Cựu phi công Mỹ từng không chiến với phi công Nguyễn Văn Bảy: Chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại

Hải Vy |

"Bảy là một phi công xuất sắc nhưng tôi không hề biết rằng đó còn là một người đàn ông chân thật, thân thiện, chu đáo và đáng mến đến thế" - Đại tá Charlie Plumb xúc động nói.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã qua đời ở tuổi 84 trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng đội. Khi nhận được thông tin này, đại tá Joseph Charlie Plumb - cựu phi công hải quân Mỹ từng có cuộc chạm trán với ông Bảy tại Quảng Yên năm 1967 - không khỏi xúc động.

Tôi rất buồn khi nghe tin ông Bảy đã qua đời” - ông Plumb nói bằng giọng xúc động trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh và cuộc gặp gỡ kỳ diệu sau 48 năm với phi công Nguyễn Văn Bảy vào năm 2015, ông Plumb quyết định chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm và cảm nghĩ của ông với huyền thoại phi công của Việt Nam.

“Tôi kính nể ông Bảy ngay từ giây phút đối đầu”

Với chất giọng trầm cương nghị, ông Plumb kể, lần đầu tiên ông chạm trán phi công Nguyễn Văn Bảy trên bầu trời Việt Nam là vào tháng 4/1967. Trong trận không chiến này, ông Bảy điều khiển chiếc MiG-17, còn ông Plumb khi ấy đang là phi công trên chiếc F-4 Phantom của Hải quân Mỹ.

Chúng tôi bước vào một trận không chiến. Không ai trong chúng tôi bắn hạ được đối phương, nhưng tôi trở về với đầy những lỗ đạn trên thân máy bay. Tôi nghĩ máy bay của ông Bảy cũng vậy, chúng là đạn do tôi bắn ra. Thế nhưng ngay từ ngày hôm đó, trong tôi đã có một sự kính nể rất lớn đối với người phi công ấy” - ông Plumb nói.

Cựu phi công Mỹ từng không chiến với phi công Nguyễn Văn Bảy: Chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại - Ảnh 1.

(Xử lý ảnh: Đỗ Linh)

48 năm sau, tức năm 2015, ông Plumb trở lại Việt Nam và đã có cuộc gặp gỡ đáng nhớ với “đối thủ chưa biết mặt” tại Đồng Tháp.

Ông Bảy cùng gia đình đãi tôi một bữa cơm, và tôi đã có dịp được thấy một phần con người khác của ông ấy. Bảy là một phi công xuất sắc nhưng đến khi đó, tôi mới biết thêm rằng đó còn là một người đàn ông chân thật, thân thiện, chu đáo và đáng mến đến thế.

Rõ ràng chúng tôi đến từ hai quốc gia, sống trong nền văn hóa khác nhau và những quan điểm chính trị khác biệt nhưng khi là phi công, chúng tôi có rất nhiều điểm giống nhau, đó là cả hai đều chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc mình.

Tôi được chứng kiến sự kính trọng của những người thân trong gia đình, hàng xóm và các đồng đội phi công đối với ông Bảy.

Dường như ai ai cũng ngưỡng mộ ông. Tôi có thể hiểu được tại sao, bởi ông ấy là một người vô cùng tốt” - Đại tá Plumb xúc động nhớ lại.

Cựu phi công Mỹ từng không chiến với phi công Nguyễn Văn Bảy: Chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại - Ảnh 2.

Ông Charlie Plumb trong chuyến thăm ông Bảy tại Việt Nam năm 2015 (Ảnh do Đại tá Charlie Plumb cung cấp).

Cũng theo cựu phi công Mỹ, trong chuyến đi trở lại Việt Nam năm ấy, để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất chính là sự thân thiện của người dân Việt Nam đối với người Mỹ, và ông cũng nhận thấy rõ điều đó ở ông Bảy.

Ông ấy không tỏ ra thù hận tôi, và tôi cũng không có chút ác cảm nào với ông ấy. Chúng tôi đã trở thành những người bạn” - ông Plumb nói.

Hai năm sau cuộc gặp với Đại tá Plumb, ông Bảy cùng các đồng đội đã sang thăm Mỹ theo lời mời của các cựu phi công nước này.

“Chúng tôi ngạc nhiên, phi công Việt Nam quá dũng cảm”

Trong số 16 phi công ACE của Việt Nam, chỉ có 3 người, trong đó có phi công Nguyễn Văn Bảy, lái MiG-17. Mặc dù được đánh giá thua kém hoàn toàn F-4 Phantom của Mỹ về tốc độ và độ cơ động nhưng MiG-17 dưới sự điều khiển của phi công Việt Nam đã khiến các phi công Mỹ không khỏi kinh hãi.

Chúng tôi rất ngạc nhiên. MiG-17 gây bất ngờ bởi sự nhanh nhẹn của nó. Chiếc máy bay mà tôi điều khiển không thể đối phó với MiG-17 một cách dễ dàng, bởi chúng ngoặt rất nhanh, có lúc còn nhanh hơn cả MiG-21.

Trong giai đoạn 1966 và 1967, không có nhiều tiêm kích MiG-21 được triển khai, phần lớn là MiG-17 và một số chiếc MiG-19. Chúng tôi đã rất kinh ngạc trước mức độ linh hoạt của MiG-17 và cả sự quyết liệt của những phi công điều khiển chúng” - ông Plumb kể.

Cựu phi công Mỹ từng không chiến với phi công Nguyễn Văn Bảy: Chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại - Ảnh 3.

Trong số 7 máy bay mà ông Bảy bắn hạ có tới 5 chiếc F-4, trong khi đây là loại máy bay thường được điều khiển bởi những phi công giỏi nhất của Mỹ. Điều đó đã cho thấy rõ trên bầu trời, ông Bảy là một phi công đáng gờm như thế nào.

Khi tôi hỏi ‘Bằng cách nào ông có thể bắn hạ tới 7 máy bay Mỹ?’, Bảy trả lời rằng ông ấy không hề thấy sợ hãi và sẽ bay tới thật gần máy bay Mỹ rồi mới nổ súng. Bí quyết của ông ấy là áp sát máy bay đối phương và khai hỏa cùng lúc 3 khẩu pháo, thay vì lãng phí quá nhiều đạn bằng cách bắn từ xa.

Có lần Bảy nói với tôi rằng ông ấy sẽ bay về phía máy bay đối phương cho tới khi nào nhìn thấy rõ số hiệu của máy bay rồi mới bắn.

Bảy rất dũng cảm. Tôi cho rằng đó là một trong những lý do khiến ông ấy và chiếc MiG-17 của mình đạt được nhiều thành tích đến vậy. Thực sự đó là một con người vô cùng gan dạ” - Cựu phi công Mỹ một lần nữa bày tỏ sự thán phục của mình đối với phi công Nguyễn Văn Bảy.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với Trí Thức Trẻ, Đại tá Plumb nhờ chúng tôi chuyển lời chia buồn sâu sắc tới gia đình phi công Nguyễn Văn Bảy:

Đây quả thực là một mất mát to lớn đối với Việt Nam, đặc biệt với gia đình ông Bảy bởi tôi biết rằng họ yêu ông ấy rất nhiều. Cho phép tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình. Chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại”.

Joseph Charlie Plumb sinh năm 1942 tại Indiana, tốt nghiệp Học viện Hải quân San Diego và trở thành phi công trong lực lượng hải quân Mỹ.

Gần một tháng sau lần “chạm trán” với Nguyễn Văn Bảy trên không phận Bắc Việt và chạy thoát, trong phi vụ thứ 76 của mình (ngày 19.5.1967), máy bay của Plumb bị tên lửa của Sư đoàn Phòng không 361 bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Plumb nhảy dù và bị bắt giam ở Hỏa Lò - nơi được mệnh danh là “Khách sạn Hilton - Hà Nội”.

6 năm sau, Plumb có tên trong số các tù binh được trao trả theo Hiệp định Paris. Ngày 18.2.1973, Plumb được đưa từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) về căn cứ không quân Clark (Philippines). Sau đó, ông tiếp tục con đường binh nghiệp.

Khi về hưu, ông đi diễn thuyết ở nhiều nơi và trở thành một diễn giả được yêu thích. Ông cũng là tác giả của 2 cuốn sách I’m no hero (Tôi không phải là người hùng) và The last domino (Quân domino cuối cùng).

Phim tài liệu "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" giữa cựu phi công Mỹ Charlie Plumb và cựu phi công Nguyễn Văn Bảy. Đạo diễn: Trần Quốc Sơn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại