Điều này cũng tạo nên tâm lý quan ngại về việc liệu Syria nếu có trong tay những tổ hợp vũ khí tối tân như S-300, nhưng với cung cách chiến đấu hiện tại và tương quan lực lượng tại Syria, thì thay vì nâng cao năng lực phòng thủ, thì sẽ chỉ mang lại những mối nguy cơ mới.
Có thể Nga đã đúng khi quyết định không trao vào tay Syria "bảo kiếm" S-300 chỉ một ngày sau vụ không kích trả đũa của Israel.
Con người, chứ không phải khí tài quyết định thắng lợi
Có một thực tế đáng buồn và đã có truyền thống là khả năng sử dụng vũ khí, khí tài của các quốc gia Ả rập thường gây quan ngại sâu sắc đối với các chuyên gia quân sự quốc tế. Những điển hình cho điều này không thiếu trong lịch sử, đặc biệt là trong cuộc chiến giữa khối Ả rập và Israel.
Trong cuộc chiến này, mặc dù các quốc gia Ả rập được trang bị những khí tài hiện đại bậc nhất của Liên Xô và có ưu thế hoàn toàn về quân số, trang bị, lại vẫn thất bại trước quân đội Do Thái - lực lượng bé nhỏ nhưng luôn chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc mình.
Thậm chí, nhiều chuyên gia Liên Xô đã phải cay đắng thừa nhận, các quốc gia Ả rập dù được trang bị hiện đại hơn Việt Nam, nhưng khả năng chiến đấu thì kém xa.
Chỉ với tên lửa SAM-2 chẳng mấy hiện đại, phòng không Việt Nam đã lập chiến công chấn động địa cầu: Hạ gục nhiều siêu đài bay B-52 Mỹ. Ảnh: Xác máy bay B52 bị bắn rơi vào 23h ngày 27-12-1972 trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Và ở ngay cuộc nội chiến Syria, hình ảnh về những khí tài quân sự còn nguyên vẹn bị Quân đội Syria bỏ lại cho phiến quân và chúng lại được sử dụng để chống lại Damascus là sự thật đau lòng.
Vậy, nếu Syria được chuyển giao S-300 liệu khả năng phòng thủ của Syria có được tăng cường hay lịch sử lại lặp lại và uy danh của dòng tên lửa phòng không hiện đại này sẽ giống như Pantsir-S1 bị chôn vùi ở Syria, khiến Nga "xấu mặt"?
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria bị Israel tiêu diệt.
Thực tế, đối với Syria hiện tại việc bổ sung thêm tổ hợp tên lửa tầm xa S-300 sẽ không giúp cải thiện nhiều khả năng phòng thủ. "Yếu tố" cần thiết của các tổ hợp vũ khí phòng không tầm xa có thể được phía Nga khỏa lấp nhờ sự hiện diện của các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hơn như S-300VM ở Tartus và S-400 ở Hmeymim.
Một điểm khác cần lưu ý là nếu Syria sở hữu S-300, Israel chắc chắn sẽ không ngồi yên và đặt chúng là mục tiêu ưu tiên tiêu diệt. Với cách chiến đấu và tổ chức hiện tại của Quân đội Syria, kịch bản S-300 bị Israel theo sát và tiêu diệt trong các đòn tấn công đột kích là rất rõ ràng. Israel có thừa khả năng và năng lực quân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ "vặt cổ" S-300 của Syria.
Điều này càng được được khẳng định qua sự việc phương tiện chiến đấu Pantsir-S1 của Syria bị phá hủy do lỗi của kíp điều khiển tối 10-5.
Không phải vô lý, mà chỉ sau đó 1 ngày, ngày 11-5, Trợ lý Tổng thống Nga, Vladimir Kozhin, tuyên bố, Moscow chưa đàm phán chuyển giao S-300 cho Syria và năng lực của Quân đội Syria đã đủ để bảo vệ đất nước.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 do Nga (Liên Xô) chế tạo.
Vũ khí phòng thủ, nhưng có thể tạo nguy cơ chiến tranh
Ngoài các yếu tố về kỹ thuật và con người, việc Syria sở hữu S-300 còn tạo ra nhiều mối nguy hiểm khác.
Trong cuộc xung đột qua lại giữa một bên là Syria và đồng minh Iran với Israel trong các ngày 9 và 10/5 vừa qua có thể thấy rõ sự đan xen lợi ích của nhiều bên tại Syria có thể đẩy Damascus vào cuộc xung đột "của người khác".
Điều gì sẽ xảy ra khi S-300 của Syria bắn hạ máy bay của Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ vì một nguyên nhân không liên quan tới an ninh quốc gia của nước này.
Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới leo thang xung đột, thậm chí là khiến cuộc nội chiến ở Syria có thể đảo chiều với sự can dự quân sự từ nước ngoài. Đó là kịch bản Moscow không bao giờ muốn thấy.
Nga thực sự đã hao tổn rất nhiều nguyên khí để tạo được chiến cục Syria như ngày nay, chính vì thể Moscow sẽ không bao giờ cho phép Syria rơi vào hỗn loạn mất kiểm soát như trước kia.
Hệ thống phòng không hiện tại của Syria với sự hỗ trợ của Nga đủ sức đáp trả mọi đòn tấn công từ bên ngoài và thực tế này đã được khẳng định với kết quả đối phó với cuộc không kích của Mỹ và liên quân ngày 14/04.
Phải chăng đây cũng là một phần lý do giải thích việc Moscow đã xem xét, cân nhắc rồi ra quyết định không cung cấp S-300 cho Syria, chấp nhận thà mang tiếng "nuốt lời" còn hơn là sau này phải đi giải quyết hậu họa?
Khoảnh khắc tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria bị Israel tiêu diệt