Ngồi nhiều
Thời gian ngồi mỗi ngày bao gồm bất kỳ hoạt động nào được thực hiện ở tư thế ngồi hoặc ngả lưng, chẳng hạn như làm việc, xem TV, chơi game, di chuyển trên phương tiện giao thông, thậm chí cả việc ăn uống.
Nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu cho thấy khi thời gian ngồi tăng lên thì nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là bệnh tim và tiểu đường tuýp 2 cũng tăng lên đáng kể, nhất là khi thời gian ngồi 1 ngày quá 8 tiếng.
Báo cáo trên Tạp chí Lão hoá còn chỉ ra việc ngồi từ 8 tiếng trở lên làm giảm 2-4 năm tuổi thọ, thậm chí lên đến 8 năm nếu không vận động. Nam giới ngồi nhiều, ngồi sai tư thế còn có thể ảnh hưởng xấu đến cột sống và sức khỏe sinh lý, dễ đau lưng và hông, vùng đầu cổ, làm chậm quá trình trao đổi chất dẫn đến tăng cân.
Nếu tính chất công việc phải ngồi liên tục trong thời gian dài, nam giới nên dành thời gian vận động ngắn trong giờ nghỉ, đứng lên đi bộ nhẹ nhàng để máu lưu thông, cơ bắp hoạt động tốt hơn. Đồng thời để giảm tác động tiêu cực do việc ngồi nhiều, cần kết hợp hoạt động thể chất, tập luyện thể thao ít nhất 150 phút/ tuần.
Ăn nhiều đồ dầu mỡ, nhiều gia vị
Thói quen ăn đồ nhiều dầu mỡ làm tăng nguy cơ gây đầy hơi, đau dạ dày, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì ở nam giới. Trong khi đó thực phẩm tẩm ướp nhiều gia vị như đường, muối tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp tăng, gây sỏi thận, đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Vậy nên với những thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị, chỉ nên ăn hạn chế, kết hợp với chế độ ăn giàu chất xơ, chất đạm và chất béo tốt cũng như vitamin, khoáng chất để cân bằng dinh dưỡng. Nam giới có thể ưu tiên cách chế biến hấp, luộc, nướng, sử dụng ít muối, đường để bảo vệ sức khỏe.
Thường xuyên căng thẳng
Thường xuyên căng thẳng khiến cơ thể sản xuất các hormone chống stress như adrenaline và cortisol làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp ở nam giới. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài dẫn đến căng thẳng mãn tính, gây trầm cảm, mất ngủ, dễ cáu gắt, tâm trạng thất thường và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Stress còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lão hoá tế bào, gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ, tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Thiền, vận động thể chất, dành thời gian thư giãn với sở thích cá nhân có thể là chìa khóa giúp hạn chế tác động tiêu cực do căng thẳng từ công việc, cuộc sống.
Thức khuya nhiều
Nam giới có thói quen ngủ muộn dễ gặp tình trạng đau đầu, khó tập trung, về lâu dài dẫn đến suy giảm trí nhỡ, căng thẳng, lo âu, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Thức khuya còn khiến dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn, dẫn đến đau, thậm chí loét dạ dày.
Một phân tích tổng hợp được công bố trên tập san học thuật Advances in Nutrition cho thấy những người hay thức khuya có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể so với người không có thói quen này.
Ngủ muộn thường dẫn đến tình trạng ngủ không đủ giấc, ảnh hưởng đến phản ứng insulin của cơ thể và việc kiểm soát đường huyết cũng như huyết áp và cholesterol. Nghiên cứu năm 2018 công bố trên tạp chí The Journal of Biological and Medical cho thấy người thích thức khuya có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 10% so với người đi ngủ sớm.
Vậy nên nam giới cần duy trì thói quen ngủ sớm, ngủ đủ 7-8 tiếng/đêm để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và kéo dài tuổi thọ.