[Nhật ký Blouse trắng] Bác sĩ thiên thần, bác sĩ quái vật

BS Giang Pham (Từ Massachusetts, Mỹ) |

Bệnh tật của người bệnh không chỉ phụ thuộc vào trình độ của bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng mà còn phụ thuộc nhiều vào y đức của họ.

LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!

Ra khỏi phòng hội chẩn, ông anh tôi hết sức choáng váng. Bởi tất cả các giáo sư Pháp và các bác sĩ đều chẩn đoán anh bị thoái hóa khớp háng rất nặng, bác sĩ chỉ định anh phải phẫu thuật thay khớp háng bên phải. Đang tập tễnh ra về với đôi nạng gỗ trên hành lang bệnh viện, chợt anh nhận được một cái vỗ vai. Thì ra là giáo sư Võ Thành Phụng.

Bác sĩ thiên thần

Ông nói nhỏ nhẹ: "Nếu anh muốn không phẫu thuật thì theo tôi".

Anh tôi được giáo sư cho toa thuốc (rẻ tiền thôi), hướng dẫn chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt vợ chồng. Sau hơn một năm, anh hết đau, đứng lên ngồi xuống được thoải mái, đi đứng bình thường không dùng nạng hay gậy gì nữa. Chất lượng điều trị trên cả tuyệt vời!

Một chuyện khác: cháu gái học lớp 5 than đau bụng hoài, mẹ cháu lo lắng hỏi tôi. Xem qua, tôi nói rằng chẳng sao cả, cho cháu ăn chế độ nhiều chất xơ, uống nhiều nước và nhớ là cho cháu thoải mái… vui chơi với các bạn.

Một tháng sau gặp lại tôi, chị cười: "Em cũng hay đấy, sau khi nghe em nói cháu vẫn còn đau, chị đưa cháu đến phòng mạch giáo sư Lương Phán khám kiểm tra...". Rồi thầy cho thuốc gì vậy?"- tôi tò mò hỏi cắt ngang vì cảm giác bà này nói xỏ mình.

"Không, bác sĩ nói rằng cháu đau bụng tâm lý học trò, chỉ nói chuyện với con gái chị 5 phút, không toa điều trị gì cả. cháu hết đau bụng từ hai tuần nay".

[Nhật ký Blouse trắng] Bác sĩ thiên thần, bác sĩ quái vật - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thầy Lương Phán tôi có nghe tên mà chưa một lần gặp mặt trực tiếp. Bà chị nói rằng ông rất nhân từ, khám chữa bệnh lấy tiền rẻ bèo (nửa tô phở hồi đó), toa thuốc toàn thuốc nội nên cũng rẻ luôn. Nên chị và rất nhiều người bám lấy nhờ đến ông vì ông quá mát tay, cho thuốc là hết bệnh.

Khi viết bài này, dò trên mạng tìm tên thầy, tôi được biết bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng từng được ông cho toa… ăn ổ bánh mì buổi sáng để trị đau bao tử. Trong cái thời buổi người ta vật vã vì đồng tiền, có nhiều người bậc thầy bác sĩ y khoa mát tay và nhân hậu. Chất lượng chẩn đoán và điều trị của họ trên cả tuyệt vời.

Và những bác sĩ quái vật

Ngược lại, năm 2015, tay bác sĩ Farid Fata ở bang Michigan nhận án 45 năm tù vì tội lừa dối đẩy 553 bệnh nhân không ung thư thành bệnh nhân ung thư, để lấy 17,6 triệu dollars từ các hãng bảo hiểm. Tòa nhận định với tay bác sĩ này thì "patients were not people. They were profit centers" (bệnh nhân không phải là người, họ chỉ là những cỗ máy đẻ ra lợi nhuận).

Tội nghiệp những người bệnh, họ bị đầu độc bởi hóa trị, lãnh nguy hiểm của việc chiếu xạ, tra tấn về mặt tinh thần vì lo sợ căn bệnh, điêu đứng về mặt đời sống tình cảm cũng như kinh tế gia đình. Có ông còn bị cắt béng mất hai viên ngọc quý giá một cách oan uổng.

Cay đắng! Nhưng y khoa là thế đấy. Thuốc men và phương tiện điều trị hiện đại, chính xác, đắt tiền sẽ chỉ trở thành phương tiện hại người nếu chẩn đoán hữu ý hay vô tình sai đi. Khi đó, chất lượng điều trị là âm vô cực.

Điếc không sợ súng, nhưng nhiều khi biết sợ súng tránh được tai họa. Người bác sĩ "điếc" khi học hành không được đến nơi đến chốn, càng ít học hỏi nghiên cứu thì "điếc" càng nặng.

Khi "điếc" người ta không biết được những khâu nào, giai đoạn nào của quá trình điều trị là có nguy cơ nguy hiểm cao, cần cảnh giác thận trọng để phòng tránh nguy cơ ấy. Từ đó dẫn đến, bác sĩ "điếc" chủ quan dại dột hành động vô nguyên tắc, quy trình điều trị bị phá vỡ.

[Nhật ký Blouse trắng] Bác sĩ thiên thần, bác sĩ quái vật - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sang Mỹ, khi tôi học về Dược, bài đầu tiên được đọc là sự cố anh dược sĩ bị án 35 năm tù, đền bù tiền khám, tước bằng dược sĩ vì cung cấp thuốc sai liều làm tử vong bệnh nhi. Kỹ thuật viên dược dưới quyền dược sĩ - người trực tiếp pha chế thuốc bị tước bằng và đuổi việc.

Năm 2012, tôi đang làm trong bệnh viện thì được biết cái công ty dược mà mình tính xin việc từ hồi mới qua Mỹ đã gây tai họa. Hãng dược này đã bán Methylprednisolone cho hơn 20 bang của nước Mỹ.

Trong đó có lô thuốc bị nhiễm nấm làm bệnh nhân bị viêm màng não, khiến 64 bệnh nhân thiệt mạng. CNN đưa tin "The Massachusetts Department of Public Health, working with the Food and Drug Administration, reported that it had "identified serious deficiencies and significant violations of pharmacy law and regulations that clearly placed the public’s health at risk."

(Cơ quan Y tế Công cộng Massachusetts, làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thông báo rằng họ đã "xác định được những thiếu sót nghiêm trọng và những vi phạm đáng kể về luật dược và các quy định gây nguy cơ cao cho sức khỏe cộng đồng). Tòa cũng nhận định hãng dược này đã đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của bệnh nhân.

Làm việc trong khoa dược mới thấy những tham vấn quý giá của dược sĩ giúp bác sĩ có được những chỉ định điều trị đúng đắn.

Điều dưỡng giỏi là cánh tay phải của bác sĩ

Không chỉ bác sĩ và dược sĩ, người điều dưỡng cũng giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định điều trị.

Cuối năm 1988, tôi mới ra trường được một năm, một đêm trực được cô điều dưỡng gọi điện thoại thỏ thẻ báo tin: "Thầy ơi, em lỡ chích ven thuốc bổ ống cho bệnh nhân rồi, có sao không?"

Tôi chết điếng, quăng điện thoại, tông cửa phòng trực phóng lên khoa phòng. Vừa thấy cô y tá tôi lập tức yêu cầu: "Nạp sẵn 1 ống Adrenalin và Hydrocorntisone vào ống chích cho tôi. Bệnh nhân phòng nào?"

[Nhật ký Blouse trắng] Bác sĩ thiên thần, bác sĩ quái vật - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

May mắn là bệnh nhân không bị làm sao, nằm tỉnh bơ. Nhưng tôi đã phải ngồi bên cạnh bệnh nhân nhiều tiếng đồng hồ trong hồi hộp để canh chừng.

Việc người điều dưỡng làm sai chỉ định của bác sĩ gây hại cho bệnh nhân tôi đã thấy không ít trong 20 năm làm việc của mình. Chỉ định truyền Hepa - Moriamin thì truyền Moriamin khiến cho bệnh nhân hôn mê.

Chỉ định chích ven lại chích bắp làm bệnh nhân bị hoại tử cơ… Lại có người điều dưỡng chế đồ giả đánh tráo lấy đồ thật của bệnh viện mang về mở "phòng mạch" điều trị lang băm. Nói chung, đủ thứ chuyện đã xảy ra.

Người bác sĩ có phụ tá là điều dưỡng giỏi thì tuyệt vời. Chất lượng điều trị được tin tưởng nâng cao thấy rõ, tôi có rất nhiều câu chuyện về khía cạnh này.

Bệnh nhân, cần nhất là hợp tác với bác sĩ

Sự hợp tác của bệnh nhân là một mấu chốt quan trọng quyết định hiệu quả điều trị.

Tôi nhớ trường hợp một chị bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIB. Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con rồi chuyển sang khoa tôi với nhận xét "khi mổ thấy bướu lan đến vách chậu".

Tôi đã xạ trị cho chị với phác đồ đặc biệt và chỉ dẫn cách sống cho phù hợp. Chị theo đuổi điều trị rất tích cực, kết quả là chị khỏi bệnh hoàn toàn cho đến nay. Cháu trai sinh mổ lúc đó giờ đã hơn 20 tuổi.

Cũng gần thời gian ấy, tôi có người quen bị ung thư IIB đang chiếu xạ dở chừng, bướu đáp ứng điều trị rất tốt thì bà biến mất. Bởi bà có tiền, bà bỏ xạ trị theo lời dụ dỗ dân buôn để uống sừng tê giác mua với giá 7 lượng vàng. Đến khi bệnh trở nặng phải quay lại thì không chữa được nữa. Sau khi bà mất, ba người con gái đã thắt cổ tự tử, làm rúng động báo chí một thời.

Năm 2007, bà chị mà tôi tham gia điều trị ung thư tuyến giáp đã hơn 15 năm đến bệnh viện gặp tôi và mếu máo "Có lẽ anh Tư sẽ chết mất em ơi". Anh Tư chồng chị bị lỵ amíp (amoeba) nặng. Bệnh viện A bắn sang bệnh viện B vì "chúng tôi đã dùng mọi thứ thuốc tốt nhất rồi, hãy sang bệnh viện B thử xem sao vì bên ấy có các thầy về y khoa".

Anh bị amoeba đầy cả ruột già, cứ ăn vào là đau quặn ruột kinh khủng. Từ 65 kg anh chỉ còn 37 kg, da bọc xương, mắt mờ, đi đứng không nổi nữa. Các thầy bên bệnh viện B cũng chuẩn bị tinh thần cho người nhà là anh sẽ mất vì bệnh kháng thuốc mạnh quá.

[Nhật ký Blouse trắng] Bác sĩ thiên thần, bác sĩ quái vật - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Tôi nói, tôi nhớ khi còn nhỏ đã được điều trị kiết lỵ bằng trứng gà, lá mơ gói lá chuối nướng, giờ hết đường rồi chị hãy thử xem sao.

Ngày thứ nhất, chị hấp trứng lá mơ (như làm món mắm trứng vậy), anh ăn vào đau dữ dội. Anh nói không được rồi, phải làm theo đúng lời bác sĩ chỉ. Ngày hôm sau, chị mua bếp than và nướng với lá chuối.

Anh ăn êm liền, lần đầu tiên sau mấy tháng trời ăn được một thứ không gây đau. Thế là anh chị giấu nhẹm thuốc bệnh viện, chỉ ăn bài thuốc tôi chỉ. Năm ngày sau họ xin xuất viện và anh khỏi bệnh cho đến nay.

Hầu hết bệnh nhân không hợp tác với bác sĩ điều trị nhưng không được như anh Tư. Là bác sĩ ung thư, tôi chứng kiến nhiều người đến bệnh viện ung bướu bỏ viện theo tin đồn rồi chết thảm bởi chùa nọ, chùa kia, vườn lạ, thần y, thầy bùa ngải, ông này bà nọ với đủ các thứ thuốc nhảm nhí: sừng tê giác, mật gấu, thuốc rắn, lá đu đủ, sâm, nấm, tam thất….

Có câu chuyện anh chồng là kỹ sư bên Mỹ này, tự tin vốn tiếng Anh của mình hơi bị quá. Không thèm nhờ phiên dịch, tự nghe chỉ dẫn của bác sĩ rồi nói lại cho vợ mình. Kết quả là việc chuẩn bị cho cuộc điều trị đã bị sai hoàn toàn. Ngày đưa bệnh nhân đến theo hẹn, bệnh viện đã chuẩn bị phòng ốc phương tiện và ê kip điều trị sẵn sàng mà phải hủy bỏ.

Còn đối với các bệnh nhi, sự hiểu biết và hợp tác của bố mẹ là hoàn toàn quan trọng cho công việc điều trị bệnh con mình.

Khi có bác sĩ mát tay, dược sĩ hay, điều dưỡng giỏi, thuốc tốt nhưng bệnh nhân không chịu nhận điều trị thì cũng như không. Hoặc họ hợp tác chệch choạc với ê kip điều trị thì chất lượng điều trị cũng không đảm bảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại