Ấn Độ và Pakistan hiện đều có trong biên chế những loại chiến đấu cơ hạng nhẹ nội địa, chúng mang trong mình rất nhiều kỳ vọng, được xem như niềm tự hào của không quân nước sở tại và còn có tham vọng vươn xa ra thị trường vũ khí thế giới.
Đối với Pakistan, họ hợp tác với Trung Quốc trong công tác thiết kế và sản xuất tiêm kích JF-17 Thunder, Islamabad dự định sẽ lắp ráp với số lượng lớn để thay thế toàn bộ phi đội F-7PG đã rất lạc hậu, thậm chí trong tương lai còn có ý định giao toàn bộ vai trò của F-16 cho nó.
Ở phía bên kia, Ấn Độ cũng có chiếc Tejas do Tập đoàn công nghiệp hàng không HAL chế tạo. Tuy rằng được xem như sản phẩm thuần chất địa phương hơn nếu đặt cạnh JF-17, nhưng khi nhìn vào bề ngoài của chiếc Tejas thì dễ dàng nhận ra đây là một dẫn xuất từ Mirage, thực tế các khí tài điện tử của Pháp và Israel cũng chiếm hàm lượng lớn trên máy bay.
Tiêm kích hạng nhẹ HAL Tejas của Không quân Ấn Độ
Vấn đề cần quan tâm ở đây đó là cả JF-17 lẫn Tejas đều bị nghi ngờ rất nhiều về tính năng kỹ chiến thuật thực tế cũng như mức độ tin cậy khi sử dụng, ví dụ như Không quân Trung Quốc không chấp nhận đưa Thunder vào biên chế, trong khi Tejas mãi vẫn chưa thực sự hoàn thành quá trình thử nghiệm.
Nhưng chỉ một thời gian tương đối ngắn thì JF-17 đã dần giành được sự tin tưởng của khách hàng quốc tế, khi Không quân Pakistan vận hành một phi đội khá lớn mà chẳng để lại bất cứ điều tiếng gì, một vài quốc gia khác (như Myanmar hay Nigeria) sau khi nghiêm túc đánh giá đã quyết định đặt mua.
Tuy nhiên có lẽ cũng phải tới lúc JF-17 đạt thành tích "chói lọi" trong thực chiến, khi một số nguồn tin cho rằng mẫu chiến đấu cơ này đã bắn hạ được 1 tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ thì nó mới thực sự được công nhận là một dòng tiêm kích đáng gờm và rất giàu tiềm năng.
Sự vắng mặt hoàn toàn của tiêm kích Tejas tại điểm nóng LoC khiến cho triển vọng của nó ngày càng trở nên u ám
Trong chiều ngược lại, tiêm kích Tejas của Ấn Độ đang thể hiện một bộ mặt khó mà gây thất vọng hơn nữa. Cho dù được thông báo là đã tiến lên phiên bản Mk 2, mang trong mình nhiều công nghệ tối tân và không hề thua kém tiêm kích phương Tây (bao gồm Rafale, JAS 39, hay Eurofighter Typhoon) nhưng theo nhận xét từ giới chuyên môn thì đây chỉ là sự cường điệu.
Nếu thực sự Tejas là một chiến đấu cơ ưu việt như những gì New Delhi vẫn tự hào tuyên bố thì chẳng có lý do gì họ không sớm điều nó lên điểm nóng LoC để trực tiếp đối đầu với JF-17 của Không quân Pakistan, bởi chẳng một lời quảng cáo nào sánh bằng thành tích thực chiến.
Do vậy khi JF-17 đã "gọi" thì Tejas bắt buộc phải sớm đưa ra câu trả lời, nếu tiếp tục "tàng hình" và bắt "ông lão" MiG-21 Bison gánh vác thay như trong suốt những ngày qua thì chương trình tiêm kích hạng nhẹ nội địa LCA của Ấn Độ có thể xem như đã sớm đi vào ngõ cụt.
Tiêm kích hạng nhẹ Tejas được Ấn Độ trưng bày tại Triển lãm hàng không Aero India 2019