Chị Lê Kim Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết con trai chị học lớp 3 nhưng nặng 50 kg. Trước Tết, chồng chị mua hai két nước ngọt để mọi người uống chống ngán trong bữa ăn. Cũng vì ngày Tết nên chị Kim Anh để con cái thả phanh. Chỉ sau ba ngày Tết, chị kiểm tra không còn lon nước ngọt nào và cậu con trai thì phúng phính lên trông thấy.
Chị hỏi ra thì biết con thích nước ngọt và những lúc rảnh là lấy lon nước ngọt ra uống thậm chí giấu cha mẹ mang lên cả phòng ngủ uống.
Kết quả, sau Tết đi khám dinh dưỡng bé ở mức độ béo phì độ 1 với BMI lên tới 28.5. Nhìn bảng chỉ số cân nặng của con, chị rất sốt ruột nhưng không biết làm sao. Theo chị Kim Anh, con tăng cân khoảng 2 năm nay và chị cũng cố gắng kiểm soát việc ăn uống của con nhất là những ngày lễ Tết nhưng Tết vừa rồi chị quên đi khoản nước ngọt dẫn tới con tăng cân nhanh.
TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, xu hướng sử dụng nước ngọt ngày càng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em.
Một lon nước ngọt chứa khoảng 10 đến 17 thìa đường gây tăng cân rất nhanh.
Ngày Tết, đại đa số các gia đình mua cả vài thùng nước ngọt, nước ép trái cây lon về nhà uống. Thói quen này cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Bởi uống một lon nước ngọt rất dễ, ngon miệng, trong bữa ăn có những người uống cả lon nước ngọt vẫn thấy bình thường, không có cảm giác lo sợ bị lên cân như ăn các thực phẩm khác. Tuy nhiên, nước ngọt là thủ phạm gây tăng cân rất nhanh trong dịp Tết.
Trung bình 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 330ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140kcal.
Nhiều người quan niệm rằng khi ăn uống đặc biệt thức ăn nhiều dầu mỡ uống thêm nước có ga giúp dễ tiêu hóa hơn, giảm triệu chứng đầy bụng, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, TS Hưng cho biết đó là quan điểm không đúng. Nếu ai có hệ tiêu hóa không tốt, đặc biệt người có bệnh đại tràng thì uống nước có ga sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, có thể làm 2 cơ quan này bị tê liệt, gây đau bụng, đầy hơi và bệnh nặng hơn.
Còn Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, cho biết một ngày một người có mức năng lượng là 2000kcal thì có nghĩa là 10% cung cấp từ đường, chúng ta phải ăn dưới 10% và tốt nhất là nên ăn dưới 5% tổng năng lượng khẩu phần từ đường. Người trưởng thành nên ăn dưới 25g đường/ngày (tương đương 5 muỗng cà phê đường mỗi ngày) và không nên ăn quá 50g đường/ngày (quá 10 muỗng cà phê). Để nhận diện đường trong thực phẩm thì cần đọc nhãn thực phẩm.
VD: lon nước ngọt khoảng 330ml sẽ chứa khoảng 9-10 muỗng cà phê đường. Một số nước tăng lực có thể lên đến 16,17 thìa cà phê đường. Các loại nước đóng chai có vị ngọt thì khả năng có đường là cao. Bánh kẹo, thức ăn nhiều loại có đường cần xem xét kỹ.
Ăn quá nhiều đường lúc ấy lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến hàm lượng insulin trong cơ thể phải “bùng nổ” bất thường để kịp thời phản ứng với lượng đường khổng lồ này và dễ mắc bệnh tiểu đường.
Nước ngọt có đường cũng sẽ cung cấp nhiều calo nhưng năng lượng lại rỗng. Nếu nạp nhiều sẽ là nguyên nhân chính của tình trạng tăng cân và béo phì. Nước ngọt chứa nhiều đường, đặc biệt không chất xơ có thể gây ra cảm giác đói do thiếu năng lượng khiến người dùng cảm giác thèm tinh bột hoặc đường - 2 chất có xu hướng gây tăng cân.
Đường còn gây ra tình trạng tăng glucose trong máu, làm cơ thể suy nhược và mệt mỏi. Một chế độ ăn uống nhiều đường thường dẫn đến tình trạng thiếu chất crôm.