Trong phát biểu mới đây, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, Hải quân Mỹ có ý định loại biên tàu sân bay USS Harry Truman sau 25 năm phục vụ thay vì kế hoạch bảo trì, kéo dài vòng đời hoạt động như ban đầu.
Nếu quyết định này được thông qua, Lầu Năm góc sẽ tiết kiệm được hàng chục tỷ USD để dành cho các chương trình quân sự quan trọng hơn. Đây cũng là động thái chứng minh vai trò của các hạm tàu sân bay vốn là biểu tượng quân sự của Mỹ đang dần phai nhạt.
“Di sản đắt giá”
Tàu sân bay USS Harry Truman bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1998 và phục vụ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải. Trong những năm gần đây, USS Harry Truman được sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Giống như các tàu sân bay của Hải quân Mỹ, vòng đời của USS Harry Truman được xác định khoảng 50 năm. Tới giữa những năm 2020, nó phải được đại tu giữa vòng đời với hàng loạt thay đổi lớn về trang bị trên khoang và nạp lại các thanh năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân. Tổng chi phí của quá trình này ước khoảng 4 tỷ USD và kéo dài trong 4 năm.
Ngoài USS Harry Truman, các tàu sân bay khác như USS George Washington và John K. Stennis cũng chuẩn bị thực hiện quy trình tương tự. Việc này đang tạo gánh nặng lớn về tài chính trong các năm tài khóa tới cho Lầu Năm Góc.
USS Gerald R. Ford có thể là lớp tàu sân bay đắt nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ.
Các chuyên gia quân sự Mỹ tính toán, nếu loại biên USS Harry Truman, Quân đội Mỹ có thể tiết kiệm 30 tỷ USD để dành cho các chương trình vũ khí mới, hiệu quả hơn.
Cũng chính vì gánh nặng tài chính, trong số 11 hạm đội tàu sân bay đang hoạt động của Mỹ, chỉ có 6 hạm đội là thường trực, số còn lại đang chờ đợi sửa chữa hoặc loại bỏ.
Về vấn đề này, giáo sư Sergei Sudakov thuộc Viện Khoa học Quân sự Liên bang Nga nhận định, việc duy trì các hạm đội tàu sân bay đang là vấn đề nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ do thiếu các nguồn lực cần thiết.
Tuy nhiên, việc giảm bớt số lượng hạm đội tàu sân bay theo đề xuất của ông Patrick Shanahan đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ giới chức quân sự Mỹ.
Hình ảnh của các hạm đội tàu sân bay giống như biểu tượng của nước Mỹ và việc thay đổi nó không thể làm được trong ngày 1, ngày 2.
Mặt khác, việc cắt giảm số lượng hạm đội tàu sân bay, dù chỉ là 1 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, để duy trì đủ 11 hạm đội tàu sân bay sẽ là thách thức lớn đối với Lầu Năm góc trong thời gian tới.
“Như muối bỏ bể”
Trong vài thập niên tới, hàng loạt tàu sân bay của Mỹ sẽ đến lúc loại biên. Chiếc đầu tiên sẽ là USS Nimitz phục vụ từ năm 1975 và Dwight Eisenhower (năm 1977).
Trong tháng 2-2019, Lầu Năm góc đã ký hợp đồng cùng lúc đóng mới 2 tàu sân bay thuộc lớp Gerald Ford và dự kiến tiếp nhận vào các năm 2028 và 2032. Đây có thể coi là hợp đồng vũ khí lớn kỷ lục của Quân đội Mỹ kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tuy nhiên, có một vấn đề là tàu sân bay lớp Gerald Ford đang có giá thành quá cao so với các lớp tàu sân bay trước đó và công nghệ vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Chiếc USS Gerald Ford thuộc lớp cùng tên có giá tới 13 tỷ USD đang mắc phải hàng loạt vấn đề công nghệ và chưa thể hoạt động chiến đấu trong vài năm tới.
Giá thành của tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ còn tiếp tục tăng cao cho tới lúc nó hoàn thiện. Điều này sẽ sớm trở thành “thảm họa” khi kết hợp với việc các tàu sân bay của Mỹ buộc phải dừng hoạt động để bảo dưỡng.
Theo kế hoạch mới nhất của Lầu Năm góc, USS Gerald Ford sẽ tham gia hoạt động quân sự vào năm 2022. Tuy nhiên, với nhiều lần lùi kế hoạch từ năm 2009 tới nay, rất khó có thể nói tàu sân bay Mỹ liệu có sẵn sàng theo đúng kế hoạch của Lầu Năm góc.
Vị thế độc tôn của tàu sân bay đang thay đổi
Từ những năm 1960, các hạm đội tàu sân bay hạt nhân được coi công cụ kiểm soát các đại dương của Mỹ. Với sự hiện diện của các “thành phố nổi trên biển”, Quân đội Mỹ đã nhiều lần đánh bại các đối thủ ở khắp nơi trên thế giới.
Vũ khí siêu vượt âm mới đang biến hạm tàu sân bay trở thành vũ khí đắt đỏ và thiếu hiệu quả.
Sự kết hợp giữa các phi đội máy bay trên boong với tàu sân bay tạo ra vùng tác chiến hiệu quả ở phạm vi 700km tại bất kỳ nơi nào tàu sân bay đứng chân.
Tuy nhiên, khả năng này đang bị thách thức với sự ra đời của các loại vũ khí siêu vượt âm mới. Theo lời chuyên gia Sergey Sudakov, các nhóm tàu sân bay Mỹ đang mất dần hiệu quả và sẽ sớm bị Lầu Năm góc thay thế với học thuyết quân sự mới.
Việc duy trì các hạm đội tàu sân bay tốn kém, thiếu hiệu quả không hề khôn ngoan khi đối đầu với các loại vũ khí siêu vượt âm mới như Zircon của Nga.
Những hạm tàu sân bay hàng chục tỷ USD sẽ thành tàu ngầm với chỉ vài đạn tên lửa trị giá 5-7 triệu USD.
Để đối lại, Mỹ có thể sử dụng nguồn ngân sách dành cho các hạm tàu sân bay để phát triển vũ khí mới triển khai trên quỹ đạo Trái đất, vũ khí siêu âm và laser. Ngoài ra, bộ ba hạt nhân của Mỹ cũng được nâng cấp triệt để với sự trở lại của các loại tên lửa tầm ngắn và trung mới.
Vấn đề còn lại chỉ còn phụ thuộc vào việc lãnh đạo Lầu Năm góc thuyết phục giới lập pháp Mỹ. Nhiều khả năng, tàu sân bay sẽ giống như thiết giáp hạm trở thành các viện bảo tàng nổi để gợi nhớ về thời kỳ tung hoành trên các đại dương cho khách tham quan.