như vậy, bạn nên xem lại chất lượng chai nước. Còn mỗi dấu hiệu tiêu chảy thì không đủ kết luận là do chì.

Nếu lo lắng quá, bạn nên đi xét nghiệm hàm lượng chì trong máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại