Máy bay Ấn Độ tiếp tục rơi
Sáng 25/9, tờ Sputnik đưa tin một chiếc MiG-21 đã bị rơi ở khu vực Gwalior ở miền Trung Ấn Độ. Cả hai phi công, một Nhóm trưởng (tương đương cấp bậc Đại tá) và một chỉ huy phi đội, đã thoát bằng ghế phóng an toàn.
Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết trong một tuyên bố: "Máy bay phản lực huấn luyện MiG-21 đang thực hiện công tác huấn luyện khi vụ tai nạn xảy ra.
Máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Gwalior và bị rơi gần sân bay vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương. Cả hai phi công đều đã an toàn.Cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được tiến hành trong thời gian tới".
Vũ khí trang bị trên một chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ.
Tuy đã lên kế hoạch loại biên MiG-21 "Bison" và các biến thể huấn luyện MiG-21U (Ấn Độ gọi là Type 66), MiG-21US (Type 68) vào năm 2015, tuy nhiên cho tới nay các tiêm kích đánh chặn này của IAF vẫn tiếp tục cất cánh.
Năm 2019, 10 máy bay của IAF đã bị thiệt hại trong các hoạt động. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh trong một báo cáo trước quốc hội Ấn Độ vào tháng 6/2019 chỉ rõ rằng lực lượng không quân nước này đã mất 33 máy bay, trong đó có tới 19 máy bay chiến đấu từ năm 2015.
"Quan tài bay" MiG-21
MiG-21bis của IAF được lắp ráp theo giấy phép bởi công ty Hindustan Aeronautics tại Nasik từ các bộ CKD (bộ kit được nhà sản xuất cung cấp) cho tới năm 1987.
Mặc dù một loạt những vụ tai nạn những năm 1990 khiến các phi công Ấn Độ gọi MiG-21 là "quan tài bay" nhưng IAF vẫn quyết định nâng cấp khoảng 128 chiếc MiG-21bis và MiG-21MF (Type 96) lên chuẩn MiG-21 "Bison" vào năm 2003 với giá trị hợp đồng 626 triệu USD.
Một đồ họa miêu tả tính năng của MiG-21 "Bison" Ấn Độ.
MiG-21 "Bison" là gói nâng cấp tiêu chuẩn với radar cảnh báo Phazotron Kopyo (Spear) (tương tự MiG-29), có thể theo dõi 8 mục tiêu và tấn công đồng thời 2 mục tiêu với tên lửa không đối không bán chủ động như Vympel R-27.
"Bison" có khả năng mang các vũ khí không đối không thế hệ mới như tên lửa tầm nhiệt R-73, tên lửa đối không tầm trung lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động R-27 và tên lửa đối không tầm xa lắp đầu tự dẫn radar chủ động R-77 (khai hỏa ngoài tầm nhìn).
Nhiều suy đoán chủ quan thì cho rằng do cam kết của phía Nga về việc kéo dài tuổi thọ của MiG-21 "Bison" lên tới 20 năm khiến IAF "tự tin" duy trì trang bị máy bay này cho tới những năm đầu của thập kỷ 2020.
Một số nhà bình luận "thực tế" hơn thì giải thích rằng do các chương trình mua sắm thất bại (đặc biệt là do yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa cao) khiến IAF không kịp thay thế và bắt buộc phải duy trì một số lượng lớn những chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-21 đã trở nên không an toàn và kém hiệu quả trong không chiến hiện đại.
Trong cuộc không chiến xảy ra tháng 2/2019 tại Kashmir, Ấn Độ đã huy động 8 máy bay chiến đấu (4 chiếc Su-30MKI, 2 chiếc Mirage 2000 và 2 chiếc MiG-21 "Bison" giao chiến với với máy bay của Không quân Pakistan.
Về phía Pakistan, họ tung ra 8 chiếc F-16, 4 Mirage III, 4 JF-17 Thunder và các máy bay hộ tống.
Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất một chiếc MiG-21 "Bison" đã được xác nhận là bị bắn rơi và phi công đã được Pakistan trao trả cho Ấn Độ.
Trong khi phía Pakistan tuyên bố JF-17 Thunder bắn rơi MiG-21 "Bison" thì Ấn Độ cáo buộc đối phương sử dụng F-16 và vi phạm các cam kết với phía Mỹ khi mua các máy bay này.
Xác máy bay MiG-21 Bison bị Pakistan bắn rơi hôm 27/2.