Thổ Nhĩ Kỳ: F-16 Mỹ như "đống sắt vụn" so với Su-35 của Nga

Anh Tú |

Nhiều nhà quan sát Thổ Nhĩ Kỳ, cả chuyên gia và dân thường, đã mô tả các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo chỉ như "đống sắt vụn" nếu so với Su-35 của Nga.

Khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, và nhất là với Mỹ đang tiếp tục diễn biến xấu đi thì Ankara đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới các hệ thống vũ khí của Nga.

Nổi bật nhất trong số đó là các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-500, máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35 thế hệ 4 ++ và tiêm kích tàng hình tiên tiến Su-57.

Trong chuyến tham dự Triển lãm Hàng không MAKS 2019 mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra đặc biệt quan tâm tới máy bay chiến đấu Su-57 của Nga, và ở mức độ thấp hơn là MiG-35. Nắm bắt được cơ hội này, Moscow ngay sau đó đã gửi các máy bay phản lực Su-35 tới tham gia Triển lãm Technofest tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Dòng máy bay đầu bảng này của Không quân Nga được cho là đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các khách tham quan Thổ Nhĩ Kỳ khi bay trình diễn tại Sân bay Quốc tế Ataturk.

Thổ Nhĩ Kỳ: F-16 Mỹ như đống sắt vụn so với Su-35 của Nga - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35

Nhiều hãng tin tức đã so sánh MiG-35 với các máy bay F-16 Fighting Falcon, những chiến đấu cơ đang đóng vai trò nòng cốt trong Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Theo đó, nhiều nhà quan sát, cả chuyên gia và dân thường, đã mô tả F-16 do Mỹ chế tạo như là "đống sắt vụn" nếu so với Su-35 của Nga, dựa trên những khả năng hạn chế của nó.

Trang tin Theaviationgeekclub đã điểm qua một số bình luận đáng chú ý như: "Theo dõi màn biểu diễn của máy bay này (Su-35), tôi ước gì nó sẽ trở thành máy bay chiến đấu được sản xuất tại chính các nhà máy của chúng ta. Ngày nay, chúng ta không cần tới những thứ xấu xa của Mỹ nữa nhưng "Gấu Nga" là điều cần thiết".

Một số độc giả khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi tẩy chay "F-16 rác rưởi của Mỹ" và thay thế chúng bằng các máy bay chiến đấu của Nga.

Cần thấy rằng, F-16 lần đầu tiên được Mỹ đưa vào sử dụng là năm 1978. Đây là mẫu thiết kế nhẹ hơn và có chi phí rẻ hơn so với dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hai động cơ F-15C Eagle.

Tuy nhiên, Su-35, mặc dù đại diện cho dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không cao cấp có trọng lượng tương tự F-15C nhưng lại có tầm bắn xa hơn, tải trọng vũ khí lớn hơn, cảm biến tốt hơn, tốc độ cao hơn và trần hoạt động cũng cao hơn F-16.

Bên cạnh đó, Su-35 cũng được tích hợp các công nghệ đi trước dòng chiến đấu cơ này của Mỹ hàng thập kỷ, trong đó có động cơ đẩy vector 3 chiều giúp gia tăng khả năng cơ động, các hệ thống theo dõi hồng ngoại và radar Irbis-E cũng tiên tiến hơn.

Ngoài ra, Su-35 còn có tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn cũng như được trang bị tên lửa không đối không siêu thanh tốt hơn F-16.

Nhờ chi phí sản xuất thấp, Su-35 đã trở thành mặt hàng xuất khẩu với nhiều lợi thế so với F-16 đang trở nên già cỗi. Trung Quốc đã quyết định mua 24 tiêm kích Su-35 với giá khoảng 83 triệu USD/chiếc. Con số này bao gồm cả chi phí huấn luyện, vũ khí kèm theo, các bộ phận dự phòng, chuyển giao công nghệ và hạ tầng bảo trì.

Trong khi đó, F-16 hiện nay vẫn chẳng khác gì mấy so với các máy bay từ thời Chiến tranh Lạnh mặc dù đã được nâng cấp các hệ thống điện tử hàng không và cảm biến tiên tiến. Nhiều quan chức ở các nước, trong đó có cả Mỹ cho rằng F-16 đang tiến tới sự lỗi thời một cách nhanh chóng.

Su-35 Nga bay trình diễn tại Triển lãm Technofest 2019

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại