Nghiên cứu mới: Những người thường xuyên ngủ kiểu này có nguy cơ đột quỵ cao hơn 24%

Mei |

Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng những người thường xuyên ngủ trưa có nguy cơ cao bị cao huyết áp và đột quỵ.

“Bản thân việc ngủ trưa không gây hại, nhưng có rất nhiều người ngủ trưa gặp phải tình trạng ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Giấc ngủ vào ban đêm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Nếu ban đêm ngủ không ngon giấc, sức khỏe sẽ dần yếu hơn và giấc ngủ ngắn như ngủ trưa chắc chắn không thể nào bù đắp được", chuyên gia tâm lý học Michael Grandner, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giấc ngủ và Sức khoẻ, Đại học Arizona, cho hay.

Ngủ trưa quá lâu gây hại cho sức khoẻ

Nghiên cứu cho thấy những người có thói quen ngủ trưa thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 12% và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 24% so với những người không ngủ trưa.

Nghiên cứu mới: Những người thường xuyên ngủ kiểu này có nguy cơ đột quỵ cao hơn 24% - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Những người ngủ trưa quá lâu có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 12% và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 24% so với những người không ngủ trưa.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension, một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng nếu một người dưới 60 tuổi ngủ trưa hầu hết các ngày trong tuần sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên 20% so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi ngủ trưa. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gần đây cũng đã bổ sung thời gian ngủ là một trong tám thước đo cần thiết để đánh giá sức khỏe của tim và não.

Kết quả của nghiên cứu trên vẫn đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã loại trừ những người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, chẳng hạn như những người vốn mắc sẵn bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao, cholesterol trong máu cao, những người bị rối loạn giấc ngủ và những người thường xuyên phải làm ca đêm.

Tiến sĩ Phyllis Zee, Giám đốc Trung tâm y học về Giấc ngủ và Mạch máu tại Trường Y Feinberg (thuộc Đại học Northwestern, Chicago, Mỹ), cho biết: “Kết quả của nghiên cứu chứng minh rằng ngủ trưa nhiều hơn làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và đột quỵ sau khi đã xem xét và loại trừ các biến số có liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ”.

"Từ quan điểm lâm sàng, tôi nghĩ rằng nghiên cứu đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chú ý hơn đến việc thăm hỏi bệnh nhân về thời lượng giấc ngủ trưa và tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, từ đó đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch", tiến sĩ Phyllis Zee cho biết.

Ngủ trưa bao lâu thì tốt cho sức khỏe?

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 360.000 người tham gia. Những người này đã cung cấp thông tin về thói quen ngủ trưa của mình cho Ngân hàng Sinh học Vương quốc Anh, một cơ sở dữ liệu cung cấp tài nguyên nghiên cứu cho các nhà khoa học.

Những người tham gia nghiên cứu đã cung cấp các mẫu máu, mẫu nước tiểu và nước bọt định kỳ, đồng thời trả lời các câu hỏi liên quan đến ngủ trưa trong suốt 4 năm nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ có thể thu thập tần suất ngủ trưa chứ không thu thập thông tin về thời gian ngủ trưa. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ thu thập thông tin dựa trên các bảng trả lời cá nhân của những người tham gia nghiên cứu về vấn đề ngủ trưa. Đây là một hạn chế vì những người tham gia nghiên cứu có thể không nhớ chính xác các thông tin.

"Những người tham gia không định nghĩa được thế nào là giấc ngủ trưa ngắn. Ví dụ, nếu bạn định ngủ một hoặc hai tiếng đồng hồ thì đó không còn là một giấc ngủ trưa ngắn nữa", PGS.TS Raj Dasgupta, chuyên gia về giấc ngủ tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California cho biết.

PGS Raj Dasgupta cũng cho biết thêm: “Một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 đến 20 phút trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều sẽ là khoảng thời gian tốt nhất để ngủ bù và lấy lại năng lượng nếu bạn đang thiếu ngủ”.  Tuy nhiên, PGS Dasgupta cũng chỉ ra rằng nếu bạn mắc chứng mất ngủ mạn tính, bạn không nên ngủ trưa vì điều này có thể khiến chứng mất ngủ của bạn trở nên trầm trọng hơn.

Nghiên cứu mới: Những người thường xuyên ngủ kiểu này có nguy cơ đột quỵ cao hơn 24% - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 đến 20 phút trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều giúp hồi phục năng lượng.

Hầu hết những người tham gia nghiên cứu có thói quen ngủ trưa thường xuyên, hút thuốc lá, uống rượu hàng ngày, đều xuất hiện triệu chứng ngủ ngáy và mất ngủ vào buổi tối.

"Tất cả các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ của họ", PGS Dasgupta nói.

PGS Dasgupta chỉ rõ: “Chất lượng giấc ngủ kém gây ra sự mệt mỏi quá mức vào ban ngày và có thể dẫn đến tình trạng ngủ trưa nhiều hơn vào ban ngày”.

"Ngủ trưa là một dấu hiệu cảnh báo về chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn ở một số người", vị PGS nói thêm. 

"Tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh cân nặng, từ đó có thể gây ra tình trạng béo phì, huyết áp cao, tiểu đường loại 2 - tất cả các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch."

Giáo sư Giang Phàm, Trưởng khoa Rối loạn giấc ngủ của Bệnh viện Não trực thuộc Đại học Y Quảng Châu, Trung Quốc, giải thích rằng nếu thời gian ngủ trưa quá dài, bạn rất dễ đi vào giai đoạn giấc ngủ REM (Rapid eye movement: giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) và ngủ sâu. Lúc này, sức căng của cơ giảm mạnh, hơi thở và mạch đập không đều. Nếu thức dậy ở giai đoạn này, cơ thể sẽ cảm thấy uể oải, yếu ớt, bơ phờ và chán nản.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ, thời gian ngủ trưa quá dài sẽ làm tăng tình trạng thiếu oxy và xảy ra hiện tượng ngưng thở khi ngủ, tạo áp lực cho tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Kết

Nói chung, bạn không nên ngủ trưa quá lâu, thời gian ngủ trưa không nên vượt quá 30 phút. Bởi, ngủ hơn 30 phút sẽ khiến cơ thể con người đạt trạng thái ngủ sâu nhưng không hoàn thiện. Nếu bị tỉnh đột ngột thì cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, uể oải. Hơn nữa, ngủ trưa quá lâu còn có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ vào ban đêm, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Nguồn: CNN, Sina

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại