Người đàn ông Phú Thọ nhập viện cấp cứu vì đột quỵ: Bác sĩ chỉ ra "thủ phạm" là thứ chưa từng thấy

Ngọc Minh |

Người đàn ông 60 tuổi tại Phú Thọ nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán đột quỵ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân là 1 thứ dài 10cm trong mạch máu não.

Nhập viện cấp cứu vì đột quỵ

Sáng ngày 28/8, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp bệnh nhân L.V.C (60 tuổi, tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng rất chậm, kích thích nhiều. Bệnh nhân bị liệt hoàn toàn nửa người bên trái.

Theo lời kể từ gia đình, khoảng 5 giờ sáng, khi ngủ dậy, người nhà đã phát hiện người bệnh không cử động được nửa người bên trái, miệng nói không rõ tiếng. Người nhà đã nhanh chóng chuyển người bệnh tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Sau khi vào viện, người bệnh được thăm khám ban đầu và chỉ định chụp CT có dựng mạch máu não cấp cứu. Kết quả cho thấy động mạch não giữa bên phải bị tắc.

Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não không rõ thời điểm. Vùng não tổn thương vẫn có thể cứu được nếu can thiệp cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức, người bệnh đã được chỉ định can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông) ra khỏi mạch não dựa trên hệ thống chụp DSA số hóa xóa nền.

Sau khoảng 40 phút can thiệp, dù gặp khó khăn do mạch máu của người bệnh bất thường, đoạn tắc dài có nguy cơ đứt từng đoạn gây nhồi máu những chỗ khác. Kết quả, ca can thiệp đã thành công.

Các bác sĩ đã lấy cục máu đông dài gần 10cm, giống như "con giun" ra khỏi mạch máu, giúp tái thông lại mạch máu não cho người bệnh.

Cục máu dài 10cm như "con giun" được khỏi mạch não của người đàn ông đột quỵ- Ảnh 1.

Sợi huyết khối được bác sĩ lấy ra từ mạch máu não của bệnh nhân. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Sau can thiệp, người bệnh được tái thông mạch não hoàn toàn, nhận thức tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng cơ lực từ liệt đã cải thiện nhiều. Ngày thứ 2 sau can thiệp, người bệnh đã nói rõ, cử động tay chân tốt, đi lại được.

Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi điều trị nội khoa, phục hồi chức năng vận động và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Anh Minh – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: "Đây là cục máu đông dài nhất và là điều chưa từng thấy với các bác sĩ can thiệp của Trung tâm Đột quỵ".

Khi người bệnh nhập viện, qua đánh giá lâm sàng và hình ảnh trên phim chụp, các bác sĩ đã có những quyết định phù hợp và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất để đem lại kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Bác sĩ Anh Minh nhận định, với trường hợp này, người bệnh có lẽ mới bị đột quỵ trong những giờ đầu. Bệnh nhân được phát hiện và đi viện ngay nên đã can thiệp lấy huyết khối thành công, giúp cho người bệnh phục hồi nhanh chóng.

Cục máu dài 10cm như "con giun" được khỏi mạch não của người đàn ông đột quỵ- Ảnh 2.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Để nhận biết đột quỵ, mọi người có thể dựa vào dấu hiệu FAST, cụ thể như sau:

F (Face): Một bên khuôn mặt bị méo mó, trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

A (Arms): Người bệnh không thể giơ cả hai cánh tay cao qua khỏi đầu hoặc khi giơ tay có một cánh tay không thể nâng lên hoặc bị rơi xuống là một trong những dấu hiệu đột quỵ phổ biến.

S (Speech): Lời nói – Người có dấu hiệu đột quỵ thường khó phát âm một câu đơn giản. Người bệnh có thể nói lắp, khó hiểu hoặc không thể nói gì cả.

T (Time): Thời gian – Nếu nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu và đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại