Nội dung chính
- Đi khám sức khỏe định kỳ, người đàn ông ở Hà Nội phát hiện sán "đóng kén" tại gan gây áp xe gan.
- Dấu hiệu mắc sán lá gan.
- Cách phòng ngừa sán lá gan.
Trong lần đi khám sức khỏe định kỳ gần nhất, ông N.Đ.Nh (74 tuổi, sống tại Yên Hòa, Hà Nội) được bác sĩ thông báo gan bị tổn thương với nhiều ổ áp xe lớn. Để tìm nguyên nhân áp xe gan, bác sĩ đã yêu cầu ông Nh khám sức khỏe chuyên sâu.
Khi nghe thông tin từ bác sĩ, ông Nh đã rất bất ngờ. Ông cho biết, ở lần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng trước đó, các kết quả về gan của ông đều tốt. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, ông cảm thấy mệt trong người, ăn uống kém, khó ngủ. Nghĩ các dấu hiệu này chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên ông Nh đã không đi khám. Ông muốn đợi tới đợt đi khám sức khỏe định kỳ sau sẽ hỏi bác sĩ luôn về các dấu hiệu đó.
"Vợ tôi giục tôi đi khám nhưng tôi cố đợi tới đợt khám sức khỏe định kỳ sau. Ai ngờ đến khi đi khám và siêu âm, bác sĩ nói gan của tôi có nhiều ổ áp xe. Sau khi chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện tổn thương trong gan tôi có nguyên nhân do sán lá gan. Tôi được bác sĩ chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để tiếp tục điều trị", ông Nh nói.
Theo ông Nh, khi vào Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị, bác sĩ có hỏi ông có hay ăn đồ sống không. "Tôi không nghĩ ăn đồ sống có thể ảnh hưởng tới gan. Do vậy, tôi có ăn rau diếp cá, rau ngổ, tiết canh. Tôi không nghĩ những món ăn này có thể khiến tôi bị nhiễm sán lá gan", ông Nh chia sẻ. Ông Nh cho biết, trước đó ông chưa từng biết tới căn bệnh sán lá gan.
Khi được bác sĩ giải thích nguyên nhân mắc bệnh của ông đến từ thói quen ăn uống, ông Nh nói:"Giờ tôi sợ rồi, cả nhà tôi cũng vậy, không còn dám ăn rau sống hay tiết canh nữa".
Nguồn lây nhiễm sán lá gan
Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh nhân Nh được chẩn đoán nhiễm sán lá gan lớn với các triệu chứng trước đó rất mờ nhạt. Sau hơn 20 ngày điều trị tại viện, bệnh nhân đã được xuất viện, theo dõi sức khỏe tại nhà và tái khám theo lịch hẹn.
Bác sĩ Hách cũng cho hay, mọi người có nguy cơ nhiễm sán lá gan khi ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
Theo bác sĩ Hách, triệu chứng nhiễm sán lá gan sẽ tùy theo mức độ và thời gian nhiễm. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng nhưng đi khám sức khỏe định kỳ lại tình cờ biết có tổn thương tại gan do sán lá gan. Trường hợp của bệnh nhân Nh là ví dụ điển hình khi ông có các triệu chứng rất mờ nhạt.
Khi sán ký sinh tại gan sẽ gây ra những triệu chứng như:
- Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức; tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.
- Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa.
- Một số trường hợp sán lá gan lớn gây áp xe gan khiến bệnh nhân đau hạ sườn phải dữ dội, sốt, gan to. Nếu khối áp xe vỡ có thể gây tràn dịch màng phổi, bệnh cảnh nặng nề.
- Một số trường hợp sán ký sinh lạc chỗ như ở phổi, dưới da ngực có thể gây ra các triệu chứng ở các cơ quan này.
Bác sĩ Hách cũng lưu ý, triệu chứng của bệnh sán lá gan có biểu hiện giống với các bệnh lý khác ở gan như: viêm gan virus, viêm đường mật do sỏi, ung thư gan hay áp xe gan do các nguyên nhân khác... Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám kỹ để được điều trị thích hợp.
Người nghi ngờ mắc sán lá gan cần phải tới các cơ sở chuyên khoa để được khám, xét nghiệm và chẩn đoán.
Ngoài ra, để phòng ngừa sán lá gan, bác sĩ Hách khuyến cáo người dân cần:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi: đặc biệt không ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước.
- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải.
- Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau.
- Sử dụng nước sạch để ăn uống.
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.