Mỹ tung "đòn quân sự" thách thức cả Nga và Trung Quốc

Kiệt Linh |

Giới nghị sĩ Mỹ muốn quân đội nước này thách thức Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực bằng cách tìm kiếm một hay nhiều hơn một địa điểm để xây dựng một cảng giúp đáp ứng nhu cầu thèm khát ngày càng lớn của Washington đối với dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác ở Bắc Cực.

Dự Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2020 đã đề xuất Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các nhánh khác của quân đội Mỹ nên tìm kiếm một cảng chiến lược mới ở Bắc Cực. NDAA công khai nói rằng, động thái của họ là nhằm chống lại sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực.

Dự luật trên sẽ được bỏ phiếu trong tuần này. Theo lẽ tự nhiên, dự luật mới NDAA có thể sẽ khiến Nga lo ngại. Tuy nhiên, với sự hiện diện đã thiết lập được ở Bắc Cực hiện tại, Moscow rõ ràng không có gì đáng phải lo ngại.

Moscow chỉ ra rằng họ đang có khoảng 40 xe phá băng ở Bắc Cực trong khi Mỹ chỉ có một. Nga đã “đầu tư đáng kể” vào việc thiết lập một Bộ Chỉ huy Bắc Cực mới. Nga cũng đã xây dựng và cải tạo 18 cảng nước sâu và 14 căn cứ không quân ở Bắc Cực.

Một phần khác của dự luật mới của Mỹ cảnh báo về việc Nga đang phối hợp với Trung Quốc trong việc khai thác các mỏ khí ở Bắc Cực. Vấn đề khai thác các lợi ích kinh tế ở Bắc Cực đang thu hút sự chú ý của nhiều nước.

Kể từ khi nhiều đường biển được mở ra ở Bắc Cực do kết quả gây ra từ tình trạng biến đổi khí hậu, những quốc gia xung quanh vùng Bắc Cực bắt đầu tìm cách giành ảnh hưởng và lợi thế ở khu vực này.

Nga đã đưa hàng chục tàu phá băng và đang nỗ lực tăng cường năng lực của nước này ở Bắc Cực cả trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng, bao gồm việc thiết lập những căn cứ quân sự.

Trung Quốc cũng đang bắt tay vào thiết lập một hạm đội tàu phá băng và đang thể hiện mong muốn xây dựng “một con đường tơ lụa” ở Bắc Cực.

Nga đã mở nhiều căn cứ quân sự và khoa học ở vùng Bắc Cực trong những năm gần đây. Tổng thống Putin đã đích thân thực hiện nhiều chuyến thăm đến Bắc Cực.

Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có "sổ đỏ". Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.

Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ châu Âu đến châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km.

Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác.

Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.

Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại