"Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi": Trung Quốc đang háo hức chờ đợi Mỹ tấn công Iran?

Hoài Giang |

Ông Trump có thể sẽ bỏ qua các lợi ích chiến lược nằm ở Châu Á và bị cuốn vào một "vũng lầy" mới ở Trung Đông trong sự "vui vẻ" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

"Ám ảnh phi lý về Iran" đã khiến người Mỹ lạc lối?

Hoa Kỳ đang "mắc kẹt" trong một cuộc đối đầu kinh tế với Trung Quốc, và quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi nhanh chóng.

Truyền thông Trung Quốc tràn ngập những khẩu hiệu dành cho người dân về tương lai kéo dài của một cuộc chiến tranh thương mại và cảnh báo người Mỹ rằng Trung Quốc sẽ là đối thủ "khó chơi" nhất mà họ từng đối đầu kể từ năm 1776 (Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ).

Những căng thẳng nói trên là dư chấn của một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chuyển từ mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh suốt 3 thập kỷ sang một kỷ nguyên cạnh tranh.

Ông Trump đã từ bỏ "hy vọng ngây thơ" rằng có thể được thuyết phục Trung Quốc tham gia trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, và sự điều chỉnh chính sách này là một trong những điều khiến Tổng thống xứng đáng nhận được đánh giá cao của công chúng Mỹ.

Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi: Trung Quốc đang háo hức chờ đợi Mỹ tấn công Iran? - Ảnh 1.

Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chiến tranh thương mại (gọi tắt là Thương chiến).

Rõ ràng cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc đang nhận sự ủng hộ, kết luận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh ghê gớm nhất mà Hoa Kỳ từng đối mặt là không thể phản bác.

Tuy nhiên, tại thời điểm Hoa Kỳ đối mặt với thách thức địa chiến lược lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một số người trong chính quyền của ông Trump dường như bị phân tâm và đang đưa ra các "thông điệp chiến tranh" trước một mối đe dọa ít liên quan: Iran.

Phản ứng trước"mối đe dọa của Iran", Mỹ đã triển khai một cụm tác chiến tàu sân bay USS Abrams Lincoln, nhóm đặc nhiệm ném bom B-52, các phi đội máy bay tiêm kích F-15 và các hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ các căn cứ Mỹ tại Trung Đông.

Hiện tại (sau cuộc tập kích vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi ngày 14/9) Mỹ đang lên kế hoạch triển khai thêm 120.000 binh sĩ tới khu vực khiến số lượng lính đóng tại Trung Đông có thể vượt lên trên con số 200.000 quân.

Các nhân vật "diều hâu" trong chính quyền Mỹ đang bị một "nỗi ám ảnh phi lý" kéo dài với Iran thúc ép để có một hành động chiến tranh.

Nỗi ám ảnh được miêu tả là phi lý bởi vì, trong khi một cuộc chiến như vậy có thể mang lại lợi ích cho một số đồng minh được gọi là của Mỹ ở Trung Đông, cụ thể là Arab Saudi, thì vị thế toàn cầu lâu dài của Hoa Kỳ được cho là "có hại hơn có lợi".

Cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln hiện cùng với nhóm đột kích B-52 đang đóng tại Trung Đông để chờ đợi mệnh lệnh tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trung Quốc đang chờ đợi Mỹ "tự chặt tay mình"

Khi cuộc xâm lược Iraq nổ ra năm 2003, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu "nói một cách vui vẻ" về một cơ hội chiến lược đáng kinh ngạc kéo dài 2 thập kỷ vừa mới rơi vào tay họ.

Trung Quốc "hít thở" trong một không gian mà họ có thể rảnh tay cải thiện sức mạnh của mình so với Hoa Kỳ trong khi người Mỹ phung phí sức mạnh. Hiện tại, nước Mỹ sắp mắc lại sai lầm tương tự, nhưng ở quy mô lớn hơn.

Iran có quy mô và dân số gấp 3 lần Iraq và lực lượng quân sự của họ nguy hiểm hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là kết quả một cuộc chiến tranh với quốc gia này sẽ không thể là một kết quả nào khác ngoài một mớ hỗn độn.

Còn nếu là một cuộc xung đột ngắn với kết quả không rõ ràng, nó sẽ là một thảm họa cho "quyền lực mềm" và vị thế quốc tế của Hoa Kỳ.

Nhưng nhiều khả năng, cuộc chiến sẽ nhanh chóng trở thành một "vũng lầy" mới khiến cho các cuộc chiến Iraq và Afghanistan trong quá khứ trở nên quá khập khiễng nếu so sánh.

Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi: Trung Quốc đang háo hức chờ đợi Mỹ tấn công Iran? - Ảnh 3.

Thiệt hại to lớn về kinh tế (với số nợ nước ngoài khổng lồ) cũng như nhân mạng trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988) đã khiến Iraq phải "phiêu lưu" bằng việc xâm lược Kuwait. Đây cũng là lý do chính khiến Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 nổ ra.

Điều này có thể thấy rõ bởi thực tế là Trung Quốc và Nga có thể viện trợ cho Iran trong bất kỳ hình thức xung đột nào với Mỹ thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng tiện dụng mà Trung Quốc đang xây dựng trên khắp Trung Á như là một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Một cuộc xung đột như vậy sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế địa chính trị của Mỹ, đồng thời làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân sự trong khi các sức mạnh đó là tối cần thiết để kìm hãm một Trung Quốc ngày càng tham vọng.

Do đó, "Hội chứng loạn trí Iran" có thể trở thành thảm họa đối với lợi ích quốc gia của Mỹ, kéo dài thời kỳ được Trung Quốc gọi là "cơ hội chiến lược", vượt ra khỏi những "giấc mơ điên rồ nhất" của Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ tự do thực hiện tham vọng vượt qua Hoa Kỳ về kinh tế, chiếm ưu thế quân sự ở Tây Thái Bình Dương, và đạt được vai trò cường quốc hàng đầu trong sự phát triển của toàn cầu.

Các chuyên gia chính sách ở Washington vẫn tiếp tục tranh luận về phương án đối phó với Trung Quốc, nhưng cả phe "diều hâu" và phe "bồ câu" tham gia vào cuộc tranh luận đó có thể sẽ đồng thuận ở một điểm:

Nếu Hoa Kỳ gây chiến với Iran, thì điều đó có nghĩa là bắt đầu "Kỷ nguyên của Trung Quốc".

Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi: Trung Quốc đang háo hức chờ đợi Mỹ tấn công Iran? - Ảnh 5.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Việc kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông sẽ được đánh giá là hành động "vô lương tâm". Sức mạnh của Hoa Kỳ khi đã bị phân tán sẽ không đủ khả năng đối mặt với thách thức áp đảo của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2018 đã kết luận rằng cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc và Nga là ưu tiên hàng đầu và cạnh tranh chiến lược liên quốc gia (chứ không phải là chủ nghĩa khủng bố) hiện là mối quan tâm hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ."

Tương tự như nỗ lực của Cựu Tổng thống Barack Obama với chiến lược "Xoay trục về Châu Á" bị hủy hoại bởi nỗi ám ảnh của các tướng lĩnh để tiếp tục các cuộc chiến tranh không hồi kết ở Iraq và Afghanistan, ông Trump cũng có nguy cơ bị cuốn vào một "vũng lầy mới" trái với lợi ích chiến lược của Mỹ nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương.

May mắn thay, bản năng của ông Trump khôn ngoan hơn nhiều so với những cố vấn của ông.

Ông đã bày tỏ sự tức giận với những nỗ lực của họ để lôi kéo nước Mỹ vào các cuộc chiến tranh nước ngoài chống lại ý chí của người dân Mỹ.

Tổng thống Trump nên tiếp tục chống lại những ám ảnh nguy hiểm và phản tác dụng với Iran và để mắt đến một đối thủ khác, Trung Quốc.

Tàu sân bay nội địa Type 002 (Type 001A) của Hải quân Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại