Nguy hiểm người đàn ông bị rắn độc cắn khi đang ngủ

Ngân Hà |

Các bác sĩ BV Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân nam đang nằm ngủ trên nền nhà bị rắn độc cắn.

Theo lời kể của người bệnh, vào khoảng 23h30 ngày 24/7, trong khi đang ngủ dưới sàn nhà thì bệnh nhân thấy vật gì đó trườn qua người, ngay sau đó người bệnh soi đèn và bắt được một con rắn cạp nia dài khoảng 20 cm. Kiểm tra cơ thể không thấy vết rắn cắn, người bệnh đi ngủ tiếp. Sau 2 tiếng người bệnh có cảm giác đau mỏi người, nặng mí, sưng phù mặt, cứng hàm, nói khó… Người nhà vội vàng đưa người bệnh đến viện.

Tại Bệnh viện người bệnh được thăm khám toàn trạng, khai thác tiền sử bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết và được nhập viện khoa Hồi sức tích cực Nội theo dõi tình trạng rắn độc cắn. Người bệnh được đặt ống thở máy, điều trị tích cực… Sau 4 ngày điều trị, sức khoẻ người bệnh cải thiện. Người bệnh tự thở được, đã được rút ống thở và chuyển chuyên khoa tiếp tục điều trị. Hiện sức khỏe người bệnh tiến triển ổn định và dự kiến được xuất viện vào tuần tới.

Nguy hiểm người đàn ông bị rắn độc cắn khi đang ngủ - Ảnh 1.

Bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ và sắp được xuất viện

Các bác sĩ cũng cho biết, rắn cắn là một trong những tai nạn xảy ra nhiều từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm (mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc)... Theo đó, bác sĩ khuyến cáo: Tại nơi cư trú, người dân cần dọn dẹp, phát quang bụi rậm, thường xuyên kiểm tra nhà cửa. Cần cảnh giác với rắn, đặc biệt là các loại rắn độc trong mùa mưa lũ, mùa gặt và ban đêm, nếu đi ban đêm cần có đèn soi. Cần mắc màn khi ngủ, không ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ẩm thấp. Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần…

Xử trí khi bị rắn cắn:

Đầu tiên cần động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân chạy nhảy, đi lại làm nọc phát tán nhanh (nhất là trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm).

Băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch. Có thể dùng miệng hút máu vết cắn nhổ đi nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì lại không được dùng miệng hút).

Tiếp đến nên nặn, rửa vết rắn cắn dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc.

Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại