Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 32:
• 133 cơ sở sản xuất bánh trung thu ở HN không đảm bảo ATTP
• Khay ăn của học sinh có giòi!
• Bệnh nhân truyền tai nhau nhai cua sống chữa ung thư, bác sĩ hãi hùng cảnh báo
• Rượu tự nấu hết thời tung hoành!
• Con số đáng sợ về trẻ mắc kháng kháng sinh
133 cơ sở sản xuất bánh trung thu ở HN không đảm bảo ATTP
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc kiểm tra an toàn thực phẩm mặt hàng bánh Trung thu đã được triển khai cách đây 2 tháng. Dưới đây là những con số biết nói về tình trạng sản xuất bánh Trung thu tại Hà Nội.
Minh chứng cho con số 133 cơ sở sản xuất bánh Trung thu không đảm bảo ATTP là hàng loạt vụ việc xử phạt, thực trạng sản xuất bánh Trung thu mất vệ sinh trong tuần qua:
In tăng hạn dùng bánh trung thu lên 15 ngày, cơ sở sản xuất bánh bị "sờ gáy". Ngày 20/9 vừa qua, một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Thanh Trì, Hà Nội vừa bị "sờ gáy" vì tự ý in tăng hạn sử dụng bánh nướng lên 15 ngày và bánh dẻo lên 10 ngày. Đoàn cũng phát hiện các loại bao bì (khay nhựa) đựng bánh không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. (Đọc tin chính)
Thâm nhập làng bánh trung thu: Phát hiện sự thật sốc về bánh siêu rẻ. Tại một làng sản xuất bánh trung thu mà phóng viên thâm nhập, các cơ sở sản xuất bánh ở đây luôn cảnh giác với người lạ, một loại bột bánh không rõ nguồn gốc bị phát hiện và nhiều sự thật sốc khác được tìm ra. (Đọc tin chính)
Bột làm bánh trung thu bu đầy kiến đen. (Ảnh: Báo Phụ Nữ)
Tạm đình chỉ cơ sở sản xuất bánh trung thu làm từ bột có kiến bu và dụng cụ cáu bẩn. Tại cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh trung thu của công ty TNHH Nhọ Nồi (HN), chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan, khu vực sản xuất mất vệ sinh, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để lẫn với thành phẩm, trên sản phẩm không ghi tên cơ sở sản xuất... (Đọc tin chính)
Bánh trung thu handmade: Làm từ nguyên liệu để rất lâu không lo hỏng? Bánh trung thu handmade được bán khá đắt trên thị trường, nhưng những loại bánh này hoàn toàn có thể được làm từ những nguyên liệu hàng Trung Quốc, không nhãn mác, để được rất lâu không lo hỏng. (Đọc tin chính)
Cảnh báo đáng sợ cho các tín đồ bánh trung thu handmade. Nguyên liệu làm bánh đóng gói sẵn được bán khắp chợ, liệu có chắc rằng, những chiếc bánh trung thu tự tay làm kia sạch hơn bánh mua sẵn? (Đọc tin chính)
Hết thịt chảy mủ, rau tuồn vào trường học có giòi... lại đến khay ăn của học sinh có giòi!
Dư luận vẫn chưa hết hoang mang vì vụ việc cả ổ mủ chảy ra từ miếng thịt cung cấp cho trường học (xem thêm tin), hay vụ bắt quả tang xe thực phẩm có dòi đang được đưa vào trường phục vụ học sinh tiểu học (xem thêm tin).
Mới đây, trên mạng xã hội lại có thông tin phản ánh về việc trong bữa trưa ngày 12/9 của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) xuất hiện giòi trong hai khay đựng thức ăn.
Ngay sau đó, một nhóm phụ huynh đã lên gặp đại diện nhà trường để làm rõ sự việc. Bà Lê Thị Mai, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám xác nhận có diễn ra sự việc như vậy.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng gồm Cục An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế quận Ba Đình, công an… đã đến trường để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra.
Trường tiểu học nơi xảy ra vụ việc
Được biết, trước đó, ngày 17/9, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (TP Hà Nội) cũng cho biết đơn vị đã nhận được thông tin và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xác minh sự việc.
Báo cáo ban đầu từ Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám xác nhận trong khay đựng thức ăn tại bữa cơm trưa của các em học sinh lớp 3 đúng là có giòi. Nguyên nhân là do sau bữa ăn trưa ngày thứ sáu, nhân viên phục vụ rửa bát không sạch sẽ để qua hai ngày cuối tuần. (Đọc tin chính)
Bệnh nhân truyền tai nhau NHAI CUA SỐNG chữa ung thư, bác sĩ hãi hùng cảnh báo
Trên mạng xã hội, ở các diễn đàn hay các trang cá nhân, việc "ăn cua sống chữa ung thư" được mọi người mách nhau. Trong một diễn đàn phòng chống ung thư, một người dùng facebook có tên H.N hỏi: "Cả nhà đã ai nhai cua sống chữa ung thư chưa, và cách làm thế nào ạ? Mình đang đau khớp gối thì uống bao lâu có kết quả vậy?".
Ở nhiều diễn đàn khác, chia sẻ về cách chữa ung thư bằng nhai cua sống cũng được nhiều người hưởng ứng.
Trên báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Bệnh viện K Trung ương) khẳng định nhai cua sống không có tác dụng gì trong chữa bệnh, đặc biệt là trong chữa ung thư. Nếu nhai cua sống thì mọi người đã đưa ký sinh trùng, vi sinh vật, vi khuẩn vào người, dễ dẫn đến tiêu chảy, hoặc các bệnh khác có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. (Đọc tin chính)
Cũng trên báo Sức khỏe và Đời sống, thầy thuốc ưu tú, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Trong cua sống có một số loại vi khuẩn. Nếu ăn cua sống có nguy cơ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn.
Đặc biệt, cua suối ở một số vùng núi, nhất là ở Sìn Hồ - Lai Châu có chứa ấu trùng sán lá phổi, ăn sống hoặc chín chưa kỹ sẽ bị bệnh sán lá phổi. (Đọc tin chính)
Trên báo điện tử Infonet, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, cua đồng (điền giải) là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. (Đọc tin chính)
Tuy nhiên, việc sử dụng cua đồng sống để ăn rất nguy hiểm có thể mắc các bệnh tiêu chảy ngay hoặc nhiễm các loại ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá phổi. Sở dĩ như vậy vì trong cua đồng chứa rất nhiều sán, nếu nấu không đủ độ chín thì sán vẫn còn. Người có thể trạng kém như ung thư mắc sán hay tiêu chảy thì sẽ càng nguy hiểm.
Rượu tự nấu hết thời tung hoành!
Mới đây, tại Nghị định 105/2017 mà Chính phủ ban hành nêu rõ, việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại nghị định này.
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công, để bán cho những doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại, phải đăng ký với UBND cấp xã.
Như vậy, theo Nghị định số 105, muốn sản xuất rượu thủ công phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Theo Nghị định 105, Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên và giấy phép phân phối rượu. Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 3 triệu lít/năm và giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế & Hạ tầng thuộc UBND Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ rượu và giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn.
Con số đáng sợ về trẻ mắc kháng kháng sinh
Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang trở thành mối thảm hoạ. Các chuyên gia y tế đều lên tiếng cảnh báo nếu không bắt đầu hành động thì mai sau không còn thuốc để chữa bệnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có từ 3.000 – 4.000 bệnh nhi đến khám và trong đó có khoảng 1.700 cháu bé được điều trị nội trú nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện khó tránh khỏi.
Trong khi đó, PGS Điển cho biết thêm khi sàng lọc cấy phân thì có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương
Hiện nay, PGS Điển cho rằng việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, cần sự hội chẩn từ cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn để có phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các em bé.
Để việc phòng chống kháng kháng sinh, PGS Điển cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của 1 số loại vi khuẩn. Báo động tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng.
Theo ông Kính, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.