Theo The Moscow Times, căn cứ không quân Nga Hmeimim ở Tây Bắc Syria đã bị nhiều máy bay không người lái tấn công trong những tuần gần đây, trong đó có vụ tấn công hôm 3/9 bị phòng không Nga đẩy lùi.
Các máy bay không người lái có thể bay chặng đường dài tới 150km với độ cao tới 4000m, người phát ngôn bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho phóng viên biết hôm thứ Ba khi ông trình bày về những mẫu UAV mà quân đội Nga thu được trong cuộc tấn công mới đây.
"Chúng tôi hiểu các máy bay không người lái này được lắp đặt theo một số mẫu và mô hình phức tạp. Hẳn ai đó rất am tường về kỹ thuật đã giúp khủng bố", người phát ngôn bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Theo ông Konashenkov, những người chế tạo UAV đã sử dụng giải pháp công nghệ khá phức tạp, yêu cầu có trình độ chuyên môn đặc biệt, mặc dù thiết bị bay trông "rất tầm thường" và "thô sơ" về mặt hình dạng.
"Phiến quân nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài để có những cỗ máy này," Thượng tướng Không quân Vũ trụ Nga khẳng định.
Tuy nhiên, ông Igor Konashenkov không chỉ rõ nhóm nào hay quốc gia nào đã giúp khủng bố chế tạo máy bay không người lái có kỹ thuật cao như vậy.
Những UAV bị bắn rơi được trang bị một hệ thống điều khiển để định vị. Chúng cũng được trang bị 3 ăng-ten và bảng điều khiển kho đạn.
Một UAV khác có hệ thống động cơ chạy bằng xăng-một thùng xăng 5 lít đơn giản. Đạn có thể thả từ độ cao 1.5-2 km nhờ sự giúp đỡ của hệ thống "cơ khí đặc biệt" sẽ giúp đẩy chúng ra khỏi thiết bị.
Ông Konashenkov lưu ý những UAV trông như thể chúng được lắp ráp như mô hình ở câu lạc bộ thiết kế hàng không. Tuy nhiên, người ta cần phải có kiến thức kỹ thuật vững chắc để có thể thiết kế và chế tạo cơ chế điều khiển/thả đạn từ chúng.
Nga xây dựng căn cứ không quân Hmeimim kể từ đầu chiến dịch nhằm giúp Syria chống khủng bố vào năm 2015. Bọn khủng bố thường cố gắng tấn công căn cứ, sử dụng cả UAV, nhưng bọn chúng đều thất bại thảm hại.
Lực lượng của Tổng thống Syria Assad dưới sự trợ giúp của Nga đã nối lại cuộc tấn công lớn kéo dài 5 tháng vào vùng Idlib, nơi cuối cùng vẫn do khủng bố nắm quyền kiểm soát sau hơn 8 năm nội chiến.
Lực lượng phòng không Nga ở dọc căn cứ Hmeimim và cảng Tartus gần đó đã phá hủy 30 tên lửa và 13 máy bay không người lái ở Idlib kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Liên Hợp Quốc khẳng định kể từ khi bạo lực bùng phát trở lại ở Tây Bắc Syria hồi tháng 4, hơn 400 dân thường đã phải di cư.
Khoảng một nửa người di cư đang sống trong các trại tạm bợ hoặc dưới tán cây. Và theo quân đội Nga và Syria, những người dân này chính là mục tiêu phiến quân tấn công.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã họp ở Ankara vào ngày 17/9, đồng ý nới lỏng căng thẳng ở vùng Idlib nhưng cả ba nước vẫn còn bất đồng trong nhiều giải pháp ở Syria.