Ăn hải sản sống, 55 người nhiễm sán lá gan: Nguy hiểm nhưng khó bỏ?

Thanh Thanh |

Theo lãnh đạo địa phương, việc tuyên truyền chỉ có thể giúp người dân hạn chế việc ăn hải sản sống bởi đây là thói quen nên rất khó bỏ.

Ăn hải sản sống, 55 người nhiễm sán lá gan: Nguy hiểm nhưng khó bỏ? - Ảnh 1.

Mới đây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã có kết quả điều tra phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp do cơ quan này thực hiện đối với 400 người dân trong độ tuổi từ 2-65 tại xã Liên Vị và Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Kết quả cho hay đã có 55 người dân xã Liên Vị bị nhiễm sán lá gan nhỏ.

Nhóm tuổi mắc cao nhất là 30 - 65 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân xã Liên Vị có thói quen ăn hải sản sống (gỏi cá, tôm,…).

200 trường hợp tham gia điều tra ở xã Sông Khoai không có trường hợp nào nhiễm sán.

Ngoài 55 trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ tại xã Liên Vị, CDC Quảng Ninh cho biết theo kết quả xét nghiệm tìm các loại trứng giun sán thực hiện trên 400 người tại 2 xã trên, phát hiện 32 người nhiễm giun, chiếm tỷ lệ 8%, chủ yếu là giun tóc, giun đũa.

Chia sẻ thêm về những trường hợp trên, Ông Nguyễn Thành Chiến - Chủ tịch UBND xã Liên Vị cho biết, sau khi có kết quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh sẽ điều trị cho người nhiễm sán lá gan tại chỗ.

Địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và cảnh báo người dân hạn chế thói quen ăn sống.

Ăn hải sản sống, 55 người nhiễm sán lá gan: Nguy hiểm nhưng khó bỏ? - Ảnh 2.

"Thực ra ăn gỏi là sở thích và thói quen của người dân Liên vị từ trước đến nay. Mặc dù kết quả phát hiện nhiều người nhiễm sán lá gan như vậy, tuy nhiên người dân chưa có sự cảnh giác cao, thậm chí vẫn ăn gỏi cá, tôm như bình thường.

Thời gian trước đây, có thể người dân không để ý và cũng có biểu hiện bất thường nên không phát hiện ra bản thân bị nhiễm sán lá gan. Sau khi CDC của tỉnh Quảng Ninh tiến hành xét nghiệm trên địa bàn mới phát hiện nhiều trường hợp bị nhiễm như vậy.

Hiện các ban ngành địa phương đã phối hợp và tuyên truyền để người dân đảm bảo vệ sinh, đồng thời ăn chín uống sôi. Đặc biệt không nên ăn hải sản sống và chưa được chế biến".

Theo vị lãnh đạo xã Liên Vị, ngoài việc tuyên truyền qua loa phát thanh của xã, ban ngành địa phương còn đến từng hộ gia đình để phổ biến cho người dân họ biết.

Tuy nhiên việc này chỉ có thể hạn chế người dân ăn gỏi sống chứ không cấm tuyệt đối được bởi đây là thói quen từ trước đến nay.

Được biết sán lá gan là một bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao, nguy cơ gây tử vong lớn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Chính vì vậy, người bệnh nên sớm từ bỏ sở thích ăn đồ sống, đồ tái và luôn phải để ý các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc sán lá gan để được điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm sán lá gan, mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Luôn ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ thực phẩm trước khi chế biến;

Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng cần rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng diệt khuẩn;

Không phóng uế bừa bãi;

Quản lý tốt và dọn dẹp sạch sẽ phân chuồng của thú cưng,vật nuôi trong nhà;

Tránh ăn các loại rau sống mọc dưới nước, rau mọc hoang dại mà không rửa lại kỹ;

Nếu gia đình chăn thả gia súc, gia cầm thì nên tách biệt ra khỏi khu vực trồng rau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại