Trong chuỗi thông điệp trên Twitter vào sáng 6-6-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc chính phủ Qatar tài trợ cho khủng bố. Đó là sự hậu thuẫn lớn lao mà ông dành cho lãnh đạo của Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập - các nước đã phong tỏa Qatar một ngày trước đó. Trong nhiều năm liền, những quốc gia nói trên chỉ trích Qatar dung dưỡng đài truyền hình Al Jazeera chuyên đi lật đổ, đồng thời hỗ trợ các nhóm cực đoan trong khu vực.
Bế tắc kéo dài nhiều tháng nay và ông Trump dường như mặc kệ cho nó diễn ra. Dĩ nhiên giữa tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo vùng Vịnh có nhiều cuộc điện đàm qua lại, trong đó ông Trump khuyên các đồng minh khôi phục quan hệ. Thế nhưng, vấn đề này khó lòng trở thành ưu tiên trong mắt Nhà Trắng.
Giờ đây, ông Trump can thiệp trở lại và là một cú bẻ lái hoàn toàn. Thay vì lên án Qatar như hồi năm ngoái, tổng thống Mỹ phái tân Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Trung Đông để khuyên Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Adel al-Jubeir rằng đã đến lúc hàn gắn với người Qatar. Dường như mọi chuyện như thế là đủ.
Điều gì đã làm thay đổi tình hình? Chính quyền của ông Trump nhận ra mối quan hệ với Iran sắp đến chỗ đối đầu, do đó họ cần một Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thống nhất ở bên phe mình. Việc ông Trump đổi giọng với Qatar gần như báo trước việc ông quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sau đó.
Nhưng mỉa mai là vòng phong tỏa của Ả Rập Saudi - UAE - Ai Cập - Bahrain đã trở thành một thực tế mới trong khu vực. Và Qatar vận dụng năng lực tài chính khổng lồ của mình để đối phó. Nước này đã gầy dựng ngành công nghiệp sữa riêng, điều chỉnh các đường bay của hãng hàng không Qatar Airways, thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chấp nhận các chuyến hàng thực phẩm từ Iran ngay từ những ngày đầu bị bao vây. Vương quốc nhỏ bé này cũng khoét sâu vào việc không phải nước nào trong khu vực cũng đồng tình với sách lược của 4 nước kia để tạo lợi thế ngoại giao riêng.
Từ khi nhận ra Qatar không chịu cúi đầu khuất phục, các nước phong tỏa quyết định chuyển sang cô lập Doha về lâu dài. Xung đột được định hình theo kiểu mạnh bên nào bên nấy phá rối đối phương, từ tung tin giả, làm rò rỉ thông tin chiến lược đến bôi nhọ nhau. Có lúc họ nhỏ mọn như trẻ nít. Chẳng hạn, hãng Etihad Airways của UAE bỏ luôn từ "Qatar" khỏi chương trình bản đồ của mình.
Tuy nhiên, tranh chấp luôn có nguy cơ lan rộng ra khỏi vùng Vịnh. Tất cả bên liên quan, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đều hoạt động tích cực ở biển Đỏ và vùng Sừng châu Phi. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ vừa nâng cấp quan hệ quân sự với Sudan, làm suy yếu ảnh hưởng của Ai Cập, từ đó tăng nguy cơ của các cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia về vấn đề phân phối nguồn nước sông Nile và các xung đột lãnh thổ khác. Chưa hết, đôi co còn tiềm tàng ở cả Libya và Tunisia, nơi mà nhóm phong tỏa và Qatar ủng hộ các phe phái đối lập nhau.
Mâu thuẫn lan tận đến bên trong Washington bởi Qatar lẫn Ả Rập Saudi đều đổ nhiều tiền của để tranh thủ sự ủng hộ của giới hoạch định chính sách, thành viên quốc hội và các tổ chức tư vấn của Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp đội quân vận động hành lang hùng hậu của hai bên, quan điểm của Washington không khác mấy so với 11 tháng trước, đó là: "Không có đồng minh nào hoàn hảo. Qatar không phải là thiên thần nhưng họ có những mối quan hệ độc nhất vô nhị và có ích. Căn cứ không quân Al Udeid đặc biệt có giá trị với chúng ta".
Dù vậy, cả 4 nước đang phong tỏa Qatar hài lòng với việc ông Pompeo trở thành ngoại trưởng Mỹ. Các quan chức ở Riyadh và Abu Dhabi đều chỉ đích danh người tiền nhiệm của ông Pompeo, ông Rex Tillerson, góp phần gây ra cớ sự. Theo họ, lẽ ra ông Tillerson nên chĩa mũi dùi vào Tiểu vương Tamim bin Hamad của Qatar chứ không phải là che chở cho Qatar trước sự phẫn nộ của một tổng thống luôn cứng rắn với khủng bố và Iran (như ông Trump).
Thế nhưng, hầu hết những lý giải cho thái độ thay đổi của Nhà Trắng - như người Qatar đã vận động hành lang thành công hay Washington nhận ra Qatar là phe tốt... - đều có vẻ quá mơ hồ. Ví dụ, nếu việc vận động hành lang có hiệu quả, tại sao không phải trong quá khứ mà đợi đến tận bây giờ? Vả lại, cả 2 nhân vật mới trên ghế ngoại trưởng Mỹ (ông Pompeo) và cố vấn an ninh quốc gia (ông John Bolton thay ông H.R. McMaster) đều rất cứng rắn với "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan". Với lập trường đó, lý ra họ phải nghiêng về phe phong tỏa chứ không phải đi bắc cầu với Qatar như hiện nay.