Nếu thế giới không có Mỹ…

M.T |

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế liên quan tới vấn đề khí hậu, hạt nhân Iran, thương mại... đang đặt ra dấu hỏi về vai trò của Mỹ trong thế giới hiện nay.

Tổng thống Trump: Mỹ thích hiệp định song phương hơn TPP Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

Thế giới đang chứng kiến một sự mới lạ hoàn toàn

Những quyết định gần đây của ông Trump trong vấn đề Iran hay đặt đại sứ quán ở Jerusalem đang đẩy thế giới rơi vào náo loạn. Trước đó, ông Trump cũng đơn phương rút khỏi 2 thỏa thuận quan trọng là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa ước về chống biến đổi khí hậu Paris. Giờ là lúc báo chí Pháp đi sâu khai thác chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Trong bài viết “Trump, người đặt chất nổ”, tờ Le Courrier International tóm tắt những hành động gần đây của lãnh đạo Mỹ: đụng độ đẫm máu ở Gaza, vòng xoáy chiến tranh Iran-Israel, đoạn tuyệt với châu Âu trong vấn đề Iran và cuộc gặp thượng đỉnh đầy rủi ro với Triều Tiên. Trong bài viết, tác giả nhận định nơi Tổng thống Mỹ, chủ nghĩa cô lập được tuyên bố trong khẩu hiệu tranh cử “American First” kết hợp một cách kỳ lạ với chủ nghĩa can thiệp ngày càng tăng.

Khi người tiền nhiệm Barack Obama cố gắng rút nước Mỹ khỏi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới thì ngược lại, Tổng thống Donald Trump can thiệp vào tất cả những cuộc khủng hoảng, thậm chí còn kích động chúng.

Về Syria, ông Obama ngoài các tuyên bố về lằn ranh đỏ, hầu như chỉ đứng ngoài. Còn ông Trump không ngần ngại cho bắn tên lửa ngay từ những nghi ngờ đầu tiên về tấn công hóa học. Ông Obama đã làm gì cho hòa bình giữa Israel và Palestine? Chẳng có gì đáng kể thì quyết định cho đặt Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem của ông Trump đã gây ra một vòng xoáy bạo lực mới tại Trung Đông.

Một trong những thành tựu của thời kỳ Obama về ngoại giao là thỏa thuận với Iran, chủ yếu do châu Âu thương lượng trong hơn 10 năm. Nhưng cũng như tất cả các hồ sơ khác, ông Trump đã đi ngược lại với người tiền nhiệm. Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Trump khẳng định nếu Iran muốn trở thành thành viên cộng đồng quốc tế thì phải chấm dứt bành trướng trong khu vực và ngưng yểm trợ các phe Hezbollah, Hamas. Nếu người Palestine muốn tồn tại, thì phải chấp nhận mình đã thua cuộc.

Trong bài “Nền ngoại giao hỗn loạn”, Le Courrier International nhắc nhở: khí hậu, tự do mậu dịch, Iran - mỗi lần Donald Trump xé bỏ một thỏa thuận được ký kết trước khi ông lên nắm quyền, thì lại khẳng định ông sẽ thương lượng được tốt hơn. Thế nhưng những lời hứa này chưa bao giờ thành sự thực. Tháng 6-2017 khi rút khỏi hiệp định khí hậu Paris bị ông Trump cho là “lừa đảo”, ông cho biết sẵn sàng thương lượng lại, nhưng từ đó đến nay vẫn im ắng.

Trước đó, một trong những quyết định đầu tiên của ông Trump khi bước vào Nhà Trắng là rút lui khỏi hiệp định TPP. Thỏa thuận bị ông Trump ngờ vực nhiều nhất là hiệp định hạt nhân Iran. Các thanh tra quốc tế, và ngay cả các cơ quan an ninh, tình báo của Mỹ lẫn Israel đều cho rằng Tehran tôn trọng hiệp định. Điều này không quan trọng đối với ông Trump và các đồng minh diều hâu. Tất cả dường như tin rằng vấn đề Iran sẽ được giải quyết khi chế độ sụp đổ, do khủng hoảng kinh tế hoặc do một chiến dịch quân sự.

Trước các hành động đơn phương tự quyết của Mỹ như vậy. Theo Les Echos, thế giới đang chứng kiến một sự mới lạ hoàn toàn, được bắt đầu từ nửa thế kỷ qua và đồng thời cũng là sự tiếp tục truyền thống của nước Mỹ. Mới lạ vì chưa bao giờ lãnh đạo một cường quốc lớn lại có cách hành xử như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự đi xuống của cường quốc Mỹ, kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Ngược về quá khứ xa hơn một chút, thì tư duy co cụm đã từng nhiều lần xuất hiện trong lịch sử Hoa Kỳ, từ thời George Washington và Alexandre Hamilton.

Như vậy, hiện nay, nước Mỹ đang tự tách mình ra khỏi thế giới và đã đến lúc thế giới phải có cách ứng xử phù hợp, không để cho các “hạt mầm chia rẽ” có thể nẩy mầm và phát triển. Thực ra, thế giới đã và đang hành động theo hướng này. Tại những định chế mà Mỹ tìm cách đánh sập, lãnh đạo các nước khác đã nỗ lực cứu chữa, khắc phục và duy trì.

Những ưu thế để giành quyền độc tôn

Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có thể thích làm theo ý mình? Theo Le Figaro, ông Trump chưa phải là Tổng thống Mỹ duy nhất làm điều đó. Barack Obama và George W. Bush đã từng làm như vậy, nhưng chưa đi đến việc xé bỏ các hiệp ước. Vậy phải chăng đó là một phản ứng hoảng loạn trước việc Trung Quốc đang trỗi dậy thành một cường quốc?

Tác giả bài báo nhìn nhận sức mạnh của một quốc gia không nằm ở chỗ diện tích lớn hay nhỏ. “Thế độc tôn không đòi hỏi phải là quốc gia lớn nhất hành tinh. Chả phải nước Anh đã từng thống trị một phần thế giới trong suốt hơn một thế kỷ trong quá khứ hay sao?”, ông Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Harvard nhận định.

Do vậy, theo quan điểm của ông Raymond Aron, một triết gia Pháp, được Le Figaro dẫn lại, sức mạnh cường quốc thể hiện ở khả năng áp đặt ý chí của một đơn vị chính trị lên những đơn vị khác. Về điểm này, Mỹ sở hữu nhiều ưu thế để thể hiện thế độc tôn của mình. Thứ nhất, sức mạnh kinh tế. Khả năng sản xuất và tổng sản phẩm nội địa chiếm tỷ trọng cao xếp nước Mỹ đứng đầu bảng.

Nếu thế giới không có Mỹ…  - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 24-5.

Tương tự, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng đầu (17,3% thị phần thế giới theo WTO). Và thị trường này vận hành như một máy hút khiến các nước khác không thể nào bỏ qua. Thứ hai, sức mạnh quân sự. Thế mạnh này thể hiện một ưu thế đáng ngợp hơn. Ngân sách quân sự của Mỹ là 610 tỷ USD, bằng ít nhất 7 nước gộp lại, trong đó có Trung Quốc. Chưa có một nước nào có đội hàng không mẫu hạm hùng hậu như Mỹ gồm 11 chiếc đang hoạt động. Hải quân Mỹ thống lĩnh các đại dương, điều đó đã tạo lợi thế cho Mỹ bá quyền đồng đôla.

Lịch sử nhắc lại rằng vào thế kỷ XIX, thế thượng phong của đồng sterling cũng liên quan đến tính ưu thế hàng hải của đế chế Anh. Thứ ba, làm chủ được không gian mạng. Lĩnh vực tư nhân như nhóm Gafam (Google, Amazon, Facebook, Microsoft) chỉ là một phần nổi của tảng băng kinh tế kỹ thuật số. Chính Icann (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), tập đoàn cung cấp tên miền và địa chỉ Internet, hiện nằm dưới sự bảo hộ của Chính phủ Mỹ từ năm 2016, mới là cơ quan thống trị lĩnh vực công nghệ.

Cuối cùng, thế mạnh đào tạo. Các trường đại học của Mỹ, với Harvard đứng đầu, chiếm 17 trong số 20 vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng thế giới các trường đại học ARWU của Thượng Hải.

Theo Le Figaro, chính sức mạnh quân sự đã mang lại cho Mỹ một lợi thế kinh tế lớn lao. Tờ tiền xanh đã trở thành “tiếng nói” của giới tài chính. 42% trao đổi tài sản và dịch vụ được niêm yết bằng đôla và 59% các khoản vay mượn ngân hàng là cũng bằng đôla. Theo giải thích của giáo sư Barry Eichengreen, Trung Quốc đang nắm giữ đến 60% dự trữ ngoại tệ bằng đôla, bởi vì nước này xuất nhiều hàng sang Mỹ hơn ai hết. 2 nước châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, nắm giữ đến 80% ngoại tệ xanh dưới dạng trái phiếu nhà nước, do những thỏa thuận an ninh ký kết với Washington.

Tệ hơn nữa là Đức và Arập Xêút. Gần như 100% nguồn dự trữ ngoại tệ của hai nước này là bằng đôla, để đổi lấy ô hạt nhân của Mỹ. Lợi thế tài chính mà Washington có được là rất lớn, đến mức “chỉ cần những nước lệ thuộc vào Mỹ về an ninh giảm 30% nguồn dự trữ bằng đôla, sao cho lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ tăng lên 80 điểm cơ bản, là đủ để làm chi phí của bộ Tài chính Mỹ tăng thêm 115 tỷ đôla mỗi năm”.

Le Figaro cũng lưu ý là nền kinh tế Mỹ còn lợi dụng được các điều kiện tài chính đặc biệt từ những nước khác. Trong những năm 1950-1960, khi mà các tập đoàn đa quốc gia phát triển mạnh mẽ, Mỹ đã mở rộng đế chế công nghiệp của mình ra ngoài lãnh thổ. Lợi nhuận kiếm được còn cao hơn cả sản xuất trong nước, do 90% các khoản đầu tư ở nước ngoài là từ chính những nước tiếp nhận tài trợ. Do đó, theo quan điểm của tờ báo, thâm thủng mậu dịch của Mỹ mà ông Trump đang ầm ĩ phàn nàn chỉ là một mẹo.

Những khoản thâm hụt này đều được bù đắp bằng tiền tiết kiệm của nước ngoài và những dòng vốn này cho phép các tập đoàn đa quốc gia chinh phục thế giới và tích lũy lợi nhuận. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài tích lũy được lên đến 3.000 tỷ đôla.

Nếu thế giới không có Mỹ…  - Ảnh 2.

Quyết định đặt đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem của ông Donald Trump đã gây ra một làn sóng bạo lực giữa Israel và Palestine.

Nhưng cay đắng thay, trong nguồn vốn liên lục địa này, những đồng minh chính trị của Mỹ chỉ là những khán giả không có tiếng nói. Theo quan sát của ông Patrick Artus, kinh tế gia tại Natixis, kể từ cuối những năm 1990, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và suy thoái kinh tế đi kèm theo luôn xuất phát từ chính sách tiền tệ của Mỹ, từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán 1987, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cho đến vỡ bong bóng thị trường cổ phiếu năm 2000 và gần đây nhất là khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 2008.

Và Mỹ xử lý các cuộc khủng hoảng này theo một nguyên tắc duy nhất là bất cân xứng, nghĩa là không có chuyện “có qua có lại”. Lấy danh nghĩa “không một cá nhân nào, chủ thể nào gây tổn hại đến nền kinh tế chúng ta có thể nằm ngoài pháp luật” như tuyên bố của cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, nên Mỹ thẳng tay trừng phạt các ngân hàng châu Âu. Mỉa mai thay, không ai tư vấn cho châu Âu biết là lẽ ra khối này có thể trừng phạt Ngân hàng Goldman Sachs vì đã giúp Hy Lạp giả mạo chứng từ công!

Để kết luận, Le Figaro nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn của Phedre nhắc nhở rằng “chẳng bao giờ có được một sự an toàn khi chơi với kẻ mạnh”.

Giới chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích Donald Trump đang phá hỏng trật tự tự do được hình thành từ năm 1945 đến nay. Tướng về hưu Kiều Lương thẳng thừng cáo buộc “Mỹ gây chiến trong khoảng từ 20-30 năm qua là nhằm mục đích bảo vệ ưu thế đồng đôla”.

Theo Le Figaro, dù gì thì cũng khó có thể hình dung một trật tự thế giới mới mà lại không có Mỹ. Do vậy, để có thể tồn tại mà không phụ thuộc vào Mỹ, thế giới cần phải hành động và đó sẽ là một thời kỳ bão tố lớn. Giới tinh hoa của các cường quốc dường như đã phát hiện ra điều này. Tờ Les Echos của Pháp mới có bài viết về khả năng Đức hợp tác với Trung Quốc để “đối phó với Mỹ”, trong 2 vấn đề thương mại và hạt nhân Iran. Thủ tướng Đức có chuyến công du Trung Quốc trong 2 ngày, 24 và 25-5.

Chuyến đi lần thứ 11 của bà Angela Merkel tới Bắc Kinh lẽ ra đã có thể chỉ là một chuyến viếng thăm thông thường. Tuy nhiên, theo Les Echos, trong bối cảnh Mỹ gây chấn động thế giới, với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa chiến tranh thương mại với rất nhiều quốc gia, trong đó có cả các đồng minh lâu năm, chuyến công du của bà Merkel tới Trung Quốc rất có thể có mục tiêu chính là siết chặt quan hệ với Bắc Kinh nhằm đối phó với Mỹ, cho dù các cộng sự của thủ tướng Đức từ chối nói đến chủ trương này.

Theo Les Echos, Đức có thể tìm thấy ở Trung Quốc một đối tác thương mại “ổn định”, “trước mặt và về trung hạn”, trong lúc Mỹ tỏ ra là một đối tác khó chơi, Washington sẵn sàng hành xử đơn phương, gây nhiều khó khăn cho Berlin trong các vấn đề quốc tế, cũng như kinh tế. Trung Quốc là bạn hàng số một của Đức, với 187 tỉ euro thương mại song phương, Mỹ đứng thứ ba với 173 tỉ.

Một cố vấn của thủ tướng Đức tuyên bố Berlin có quan hệ tốt với cả hai bên. Tuy nhiên, về chuyến công du của bà Merkel, theo giới thân cận với Thủ tướng Đức, mục tiêu số một là thuyết phục Bắc Kinh “đóng góp một cách đáng kể cho hợp tác kinh tế với Iran”, với tư cách là một cường quốc kinh tế, để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ tan vỡ, sau khi Mỹ rút khỏi, và đe dọa áp dụng các trừng phạt nghiệt ngã. Hiện tại, Trung Quốc là một khách hàng lớn của ngành dầu mỏ Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại